1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người từng bị bom B52 vùi lấp kể lại ký ức “Điện Biên Phủ trên không”

(Dân trí) - Ngôi nhà 59B gia đình tôi đêm ấy hứng trọn 6 trái bom. Giữa nóc hầm lĩnh đủ một trái, 40 nhân mạng trong hầm không còn ai! Em trai đứng cạnh tôi tử vong tại chỗ. Con gái tôi ra đi ở tuổi 15, khi vừa được kết nạp đoàn… Khâm Thiên hoang tàn!

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không hào hùng, Dân trí xin đăng lại hồi ức của một nhân chứng sống, một cái nhìn chân thực về những mất mát, đau thương không thể tính đếm trong chiến tranh. Nhân chứng sống đó là ông Lê Thanh Tường, nguyên Phó trưởng phòng kho vận C.ty Vật tư kỹ thuật, thuộc Ủy ban Phát thanh-truyền hình Việt Nam, thời đánh Mỹ, được bới lên từ đống gạch ngói, sau trận bom B52 của 12 ngày đêm lịch sử “Điên biên phủ trên không” năm 1972. Nay ông đã 82 tuổi, vẫn nhớ như in cái đêm ác liệt ấy, ông kể lại như chuyện mới ngày hôm qua.. Lời kể do nghệ sĩ Đức Trung ghi lại.

 

Ngôi nhà số 59B Khâm Thiên - Hà Nội là nơi tôi sinh trưởng, đi học rồi ra đi kháng chiến, bước vào đời quân ngũ cầm vô lăng. Giải phóng thủ đô, ngôi nhà ông nội tôi xây từ năm 1915 vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm, những nét kiến trúc do chính ông nội tôi - một kiến trúc sư tài hoa - thiết kế và là chủ thầu thi công luôn. Kể cả căn hầm nửa nổi nửa chìm dài 15m, rộng 3,5m, có bậc thềm xi măng làm ghế hai bên, ngày xưa gọi là “Tăng sê”, ông tôi xây để tránh bom thời Nhật Mỹ đánh nhau, từ cuối thập niên 30 thế kỷ trước.

 

Nhiều thế hệ gia đình tôi nối tiếp nhau trú ngụ và lớn lên ở đó cho đến ngày 25 tháng 12 năm 1972, nghĩa là sau 8 trong 12 ngày đêm lịch sử.

 

Tôi là một trong những người ở ngôi nhà ấy, chưa kịp sơ tán hoặc vì công tác vẫn ở lại “bám trụ” thành phố.

 

Sau lễ Chúa giáng sinh, đêm 26 tháng 12, B52 đã dải thảm dọc dãy phố Khâm thiên từ Ô Chợ Dừa đến hồ Thuyền Quang, rồi bỏ chạy vì một chiếc B52 đã bị bắn rơi. Ngôi nhà thân yêu, ôm ấp bao kỷ niệm, trong đêm kinh hoàng đã bị xóa sổ hoàn toàn.
 
Hình ảnh phố Khâm Thiên hoang tàn đổ nát được một PV Mỹ ghi lại vào ngày 26/12/1972.

Hình ảnh phố Khâm Thiên hoang tàn đổ nát được một PV Mỹ ghi lại vào ngày 26/12/1972.

 

Theo giọng điệu bọn xâm lược hiếu chiến Hoa kỳ lúc đó tuyên bố: “Pháo đài bay B52 không lực Hoa kỳ sẽ đưa Việt Nam trở về thời Đồ Đá”.

 

Tiếc thay! Quân và dân thủ đô thêm một lần: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, làm nên Chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không”.

 

Tượng đài kỷ niệm tại phố Khâm Thiên, nay còn đó, được ghi lại nỗi đau mất mát trên nét mặt cương nghị: Người đàn bà bồng con bị bom Mỹ sát hại. Đó là dấu ấn của thời gian, của tình yêu và lòng quả cảm bất diệt, truyền thống cha ông, nay đã 40 năm tròn.

 

Năm 1967, Bác Hồ đến thăm một đơn vị Phòng không không quân, Người đã tiên đoán và chỉ thị cho tư lệnh trưởng Phùng Thế Tài: “Tới đây, nhất định đế quốc Mỹ không chỉ dùng “Thần sấm”, “Con ma”, chúng sẽ dùng không quân chiến lược, Pháo đài bay B52 đánh phá Hà nội, Hải phòng, và một số thành phố khác, để hủy diệt ý chí quân dân ta, hòng xoay chuyển thế cục chiến tranh. Song nhân dân ta quyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”.

 

Điều gì phải đến đã đến, để giành ưu thế trên bàn đàm phán bốn bên tại hội nghị Pa-ri về Việt Nam, chiến dịch không kích của Mỹ vào trung tâm đầu não của đất nước đã mở màn.
 

Lệnh trên ban xuống, 20 giờ 18 tháng 12 năm 1972, các trận địa tên lửa, cao xạ phòng không và lưới lửa tự vệ dân quân đồng thanh lên tiếng, phối hợp nhịp nhàng. Đây là trận sinh tử mang tính quyết định. Bản giao hưởng Anh hùng ca: “Tổ quốc hay là chết”, như âm vang trong trái tim mỗi người dân thủ đô.

