1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Người rừng" ồ ạt xin nghỉ việc: Bao giờ thoát vòng luẩn quẩn?

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trước thực trạng đáng buồn về việc mất rừng lẫn nhiều cán bộ, nhân viên rời bỏ rừng, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị để có "cú hích" cơ chế thu hút nhân lực, công tác bảo vệ rừng thực sự hiệu quả.

Tăng kinh phí bảo vệ rừng, đảm bảo sinh kế cho dân di cư

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, từ năm 2016 đến nay, tổng số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 6.745 vụ, chống người thi hành công vụ là 15 vụ, lâm sản tịch thu 9.115 m3.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Bao giờ thoát vòng luẩn quẩn? - 1

Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn thấp (Ảnh minh họa).

Các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng trên địa bàn. Thế nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng này.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập là nguyên nhân chưa ngăn chặn xử lý được tình trạng xâm hại rừng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn, kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn thấp so với nhu cầu thực tế, hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của tỉnh.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Bao giờ thoát vòng luẩn quẩn? - 2

Giải pháp tăng sinh kế, ổn định sản xuất cho người dân sống ven rừng giúp giảm áp lực giữ rừng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - cho rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng khó khăn khi lâm tặc tấn công vào rừng nhiều và không chỉ khai thác gỗ mà còn lấn đất sản xuất.

Cùng với đó, dân di cư ngoài kế hoạch vào địa bàn rất đông, vẫn còn khoảng hơn 4.000 hộ với hơn 20.000 nhân khẩu còn sống trong rừng (trong đó có gần 2.700 hộ phát sinh mới) là một trong những áp lực rất lớn trong bảo vệ rừng.

"Việc bố trí sắp xếp, ổn định dân cư giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng và các vấn đề phát triển kinh tế xã hội khác liên quan đến rừng, đất rừng là một trong những vấn đề mấu chốt để bảo vệ rừng", ông Hưng bày tỏ.

Ông Hưng cũng chỉ ra rằng, cần xử lý được các đầu nậu tiêu thụ lâm sản trái phép, đầu nậu tích lũy đất trái phép để mua bán trong các phân trường có các dự án nông lâm nghiệp. Kiên quyết xử lý những người chống người thi hành công vụ, cần xét xử lưu động những vụ án tại địa phương để có sức răn đe.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết thêm, quy định quyền hạn của lực lượng quản lý bảo vệ rừng nhất là tại các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng hạn rất hạn chế, lương bổng thấp, điều kiện công tác gặp nhiều khó khăn.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Bao giờ thoát vòng luẩn quẩn? - 3

Lâm tặc manh động xâm hại rừng nhưng quyền hạn của người giữ rừng lại có hạn (Ảnh: Uy Nguyễn).

"Tuy nhiên, các đơn vị này không thể tăng lương thêm vì nếu tăng phải giảm số lượng cán bộ, nhân viên xuống. Giảm số lượng người giữ rừng thì số lượng diện tích phải tăng lên cho mỗi người nên đó là vòng luẩn quẩn", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chia sẻ.

Năm 2014, đóng cửa rừng, các công ty lâm nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng chỉ 150.000 đồng/ha/năm, giai đoạn 2016 - 2018.

Từ 2019 đến nay mới tăng lên 300.000 đồng/ha/năm. Mức này vẫn được nhận xét là rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng của chủ rừng.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Bao giờ thoát vòng luẩn quẩn? - 4

Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc đảm bảo sinh kế cho người di dân tự do rất quan trọng, góp phần giảm áp lực giữ rừng (Ảnh: Thúy Diễm).

Do đó, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã tham mưu cho Sở NN&PTNT có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, cân đối ngân sách hàng năm hoặc từ nguồn đầu tư khác, tham mưu UBND tỉnh lộ trình tăng kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho các đơn vị chủ rừng đảm bảo định mức 7,28 công/ha/năm; tương đương với mức là 1.262.220 đồng/ha/năm.

Bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế rừng

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk thông tin thêm, đề án của Bộ NN&PTNT đang xây dựng về việc cho thuê dịch vụ môi trường rừng để kinh doanh du lịch, để trồng dược liệu… dưới tán rừng. Với đề án này, nếu được phê duyệt làm thí điểm sẽ tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, tạo thêm thu nhập cho chủ rừng, thêm được người quản lý bảo vệ rừng.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Bao giờ thoát vòng luẩn quẩn? - 5

Phát triển kinh tế từ dịch vụ môi trường rừng là định hướng nhiều địa phương hướng đến (Ảnh: Uy Nguyễn).

Ông Lê Văn Dần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cho rằng, để nâng cao hiệu quả về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cần nâng cao mức thu nhập cho cán bộ quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, có chính sách hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng cho các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Dần, cần thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng; giao nhiệm vụ, đặt hàng nhiệm vụ công ích bảo vệ rừng cho các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, đề xuất thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng.

"Kêu gọi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp và nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực vào đầu tư phát triển rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái trên lâm phần quản lý của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các công ty lâm nghiệp… nhằm tăng các nguồn thu để các đơn vị chủ rừng thực hiện việc cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ quản lý bảo vệ rừng", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cho hay.