1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đã bồi thường hơn 7,2 tỷ đồng tiền oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) - vừa cho biết, ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã nhận đủ số tiền bồi thường oan sai là hơn 7,2 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Nguyễn Thanh Chấn.

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng nay 16/10, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - khẳng định tòa cấp cao tại Hà Nội đã chi trả toàn bộ số tiền bồi thường oan sai cho 10 năm ngồi tù của ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là 7,272 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp báo, báo chí đặt câu hỏi về việc tại sao ông Lê Đình Vinh (giám đốc một công ty luật) đã trúng tuyển chức vụ Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội trong kỳ thi vừa qua do Bộ Tư pháp tổ chức nhưng đến nay vẫn chưa được bổ nhiệm, trong khi hai người cùng thi khác đã có quyết định? Việc ông Lê Đình Vinh là luật sư và bây giờ được tuyển dụng làm viên chức hoặc công chức Bộ Tư pháp có gặp khó khăn, trở ngại gì không?

Ông Lê Tiến Châu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) - cho biết, nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn đã nói rõ về vấn đề này.

“Nếu chuyển về làm công chức thì có thể cho phép tuyển dụng không qua thi tuyển, tất nhiên là phải có những điều kiện kèm theo. Nếu tuyển về là viên chức thì có cơ chế xét tuyển đặc cách, trình tự thủ tục phải thỏa mãn các điều kiện mà Chính phủ quy định.

Nói tóm lại là luật đã có quy định về vấn đề này rồi, và như vậy anh Vinh sẽ không được làm luật sư nữa để phù hợp với Luật Luật sư: Đã là viên chức, công chức thì không được làm luật sư và ngược lại”- ông Lê Tiến Châu nói.

Liên quan đến sự việc này, ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Tư pháp - cho biết, quá trình xây dựng đề án thi tuyển lãnh đạo cấp vụ Bộ Tư pháp không nhận được bất kỳ khiếu nại hay tố cáo nào.

“Tất cả hồ sơ, quy chế thi tuyển chúng tôi đều công khai trên mạng cả rồi. Nhưng sau đó có một lá đơn kiến nghị và khiếu nại gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xem xét sự việc.

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã cử đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu có buổi làm việc trực tiếp với ĐH Luật Hà Nội, sau đó Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan để xem xét sự việc này” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, lãnh đạo ĐH Luật Hà Nội khẳng định đây là đơn nặc danh, không đại diện cho tập thể nhà trường và không mang tính xây dựng. “Đơn này không có ai ký cả. Bộ Tư pháp đã có văn bản báo cáo Thủ tướng. Bộ Tư pháp làm việc rất minh bạch và rõ ràng, không có gì giấu giếm cả”- ông Dũng khẳng định.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm