1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người thi hành công vụ làm sai phải bồi thường thiệt hại như thế nào?

(Dân trí) - Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao vừa ký ban hành Thông tư liên tịch số 15/2018 bãi bỏ Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Thông tư liên tịch số 15/2018 có hiệu lực kể từ ngày 12/1/2019, quy định đối với các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại làm phát sinh yêu cầu bồi thường đó được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/2014.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) tại buổi xin lỗi cải chính công khai.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) tại buổi xin lỗi cải chính công khai.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trong đó quy định, thông báo bằng văn bản về việc Nhà nước tổ chức phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các nội dung chính: Thời gian, địa điểm tổ chức xin lỗi trực tiếp và cải chính công khai; việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; phần thể hiện ý kiến trả lời của người bị thiệt hại.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người bị thiệt hại có ý kiến trả lời bằng văn bản và gửi cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Trường hợp người bị thiệt hại trả lời bằng lời nói thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại lập biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của người bị thiệt hại.

Trường hợp cơ quan trưc tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không nhận được trả lời của người bị thiệt hại thì việc phục hồi danh dự sẽ được thực hiện khi người bị thiệt hại có yêu cầu bằng văn bản.

Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm mời các thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai, trong đó có đại diện cơ quan báo chí. Chủ tịch UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại có trách nhiệm niêm yết các trang báo đăng nội dung xin lỗi và cải chính công khai.

Nghị định 68 cũng quy định rõ cách xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 65 Luật Bồi thường nhà nước.

Cụ thể, trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó.

Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 40-50 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.

Trường hợp Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả sẽ thấp hơn rất nhiều: Trường hợp Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 5 tháng lương của người đó.

Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 6-8 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 3 tháng lương của người đó…

Thế Kha