1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Người thương binh và chuyện tình cảm động với cô điều dưỡng

(Dân trí) - Cảm xúc thôi thúc chúng tôi viết bài viết này chính là câu chuyện tình đẹp mà buồn của thương binh Nguyễn Đình Năm (sinh 1956) và người điều dưỡng Hồ Thị Thanh Yên (sinh 1961), xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Tưởng đã về cõi chết

 

Rời xa chiến trường, là thương binh hạng ¼, ông Năm tưởng như sẽ gắn bó với Trung tâm điều dưỡng Người có công suốt đời.

 

Nhập ngũ năm 1977, tham gia Đại đội 8, Trung đoàn 31, sư đoàn 2, đến năm 1978, ông Năm tập kết qua chiến trường Campuchia, "Để qua đến chiến trường ấy, tôi và các chiến sĩ phải đi bộ 21 ngày đêm và chính bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ mình có cơ hội trở về, chưa bao giờ trong tôi có ý nghĩ tình yêu khác ngoài Đất nước" – ông Năm nói.
 
Cô gái xinh đẹp nhất quyết đòi se duyên cùng người thương binh hạng 1/4.

Cô gái xinh đẹp nhất quyết đòi se duyên cùng người thương binh hạng 1/4.

 

Chứng kiến những cái chết cận kề ngay trước mắt, những đồng đội lần lượt ngã xuống, có những chiến sĩ mới qua được 1 ngày đã mãi về với đất, ông kể: "Tôi nhớ người đồng đội mình, Nguyễn Văn Chính, quê Đà Nẵng. Vừa mới sang bên kia biên giới, anh gặp quân Pol Pot, tưởng chúng đã chết, vô tình anh Chính bị phục kích, chúng bắt 2 phát đạn vào anh".

 

Một ngày tháng 9/1979, trong lúc chiến đấu, do trúng phải mìn của địch, ông bị thương, một chân trái đã bị mìn phá tan, chân phải bị đứt sâu tận phía trên đùi, phần bụng bị thương khá nặng, "Tôi chỉ nhìn thấy máu, những người đồng đội đã khiêng tôi hết một ngày đường mới đến chỗ các y tá. Chân trái tôi đã bị cụt, chân phải may mắn được cứu. Phần bụng tôi bị thương nặng, tôi bị mất một phần thận. Cũng từ lúc đó, tôi nằm lại điều trị"- Ông chia sẻ.

 

Thời gian đó, tưởng như cái chết cận kề, cuộc sống dường như chỉ tính từng giây. "Suốt một ngày đường mới đến chốt cứu thương khiến tôi có cảm giác cái chết ngay sát mình, nhìn trời cao mà nghĩ xem tất cả là mây bay...".

 

Nhưng may mắn cuộc sống mở cho ông cơ hội mới.

 

Năm 1981, ông xuất ngũ, từ chối quân hàm Thượng sĩ do Nhà nước phong tặng vì ông nghĩ rằng, mình đã là thương binh, chẳng thể gách vác thêm chuyện nước nhà.

 

Cũng trong năm đó, ông về Trung tâm điều dưỡng Người có công Quảng Nam ở TP Hội An. Tại đây, một tình yêu đã đến với ông.
 

Lấy chồng thương binh…

 

Ông Năm đến với Trung tâm lúc ông vừa 25 tuổi. Một thanh niên mang trong mình nỗi đau chiến tranh, tình yêu đến nhưng ông thấy mình thật khó đón nhận. Đó là bà Hồ Thị Thanh Yên, sinh năm 1961, quê gốc tại Huế, theo gia đình vào Đà Nẵng từ bé. Bà Yên có một vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của người Huế.

 

Bà nhớ như in ngày đầu tiên đến Trung tâm điều dưỡng Người có công làm việc, ngày 1/6/1979. "Hồi ấy, tôi mới vừa 18 tuổi,  gia đình khó khăn, tôi phải đi xin làm, công việc đầu tiên là chăm sóc trẻ em... "- Bà Yên kể.
 
30 năm gắn bó cùng nhau, ngôi nhà ông bà vẫn vắng tiếng trẻ thơ.
30 năm gắn bó cùng nhau, ngôi nhà ông bà vẫn vắng tiếng trẻ thơ.

 

Khi ông Năm vào Trung tâm điều dưỡng cũng là khi bà Yên được phân vào bộ phận nội trợ, lo chăm sóc, ăn uống cho các thương binh. Và người thương binh với cô gái điều dưỡng đã có cơ hội gặp gỡ, yêu thương.

 

Bà Yên chia sẻ: "Chúng tôi từ đồng cảm mà thương nhau, hồi đó, vì ở tập thể nên không thể hẹn hò hay nói chuyện với nhau, chỉ gặp được lúc tôi lên chăm sóc ông ấy thôi". Cứ như thế đến gần 1 năm, chàng trai Năm ngỏ lời ra mắt gia đình cô gái Yên.

 

Lần gặp mặt đầu tiên, gia đình bà Yên bị sốc nặng khi thấy đứa con gái xinh đẹp đòi cưới một thương binh nặng. Bà Yên nói, hồi đó gia đình bà phản ứng rất dữ. Nhưng bà vẫn quyết theo đuổi tình yêu của mình.

 

Năm 1982, trước quyết tâm của bà Yên, gia đình phải chấp nhận cho bà lấy ông Năm. Một đám cưới diễn ra tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, nhiều bạn bè, anh em, gia đình đã đến chứng kiến tình yêu đẹp ấy. Ngay cả những người trong trung tâm điều dưỡng ngày đó cũng bất ngờ với tình yêu ấy.

 

Năm 1986, theo chương trình đưa người có công về điều dưỡng tại địa phương, ông Năm và bà Yên cùng trở về quê Điện Phước. Nhưng mãi đến năm 1990, ông Năm mới dọn hẳn về. Căn nhà cấp 4, chỉ bằng tranh, tre, được ông bà dựng lên bằng đôi tay. Nhờ có chút ít tiền Nhà nước, rồi nuôi con gà, con lợn, ít cây trái, nấu rượu, ông xây lại nhà.

 

Một căn nhà nằm sát mặt đường, bên trong chỉ vài chiếc ghế, dưới phòng bếp, một gia đình chỉ có 2 vợ chồng ngồi ăn với nhau bữa cơm… Họ sống với nhau đến nay đã hơn 30 năm mà trong nhà vẫn vắng tiếng trẻ thơ.

 

Ông Năm giãi bày: "Bị mất 1 chân, chân kia sắp đứt, chỉ còn 1 quả thận thì làm sao sinh được?".

 

Ông Nguyễn Đức Liêm – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trung tâm điều dưỡng Người có công Quảng Nam - cho biết: "Ông Năm đi bộ đội chiến trường Campuchia trở về, trong thời gian ở trung tâm, ông Năm và bà Yên đã nảy nở tình yêu đẹp, một dòng kẻ ngang giữa những người lính năm xưa và những người thời bình. Sau này rất ít cặp đôi như thế trong trung tâm, hầu hết đều là các cụ đã lớn tuổi, an nghỉ tuổi già, hoặc không nơi nương tựa".

 

Nguyễn Trang

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm