Rút 53,5 tỷ đồng ngân sách nhà nước bồi thường oan sai trong năm 2016
(Dân trí) - Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Tư pháp - cho biết, tổng số tiền mà Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường năm 2016 là trên 53,5 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2015.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/10, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Tư pháp - cho biết, trong năm 2016 (tính từ ngày mùng 1/10/2015 đến 30/9/2016 theo kỳ báo cáo Quốc hội), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc (có 53 vụ việc thụ lý mới). Đến nay đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường và có hiệu lực pháp luật đối với 44/105 vụ việc, đạt tỷ lệ gần 42%, với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định đã có hiệu lực pháp luật là 26,35 tỷ đồng; còn 61 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh đó, TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 30 vụ án dân sự theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Thống kê cho thấy, đến nay đã giải quyết xong 16 vụ việc với số tiền gần 27,3 tỷ đồng và còn 14 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
“Như vậy, tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là trên 53,5 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2015”- ông Hiển nói.
Vụ việc bồi thường lớn nhất trong năm 2016 thuộc về TAND tỉnh Thái Bình khi phải bồi thường 23 tỷ đồng cho ông Lương Ngọc Phi (trú tại 463 Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Khắc phục tình trạng xin lỗi qua loa, chiếu lệ
Bộ Tư pháp đánh giá Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện hành có quá nhiều bất cập và ảnh hưởng không nhỏ tới quyền, lợi ích hợp pháp của những người bị oan sai.
Chính vì thế, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi đã đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường; tăng cường hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
“Dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai. Việc này nhằm khắc phục tình trạng xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất”- ông Hiển nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định rõ hơn về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả.
“Luật mới sẽ quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường và quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại”- ông Hiển khẳng định.
Hôm qua (17/10), Bộ Tư pháp đã công bố quyết định phân công ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ người phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí của Bộ này. Bộ Tư pháp cũng công bố số điện thoại và email của ông Hiển là 04.62739315 và hiendd@moj.gov.vn. Trước đó ông Hiển giữ chức Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Thế Kha