1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Theo đuổi đến cùng lợi ích của người bị thu hồi đất”

(Dân trí) - “Thu hồi đất sản xuất đồng nghĩa với người dân mất việc làm, thu hồi đất ở đồng nghĩa với mất nhà cửa nên quan điểm chỗ ở mới tốt hơn, việc làm mới tốt hơn chúng ta phải theo đến cùng”.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc giữa đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội với UBND Thành phố Hà Nội chiều 11/9.

Giá đất là nguyên nhân chính của khiếu kiện?

Sau khi nghe đại diện các cơ quan chức năng của thành phố báo cáo về thực tiễn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi cộng với thực tiễn làm việc tại quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm trước đó, đoàn công tác của UB Thường vụ Quốc hội đã nêu lên nhiều câu hỏi hóc búa.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban dân nguyện nêu vấn đề từ thực tiễn khu đô thị Ciputra: khi thu hồi đất tại đây, người dân được đền bù 252.000đ/m2, sau khi hoàn thành xây dựng, giá nhà ở đây lên tới 600 USD rồi 9000 USD hoặc cao hơn. Lợi nhuận như vậy vào tay ai, nhà nước được lợi gì… thành phố đã có phép tính cụ thể hay chưa?

Cũng theo ông Vượng, báo cáo của Thành phố cho biết, số lao động gặp khó khăn sau khi bị thu hồi đất là khoảng 2 vạn người, nhưng thực tiễn đào tạo nghề có cách xa mục tiêu giải quyết việc làm cho những đối tượng này.

Ông nêu dẫn chứng từ Trung tâm việc làm của quận Tây Hồ, mỗi năm đào tạo khoảng 500 người, nhưng người học chủ yếu là của các địa phương khác, trong khi cư dân của quận chỉ “mươi” người. Vấn đề này nhìn trên diện rộng của thành phố thì sao?

Người dân nhận tiền đền bù không đủ mua căn hộ tái định cư của nhà đầu tư tại chính mảnh đất của họ trước kia cũng là vấn đề được ông Vượng nêu lên. Ông cũng dẫn ra ví dụ từ thực tiễn của Đà Nẵng được vị Bí thư tỉnh này công bố là sau khi nâng giá đền bù, khiếu nại giảm hẳn. Hà Nội đánh giá như thế nào về điều này là câu hỏi được ông đặt ra.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp nêu vấn đề về sự khác xa giữa khung giá đất với giá thị trường: thành phố định giá đất tại đường Lạc Long Quân là 16 triệu/m2, trong khi giá thị trường là 60-70 triệu/m2, giá đất ven Hồ Tây có nơi định giá 14 triệu/m2, giá thị trường lên đến 100 triệu/m2…

Bà Nga nêu câu hỏi, có phải giá đất là nguyên nhân chính của khiếu kiện. Có bao nhiêu vụ việc được giải quyết ở toà hành chính, chất lượng giải quyết ra sao… Từ đó bà Nga đặt vấn đề, thành phố có kiến nghị gì về khung giá đất áp vào Hà Nội.

Ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế đi cụ thể hơn vào vấn đề này: Người dân chuyển nhượng đất rất “êm xuôi”, trong khi việc định giá đất lại bất hợp lí, vậy điều này là do cơ chế hay do việc tổ chức thực hiện.

Thu nhập của người dân Hà Nội sau khi bị thu hồi đất khá lên hay thấp đi là câu hỏi được ông Trịnh Huy Quách, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đặt ra. Theo ông Quách, một điều tra của trường Đại học KTQD, thực hiện tại 6 tỉnh, trong đó có Hà Nội, cho kết quả là 37% người bị thu hồi đất bị giảm thu nhập.

“Đã áp dụng tối đa khung giá đất”

Đáp lại câu hỏi về việc làm của người dân sau khi bị thu hồi đất, bà Nguyễn Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, người dân rất thích hỗ trợ bằng tiền mặt, nhưng có tới 70% không sử dụng để học nghề. Số tiền được hỗ trợ nói chung, người dân chủ yếu dùng để mua sắm, xây dựng nhà, thậm chí có một số người tiêu tiền vào… tệ nạn xã hội.

Nhiều người không có cơ hội vào các doanh nghiệp, nhất là phụ nữ từ 35 tuổi trở lên. Qui định, thu hút 10 lao động/ha đất dự án đã không được thực hiện, việc giám sát lại chưa nghiêm. Đào tạo nghề với thời hạn 5 tháng theo qui định chưa thể đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp…

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, Chính phủ qui định khung giá đất, Hà Nội đã vận dụng tối đa, nhưng giá đất quy định vẫn xa với giá thực tế. Với giá đất như hiện tại, đa phần người dân bị thu hồi đất thiệt thòi, chỉ trừ một bộ phận nhỏ từ bên trong bỗng chốc “nhảy” ra đường được lợi.

Ông Khanh nêu việc điều chỉnh lại lợi ích của chủ đầu tư vì lợi ích của họ đang lớn hơn lợi ích của nhà nước và người dân. Tuy nhiên, theo ông Khanh không nên điều chỉnh lại luật, chỉ nên điều chỉnh lại nghị định, chính sách, trong đó có tính đến đặc thù của những thành phố như Hà Nội, TPHCM.

Ông Khanh thừa nhận, các khu tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, chất lượng kém hơn khu nhà để bán bình thường. Ông kiến nghị, Bộ Xây dựng nên có tiêu chí cụ thể về nhà tái định cư như chất lượng nhà, cơ sở hạ tầng để các địa phương dễ thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên đề nghị, thành phố đánh giá những qui định đăt ra thêm của mình để từ đó, những gì hợp lí có thể hợp thức hoá vào qui định chung, tránh tuỳ nghi thực hiện.

Cấn Cường