 

Phía sau tượng đài chiến thắng “Điện Biên Phủ trên  không” hôm nay, chính là ngôi nhà 59B của gia đình tôi, đêm ấy đã hứng trọn 6 trái bom, trên diện tích ngót 1.000 mét vuông, riêng giữa nóc “Tăng sê” lĩnh đủ một trái, 40 nhân mạng trong hầm không còn ai, nhân khẩu trong số nhà 59B có 28 người, hàng xóm, khách vãng lai, thấy căn hầm chắc chắn tới trú nhờ, tổng cộng là 42, chỉ còn tôi và ông Tụng, công nhân sở điện sống sót.

 

Sau trận bom, ông Tụng được tự vệ bới gạch, cậy nắp hầm cá nhân vỡ nát lôi lên, còn tôi, do không kịp xuống hầm, đứng nép sau cửa sổ, xem máy bay bị bắn rơi, đứng bên cạnh là em trai tôi - Lê Thanh Mẫn - giáo viên chuyên toán trường cấp 3 Thanh Miện - Hải Dương, về Hà Nội làm thủ tục chuẩn bị đi nghiên cứu sinh. Thật không may, khi bom thả trúng căn nhà, tấm pa nen xi măng rơi xuống vai, đập vào tai và quai hàm em, em tử vong tại chỗ. Bản thân tôi ngay lúc đó chẳng biết gì, khi hồi tỉnh, thấy toàn thân đau ê ẩm, đầu ướt máu, thân mình bị vùi trong đống gạch đổ nát, lấp đến cổ.         

 

Trong ngôi nhà 40 người ra đi đêm ấy chỉ có Lê Thanh Mẫn, em trai tôi và bà vợ ông Phúc Thắng, cán bộ quân đội sư đoàn 308, được tìm thấy xác. Thảm thương nhất là gia đình ông Vân, dân lao động nghèo, 2 vợ chồng chết cùng 5 đứa con, xác nát nhừ trộn cùng gạch ngói…

 

Gia đình tôi còn mất thêm hai người thân trong trận bom này, đó là Lê Hồng Thúy, con gái đầu lòng của tôi đang học lớp 9 trường cấp 3 Văn Chương, trường đi sơ tán trên Trúc Sơn, hàng tuần cháu về lấy lương thực.

 

Thật thương cho cháu Thúy, không được tìm thấy xác như bao người khác. Vợ chồng tôi nhớ mãi việc cháu làm trước lúc đi xa là gánh đầy bể nước cho cô giáo đang ốm nặng và nói rằng: “Cô cứ dùng thoải mái, bao giờ hết ném bom, em sẽ lại về gánh nước cho cô dùng”. Cháu ra đi ở tuổi 15, vừa được kết nạp đoàn viên đoàn Thanh niên Lao động mấy hôm trước.
 

Còn ông Lê Thanh Khương, em trai của ông nội tôi làm phiên dịch cho Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp. Từ khu sơ tán về lĩnh lương, tháng lương cuối cùng trước khi nghỉ hưu, lĩnh ngày 25, cố nán lại một ngay rồi sẽ lên nơi sơ tán. đêm ấy ông treo quần dài ở đầu giường, mặc quần đùi đi ngủ, sau trận bom, chiếc quần treo cùng tháng lương mới lĩnh vẫn còn đó, nhưng xác ông không biết tìm đâu?

 

Đường phố Khâm Thiên hoang tàn, sáng hôm sau, người đeo khăn tang đi đầy phố, trên bia tưởng niệm ở Khâm Thiên ghi 600 người tử nạn, đấy là tính người theo sổ hộ tịch, ngoài ra Khâm Thiên còn bao nhiêu người khách tạm trú, vãng lai, khi bến xe và nhà ga ở gần ngay đó.
 
Hình ảnh phố Khâm Thiên hoang tàn đổ nát được một PV Mỹ ghi lại vào ngày 26/12/1972.
Đài tưởng niệm nạn nhân đã hy sinh trong 12 ngày đêm bão lửa tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Ngôi nhà thân yêu trải qua 57 năm với bao kỷ niệm thời thơ ấu, nay chẳng còn gì, nhưng mất mát đau thương về con người thật khó nguôi ngoai!

 

Nhiều người cứ nghĩ Hà Nội sẽ qua được tuần lễ sau Giáng sinh tươi đẹp, vì nghĩ rằng bọn phi công Mỹ, lính cậu “Con ông cháu cha” mải vui chơi, ham gì “Giáng tử”, có thể vì thế không ít người đã tỏ ra khinh xuất. 

 

Trận chiến trên không đầy ấn tượng, đòn quyết định cho thắng lợi tại hội nghị Pa-ri về Việt Nam năm ấy, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ.

 

Nỗi buồn mất mát có thể qua đi, hận thù có thể bao dung tha thứ, nhưng sự hy sinh một thời của cha ông đáng trân trọng biết bao!

 

Vậy mà hôm nọ, thằng cháu ngoại đến chơi, thấy tôi gõ máy ghi lại lời kể, hắn ghé nhìn rồi bảo: “Người ta đang hướng về tương lai, vila, chung cư cao cấp, ông ngồi kì cạch đào bới quá khứ, chôn vùi bao năm để làm gì?”

 

Mình nghĩ, ghi lại ký ức xa xưa cốt để lớp trẻ hôm nay, trong đó có con cháu mình, thấu hiểu và tri ân quá khứ, để sống tốt hơn, thế mà…

 

Thật xót xa! Thôi thì đành mượn ý thơ của nhà thơ Đa-Ghet-Tan mà răn cháu: “Đừng bắn vào quá khứ bằng súng lục, Tương lai sẽ bắn ta bắng đại bác”, cháu ơi!

 

Theo lời kể nhân chứng sống

Nghệ sĩ Đức Trung (ghi)