Bài 2:
“Người tử tế” trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén: Đánh cược tính mạng để bảo vệ sự thật
(Dân trí) - Chính sự kiên trì và vững tin vào công lý làm cho ông Nguyễn Thận đủ sức khỏe và niềm tin để đi kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén. Cho dù có thời điểm sinh mạng của ông Thận như “ngọn đèn trước bão” nhưng ông vẫn không bỏ cuộc chỉ đơn giản một điều là để bảo vệ sự thật.
Năm 2006, sau khi “vụ án vườn điều” được khẳng định là án oan, ông Nguyễn Thận và các Luật sư gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền ở Trung ương, kiến nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén. Năm 2007, ông Thận cùng cụ Huỳnh Văn Truyện, (cha ông Nén) và anh Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể ông Nén) mang đơn kêu oan ra Hà Nội. Nhưng các kiến nghị, đơn kêu oan bị bỏ qua. Ông Nguyễn Thận động viên cụ Truyện hãy kiên trì kêu oan.
“Thời gian ấy tôi có đến Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM (nay là TAND cấp cao) và Viện Phúc thẩm 3 (Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM) để cung cấp thông tin cho những người có trách nhiệm. Và tôi cứ hi vọng rằng vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng nhưng cuối cùng bản án kết tội Huỳnh Văn Nén vẫn được tuyên, Nén vẫn phải chịu án” - ông Thận nhớ lại.
Tháng 11/2013, dư luận chấn động với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, cụ Truyện từ Cà Mau ra Tân Minh, nhờ ông Thận cùng "đội đơn kêu oan" đi ra Hà Nội lần cuối cùng.
Lúc đó, ông Thận đang nghỉ dưỡng bệnh sau cơn nhồi máu cơ tim vì xơ vữa động mạch vành, vả lại ông đang là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Hàm Tân, đi mà không báo cáo với tổ chức là vi phạm quy chế làm việc, báo cáo thì chắc chắn không được đi. Cụ Truyện vừa nói vừa chảy nước mắt: “Nếu chú không đi được thì không bao giờ tôi có thể cứu thằng Nén”.
Ông Thận tâm sự: “Cha của Nén luôn tin rằng con mình vô tội, tôi thấy rằng ai rồi cũng có con, nếu con sai quấy phải chịu trách nhiệm cha mẹ đau một mà con bị oan trái thì mình đau mười. Bằng tấm lòng của người cha, tôi thông cảm với nỗi đau đớn hơn 10 năm nay của cụ Truyện. Đó là những lần ông Truyện luôn tìm kiếm tôi với ánh mắt khắc khoải, với hi vọng rồi lại thất vọng
Ông Truyện là một người cha cương quyết và nhẫn nại, may phước là 17 năm qua sức khỏe ông lúc nào cũng tốt nên dù đi Nam về Bắc ông đều khỏe mạnh để đi cùng tôi đến cuối cuộc hành trình. Từ đơn của Thành, tôi thấy đây là tình tiết y như vụ án của ông Chấn. Nếu được các cơ quan tố tụng xem xét lại thì nhiều mâu thuẫn trong vụ án sẽ được làm rõ”.
Xác định vụ minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn như “quả bom” tạo bước ngoặt trong việc giải quyết án oan sai nên cơ hội hiếm hoi có được, ông Thận đã “chớp lấy” thời cơ, dù khi đó ông đang ở bệnh viện, “Khi nghe tin ông Chấn được thả vì bị oan đúng lúc tôi đang điều trị bệnh tim ở bệnh viện, tôi lật đật bỏ bác sĩ, bỏ bệnh viện, chuẩn bị mọi thứ rồi đón xe ra Bắc” - ông Thận kể.
Chuyến ra Bắc ấy ông Thận ôm theo một bịch thuốc, rồi đón xe đò ôm hồ sơ trong tay đi một mình. Rồi cụ Huỳnh Văn Truyện cũng đón xe đò đi một mình. Ra đến Hà Nội thì hai người gặp nhau cùng đi nộp đơn, cùng gặp luật sư để cung cấp hồ sơ chứng cứ. Hà Nội năm ấy lạnh sớm, cả hai người đàn ông già cả, gầy gò quen với cái nắng ấm áp phương Nam đã không chịu nổi cái lạnh phương Bắc.
Khi lên xe đò trở vào Nam, trái tim ông Thận giở chứng giữa đường. “Khi ấy 4h sáng, tôi trở bệnh không thở được, huyết áp tụt nên nhà báo Nguyễn Mỹ, báo Người Cao Tuổi, đưa tôi vào nhà một người quen để đắp chăn rồi nghỉ ngơi, uống thuốc chống co thắt động mạch vành. Ông Mỹ khuyên tôi vào bệnh viện nhưng tôi thấy đỡ đỡ nên lại thôi. Phần vì không có tiền, phần vì còn lo công việc ở nhà. Ơn trời, chuyến đi đó dù nhiều rủi ro nhưng lại là bước khởi đầu hiệu quả cho các cơ quan tố tụng xem xét lại vụ án. Tôi đã lo lắng nếu mình không vượt qua được khó khăn này thì sao có thể vượt qua được khó khăn khác. Và tôi tin cũng như vụ án vườn điều, đã có lúc tôi bị tai nạn suýt chết nhưng đã vượt qua được và đồng hành cùng các luật sư, cùng báo chí để đưa sự thật ra ánh sáng, thì ở vụ án này tôi cũng tin mình sẽ vượt qua” – Ông Thận nhớ lại chuyến đi gian khó ấy.
Sau năm 2013, ngoài luật sư Trần Vũ Hải còn có nhiều luật sư khác tham gia trợ giúp miễn phí cho Huỳnh Văn Nén như: Bùi Quang Nghiêm, Phạm Hồng Hải, Phạm Công Út, Lê Minh Nhân, Nguyễn Quynh... Họ cùng làm kiến nghị, phân tích pháp lý để yêu cầu trả tự do cho Huỳnh Văn Nén.
Sự cố gắng không biết mệt mỏi của ông Nguyễn Thận, các luật sư, nhà báo đồng hành xuyên suốt quá trình tìm công lý, giải oan cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén đã được đền đáp. Ngày 22/10/2015 trở thành một ngày đặc biệt đáng nhớ với ông Huỳnh Văn Nén, bởi đó là ngày ông được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Đến ngày 3/12, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công khai và công nhận quyền công dân của ông Huỳnh Văn Nén.
Những “người tử tế” trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén có rất nhiều, ngoài ông Nguyễn Thận, các luật sư, nhà báo…còn có “dấu ấn” thầm lặng của nhiều người đứng sau giúp đỡ về tinh thần, nhiệt huyết cho “người hùng” Nguyễn Thận. Trong đó phải kể đến là vợ ông Thận, cùng là học trò và bạn học chung với Huỳnh Văn Nén.
Trung Kiên