Người mất đất vẫn chưa được tham gia vào quá trình định giá đất
(Dân trí) - “Quy trình định giá đất kéo dài và có sự tham gia của nhiều chủ thể, kể cả việc lựa chọn thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, song quá trình định giá vẫn “khép kín” trong các cơ quan hành chính nhà nước, thiếu sự tham gia của người có đất bị thu hồi hay bên thứ ba độc lập”.
Đó là nhận định được thể hiện trong kết quả tham vấn cộng đồng về những bất cập trong thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất do Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững (SCODE) chủ trì thực hiện, công bố hôm nay, 8/10, tại Hà Nội.
Theo đó, Luật Đất đai quy định các dự án triển khai phải tính toán giá đất cụ thể bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên các văn bản hướng dẫn lại giao cho nhiều cơ quan thực hiện, giá đất cụ thể trong từng trường hợp lại sử dụng các phương pháp định giá khác nhau trong khi hoạt động của các tổ chức tư vấn định giá đất chưa nhiều và chưa hiệu quả nên khiến địa phương gặp nhiều lúng túng. Ở những địa phương có nhiều dự án thì việc định giá cho từng dự án thường kéo dài.
Với các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, dự án làm công trình công cộng do nhà nước thu hồi đất, các hộ dân bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Giá bồi thường được áp dụng theo giá đất cụ thể do Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch, hội đồng thẩm định giá đất thực hiện và trình UBND cấp tỉnh quyết định. Mặc dù vậy quy trình định giá đất kéo dài và có sự tham gia của nhiều chủ thể, kể cả việc lựa chọn thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, song quá trình định giá vẫn “khép kín” trong các cơ quan hành chính nhà nước, thiếu sự tham gia của người có đất bị thu hồi hay bên thứ ba độc lập.
“Kết quả là mức giá bồi thường tại nhiều dự án vẫn được đánh giá là thấp, chưa phản ánh được giá thị trường. Đây là vấn đề người bị thu hồi đất thắc mắc khiếu nại rất nhiều”- đại diện nhóm tham vấn nhận định.
Đáng chú ý, trên cùng một khu vực đất gần nhau nhưng giá bồi thường lại khác nhau với cơ chế, chính sách của các loại dự án khác nhau như: Dự án thu hồi đất có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, dự án thu hồi đất sử dụng vốn vay của tổ chức quốc tế, nước ngoài mà nước ta có cam kết về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư riêng. Nhóm nghiên cứu khẳng định điều này gây khó khăn trong công tác quản lý do người dân giữa các dự án nêu trên có sự so bì, khiếu nại.
Trong khi đó đối với các dự án công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi thì doanh nghiệp phải tự thỏa thuận. Theo đa số người dân thì giá thỏa thuận thường phản ánh được với giá chuyển nhượng trên thị trường. Tuy nhiên pháp luật lại chưa quy định bất kỳ giới hạn nào cho sự thỏa thuận đó.
“Chính vì vậy, có những trường hợp một số người dân đòi hỏi giá quá cao, hoàn toàn không có cơ sở, dẫn đến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thỏa thuận các thửa đất còn lại trong dự án. Có những trường hợp dự án không thể thực hiện được chỉ vì một, hai hộ dân do những hộ này đòi hỏi một mức giá bồi thường quá cao”- kết quả tham vấn chỉ rõ.
Thế Kha