1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người phát ngôn Chính phủ - chiếc ghế “nóng” trước công luận

(Dân trí) - Đã thành thông lệ, vị trí Người phát ngôn của Chính phủ lâu nay trở thành tâm điểm để cánh báo chí khai thác mọi vấn đề nóng về kinh tế, xã hội.

Để đảm trách tốt nhiệm vụ đầy thách thức này không chỉ cần sự hiểu biết sâu rộng về công tác điều hành của Chính phủ mà còn cần cách ứng xử thông minh cũng như cái tâm và sự gần gũi đối với báo chí nói riêng và dư luận nói chung. 

Hôm nay (14/11), Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thay ông Vũ Đức Đam làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đồng thời là Người phát ngôn mới của Chính phủ. 

Nhớ lại Kỳ họp báo Chính phủ đầu tiên của nhiệm kỳ trước, cánh báo chí háo hức chờ sự ra mắt của người phát ngôn mới của Chính phủ xem có gì mới không? Sau buổi đó, một anh bạn nói với tôi: “Ông Đam nói mong anh em báo chí góp ý để họp báo ngày càng tốt hơn”. Tôi cười: “Ai chẳng nói được”. 
 
Tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Tới khi người phát ngôn đứng trước bục thay vì ngồi ở trung tâm “bàn chủ tọa” để nhận và trả lời tất cả các câu hỏi, tôi bắt đầu thấy có sự mới mẻ. Rồi tới khi anh em nhận được bản thông cáo báo chí đầy đủ vừa tiện cho tác nghiệp vừa có thêm nhiều thời gian để “quay” người phát ngôn thì tôi càng thấy ấn tượng. 

Cách họp báo cởi mở, hiệu quả đã trở thành thông lệ. Bắt đầu mỗi buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thường thông báo rất nhanh những vấn đề chính liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Sau đó, ông chủ động dành phần lớn thời gian cho hàng trăm nhà báo “chất vấn” mình. Và cũng thành thói quen, những vấn đề khó nhất, gai góc nhất liên quan đến kinh tế - xã hội khi khó hỏi các bộ, ngành… hàng trăm phóng viên lại mang đến số 11 Lê Hồng Phong trực tiếp “vặn” Bộ trưởng – Người phát ngôn. Trước những câu hỏi hóc búa, Bộ trưởng luôn điềm tĩnh trả lời từng vấn đề một cách rõ ràng, rành mạch và từ đó, các thông tin được các nhà báo truyền tải nhanh đến bạn đọc.

Dù lần lượt trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên, nhưng mỗi lần kết thúc buổi “chất vấn”, Bộ trưởng thường đến gặp các phóng viên hỏi xem trả lời như vậy đã đủ thông tin hay chưa. Cách hỏi chuyện của ông Đam khiến phóng viên cảm thấy vị Bộ trưởng rất gần gũi và dễ chia sẻ. 

Cái mới thì lạ rồi dần cũng quen. Sau này việc người phát ngôn điềm tĩnh trả lời một cách rành mạch mọi câu hỏi từ những chủ trương rất vĩ mô như kiềm chế lạm phát, thị trường vàng đến những việc cụ thể rất bất chợt như “hòn đá lạ Đền Hùng” hay nhưng sự kiện nóng như Tiên Lãng, y đức… thấy gần như là “đuơng nhiên”, tới mức quen thuộc.  

Cho tới buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng trước. Dù người phát ngôn vẫn rất bình tĩnh và khôn khéo khi tránh được “bẫy” trong câu hỏi về người sẽ thay thế ông thì cánh báo chí vẫn biết đây là buổi họp báo Chính phủ cuối cùng của người phát ngôn vốn đã trở nên rất quen thuộc với báo chí. 

Trước khi vào họp báo, có mấy phóng viên trẻ dặn nhau lát nữa nhớ chụp ảnh với anh Đam. Cuối buổi, khi người phát ngôn đã rời bục, một nhà báo trẻ giơ tay và “oang oang”: “Anh em chúc mừng trước Bộ trưởng và cám ơn anh Đam vì đã rất cởi mở, giúp đỡ báo chí chúng em”. Cả hội trưởng vỗ tay. Tôi thoáng lặng và cũng vỗ tay như vô thức. Cánh phóng viên túa lại quanh người phát ngôn ở cửa. Ánh flash lóe liên hồi. Trong ríu rít tiếng nói, tiếng máy xạch xòe, có tiếng một ai đó “Anh hãy nhắn người mới đối với bọn em như anh nhé”. Và người phát ngôn một tay gỡ cặp kính, một tay bóp bóp vào khóe mắt như có hạt bụi rơi vào… 

Tôi nán lại về sau. Trước sảnh vẫn thấy mấy người xúm quanh ông Đam chụp ảnh. Tôi đi tới, bắt tay nói: “Xin chúc mừng anh”. Đón nhận cái bắt tay rất chặt, tôi nhìn vào mắt ông, thấy ấm và còn hơi đỏ, khác hẳn vẻ nghiêm nghị khi trên bục phát biểu. Thoảng tiếng ai như tiếng của một nhà báo trẻ, như tiếng của mình: Chúc mừng ông không phải cho việc ông sẽ được bổ nhiệm chức vụ mới mà cho tình cảm rất con người nhưng hình như còn khá hiếm hoi giữa hai giới “báo” và “quan”… Cầu mong cho những tình cảm ấy ngày càng nảy nở.

Văn Dân