1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Người rừng" ồ ạt xin nghỉ việc: "Ghế nóng" không ai dám ngồi

Thúy Diễm

(Dân trí) - Áp lực công việc lớn, trách nhiệm nặng nề, lương thấp… không ít cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng ở Tây Nguyên gửi đơn từ chức, nghỉ việc. Việc giữ các vị trí quan trọng được ví như ngồi "ghế nóng".

Nhiều cán bộ bảo vệ rừng xin từ chức

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đắk Nông, từ năm 2016-2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đã tiếp nhận và giải quyết 48 đơn xin nghỉ việc, chuyển công tác.

Chỉ riêng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn và Đức Hòa đã có 37 nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc hoặc chuyển sang công tác khác.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Ghế nóng không ai dám ngồi - 1

Áp lực lớn nhiều cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng xin xuống chức, nghỉ việc (Ảnh: Uy Nguyễn).

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông nhận định, áp lực, điều kiện làm việc của lực lượng bảo vệ rừng rất khó khăn, công tác trong điều kiện vất vả, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Bên cạnh đó, diện tích giao rừng quản lý lớn, rừng manh mún, địa hình phức tạp, hiểm trở; cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ và phương tiện hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu thốn, không đảm bảo nhu cầu thực tế…

Không chỉ vậy, môi trường làm việc của lực lượng bảo vệ rừng tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro rất cao, thường xuyên giáp mặt với các đối tượng vi phạm pháp luật. Đặc biệt, lâm tặc sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, hung khí tấn công, chống trả lại lực lượng bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, trách nhiệm của chủ rừng rất lớn; để mất rừng có thể bị truy tố. Giai đoạn từ năm 2016 - 2021, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật 69 lượt công chức kiểm lâm.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Ghế nóng không ai dám ngồi - 2

Nhiều cán bộ rất sợ dính vòng lao lý nếu để mất rừng nên chủ động thôi chức (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trong 5 năm qua, cơ quan chức năng Đắk Nông đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 5.036 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp với diện tích hơn 684 ha.

"Việc nhiều công chức kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi... cho thấy công tác bảo vệ rừng đang gặp nhiều áp lực, lực lượng quản lý bảo vệ rừng nói chung và lực lượng kiểm lâm nói riêng. Công việc, trách nhiệm bảo vệ rừng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức", ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông nhận định.

Ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, cán bộ nhân viên của đơn vị ồ ạt xin nghỉ việc. Trong vòng gần 2 năm đã có 20 người nộp đơn thôi việc và có 4 trường hợp khác cũng đang manh nha xin nghỉ hẳn.

"Tại công ty, Trưởng phòng quản lý rừng đã xin từ chức và Phó phòng quản lý rừng cũng xin nghỉ việc luôn; hiện đơn vị vẫn chưa kiếm được người thay thế. Chưa kể các vị trí trưởng, phó không ai dám nhận cho thấy áp lực quá lớn khiến nhiều người không dám ngồi vị trí "nóng" này", ông Tuấn trăn trở.

Theo một lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, trước năm 2019, khi đơn vị tuyển dụng thì người nộp hồ sơ xin việc rất nhiều, nhưng hiện tại hầu như rất ít người mặn mà xin vào ngành lâm nghiệp. Vị này còn tếu táo cho biết, các chức vụ còn phải "nài nỉ" người làm mà không có ai dám nhận.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Ghế nóng không ai dám ngồi - 3

Nhiều vị trí chủ chốt quản lý bảo vệ rừng phải "nài nỉ" nhưng không có người dám đảm nhận (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trao đổi PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn thừa nhận công việc quản lý bảo vệ rừng đang rất "nóng", áp lực nên rất nhiều người "tháo chạy" xin từ chức, nghỉ việc, nghỉ hưu non.

Đã có 4 kiểm lâm đã xin nghỉ việc, 7 người chuyển công tác, 43 người xin nghỉ hưu trước tuổi và 3 người xin từ chức, xuống chức. Cụ thể, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên xin từ chức làm nhân viên; 2 Hạt trưởng xin xuống chức và chuyển công tác làm cấp phó…

Ngành lâm nghiệp "khát" sinh viên

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm, nhu cầu biên chế công chức của Chi cục Kiểm lâm là khoảng 330 người. Tuy nhiên, số lượng công chức hiện nay là 223 người, chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu biên chế kiểm lâm.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Ghế nóng không ai dám ngồi - 4

Ngành lâm nghiệp vài năm trở lại đây đã không còn sức hút với sinh viên (Ảnh: Uy Nguyễn).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hưng cũng lo lắng khi sắp tới tổ chức thi tuyển sẽ không có thí sinh tham gia.

"Nhiều vị trí đã hạ tiêu chuẩn xuống trung cấp để khuyến khích người vào ngành nhưng thực tế rất khó khăn. Ngày trước tuyển vào ngành còn tranh nhau vào nhưng nay thì ngược lại. Để bổ sung nhân sự còn thiếu, Chi cục Kiểm lâm đã đề nghị Sở Nội vụ sớm tổ chức tuyển dụng", ông Hưng cho hay.

Ngoài ra, còn thực trạng sinh viên cũng không mặn mà theo học ngành lâm nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên - cho biết, số lượng sinh viên theo học ngành lâm nghiệp rất ít, có thời điểm dưới 10 học viên/chuyên ngành. Trong đó, năm 2020, không có học viên nào tham gia học ngành lâm nghiệp.

Người rừng ồ ạt xin nghỉ việc: Ghế nóng không ai dám ngồi - 5

Sinh viên không mặn mà theo học ngành lâm nghiệp như trước đây (Ảnh: Thúy Diễm).

"Tuy nhu cầu nhân lực lớn nhưng sức hút sinh viên vào học khối ngành nông lâm nghiệp rất thấp từ nhiều năm nay. Theo nhiều người nhận định, nghề này có cơ hội việc làm cao nhưng áp lực và vất vả. Các bạn trẻ giờ hầu như ít quan tâm và không lựa chọn lĩnh vực này để theo đuổi và phát triển bản thân", Tiến sĩ Trúc chia sẻ.

Trước thực trạng thiếu hụt nhân sự ngành lâm nghiệp hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các công chức kiểm lâm phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn xã, nhiều công việc chuyên môn khác nhau. Việc này được đánh giá sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.