1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người nghèo mất tiền tỷ vì viễn cảnh xuất khẩu lao động

(Dân trí) - Lợi dụng tâm lý của người dân nghèo muốn được đi xuất khẩu lao động càng nhanh càng tốt, những đối tượng “cò mồi” đã lừa của nhiều người dân nhiều tỷ đồng.

Mới đây, Công an huyện Yên Thành, Nghệ An đã lật tẩy đường dây lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc, Canada. Cầm đầu đường dây là Ngô Thu Lý (SN 1983) trú tại Tân Yên, Bắc Giang cùng đồng bọn lừa đảo hàng chục người dân nghèo ở các huyện trong tỉnh Nghệ An với số tiền lên tới hàng tỉ đồng. Để tạo niềm tin, chúng tự mạo nhận là cán bộ cao cấp, mượn hội trường UBND xã Tiến Thành làm nơi giao dịch và dùng các loại hồ sơ giả như hồ sơ giấy tờ tuyển lao động có chữ ký và con dấu của Bộ Lao động Hàn Quốc, Canada. Mỗi bộ hồ sơ, người đi XKLĐ phải đặt cọc số tiền ban đầu là 7.000 USD. Bọn chúng còn dùng mọi thủ đoạn để moi tiền, như thường xuyên bắt người lao động ra Hà Nội khám sức khỏe và phải đóng thêm mỗi người 3.000 USD gọi là “tiền bỏ trốn”...

Theo cơ quan chức năng, đây là một trong những vụ lừa đảo XKLĐ lớn bị triệt phá. Theo thống kế, hiện những thị trường được các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Lý giải câu hỏi vì sao người lao động và cả gia đình bất chấp hình thức XKLĐ “chui” sẵn sàng nộp tiền trước những lời hứa hẹn  của“cò”? Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lí của người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài càng nhanh càng tốt.

Trên thực tế, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tại  Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình cho thấy, hầu hết NLĐ đi XKLĐ đều có trình độ thấp (54,7% học PTCS, 33,7% học PTTH, hơn 50% là nông dân và buôn bán nhỏ trước khi đi XKLĐ).  Dễ dàng để nhận thấy, do trình độ thấp, thiếu hiểu biết, những đối tượng này dễ dàng trở thành nạn nhân của môi giới và “cò”. 

Người lao động nên đến những cơ quan chức năng để kiểm tran nguồn thông tin về XKLĐ (
Người lao động nên đến những cơ quan chức năng để kiểm tran nguồn thông tin về XKLĐ (Ảnh minh họa)

Cùng đó, hàng năm, thời điểm sau kỳ thi đại học, cao đẳng, nhiều thí sinh không trúng tuyển thường có ý muốn đi xuất khẩu lao động để tìm kiếm việc làm. Đây cũng là cơ hội “vàng” để những cơ sở lừa đảo móc túi những người lao động nhẹ dạ cả tin. Những đối tượng này thường về các vùng nông thôn, miền núi, tiếp cận với những gia đình đang có nhu cầu cho con em đi xuất khẩu lao động. Ngoài thủ đoạn tạo vỏ bọc là các doanh nghiệp, trung tâm có chức năng thực hiện việc xuất khẩu lao động, làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài, giả con dấu và chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước... Một "chiêu" lừa phổ biến nữa mà các đối tượng lừa đảo XKLĐ vẫn áp dụng khá thành công là thông qua những mối quan hệ quen biết, họ hàng xa gần để gợi ý người lao động đi XKLĐ bằng những hứa hẹn hấp dẫn như: làm việc ở các nước tiên tiến, lương cao, không nặng nhọc... Trước những với viễn cảnh này, nhiều người lao động đã không ngần ngại vay mượn, thế chấp nhà cửa đưa tiền cho “cò” rồi mòn mỏi... đợi chờ.
 “Đa phần những người này trước khi đi XKLĐ đều không biết mình là nạn nhân của bóc lột lao động, lừa đảo thậm chí buôn bán người. Chỉ sau khi đến nước bạn, bị bóc lột, bị phá vỡ hợp đồng lao động mới hay mình đã bị lừa đảo”- bà Nguyễn Thị Văn – thành viên của CSAGA nhận xét.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo phối hợp Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và các Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra định kỳ về hoạt động xuất khẩu lao động tại các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, số người lao động bị lừa đảo vẫn có xu hướng không giảm. 

Theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, hiện các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Hơn hết, người lao động nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra lại nguồn thông tin xuất khẩu lao động từ cơ quan chức năng như Sở LĐ-TB&XH các địa phương. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng khẳng định, riêng đối với chương trình đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc là chương trình cấp phép đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc (EPS) do hai Chính phủ ký kết trên tinh thần phi lợi nhuận, nên việc đưa lao động đi làm việc không qua bất cứ một doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào. Do đó, không có doanh nghiệp nào được tham gia vào quy trình tuyển chọn và đưa lao động sang Hàn Quốc. Mọi chương trình tuyển dụng chỉ diễn ra tại Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH. Đây cũng là là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ dự tuyển và chuyển sang cơ quan lao động Hàn Quốc.

Phạm Thanh