“Người lao động cực chẳng đã mới đành nhận bảo hiểm 1 lần”

(Dân trí) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nói về những thiệt - hơn, về tâm tư của người lao động khi đòi hỏi phải sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội mới ban hành để được quyền lựa chọn nhận “hưu non” một cục.

Dựa vào cơ sở nào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị sửa Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện được thanh toán bảo hiểm một lần khi luật này thực tế còn chưa có hiệu lực thi hành? Là một cơ quan tham gia xây dựng luật mới, Tổng liên đoàn có ý kiến thế nào trong quá trình làm luật?

Khi xây dựng luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về việc này để cho người lao động có quyền lựa chọn nhưng đa số ý kiến khác lại không chịu nên đề xuất này không được thông qua.

Theo đánh giá về lâu dài, quy định tại Điều 60 luật mới là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần khoản tiền sẽ ít, không có lợi. Chúng tôi mới đồng tình về vấn đề này. Nhưng có những người lao động vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục làm việc, đóng bảo hiểm được nữa và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết cho phù hợp với nguyện vọng của mỗi người.

“Người lao động cực chẳng đã mới đành nhận bảo hiểm 1 lần”

Ông Đặng Ngọc Tùng: Phải hiểu lý do vì sao người lao động chịu thiệt để nhận bảo hiểm 1 lần. (Ảnh: Việt Hưng)

Còn các khía cạnh tác động khác như áp lực đối với ngân sách, với việc đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống cho những người hết tuổi lao động mà không có lương hưu… có cần cân nhắc, thưa ông?

Chính phủ và UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đồng tình đề nghị sửa Điều 60 này. Tôi nghĩ rằng cả 2 cơ quan đã nêu quan điểm sửa như thế thì chắc các vị đại biểu Quốc hội sẽ tán thành.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tuyên truyền để người lao động hiểu được, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng hưu trí thì có lợi hơn nhưng cũng cần thông cảm cho những người lao động mà họ không thể tiếp tục đóng bảo hiểm được, nên để cho họ có quyền lựa chọn.

Vậy ông sẽ tuyên truyền cho họ sẽ được lợi gì nếu theo đuổi bảo hiểm xã hội lâu dài?

Có lương hưu khi nghỉ là có lợi, lương hưu để ổn định cuộc sống cho người già là quá… có lợi. Cần phải giải thích cho người lao động hiểu việc đó.

Nhưng cũng phải hiểu lý do tại sao rất nhiều người lao động lại muốn nhận bảo hiểm một lần trong khi như thế là thiệt vì số tiền hàng tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng một năm tính ra là phải 2,6 tháng lương, nhưng khi nhận một lần họ chỉ nhận được 2 tháng lương? Như vậy là nhận “một cục” thì mỗi năm thiệt mất 0,6 tháng, 10 năm là thiệt mất 6 tháng lương. Đó là chưa kể những thiệt thòi sau này, không đượcbảo hiểm khi ốm đau. Cực chẳng đã nên người lao động mới phải nhận bảo hiểm một lần. Vì cuộc sống của mỗi người, cần phải để cho họ có quyền lựa chọn.

Như những lao động làm việc trong ngành dệt may, da giày, có trường hợp chủ sử dụng muốn chọn lao động trẻ khỏe hơn nên họ chấm dứt hợp đồng lao động với những người lao động đã qua 5-7 năm khai thác. Khi đó, ra ngoài người lao động không xin được việc khác và vì mưu sinh bắt buộc họ phải tính, họ cần một khoản tiền để tính một hướng bắt đầu khác.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi: Ngân sách sẽ mất 7.000 tỷ đồng/năm hỗ trợ người già không lương hưu

Tỷ lệ người muốn nhận tiền bảo hiểm một lần rất lớn. Mỗi năm có khoảng 500.000 người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, số người vào cũng tương đương. Với số vào với số ra cân bằng như vậy thì liệu mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội có đạt? Rõ ràng khả năng là chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương.

Bài toán an sinh xã hội như Chính phủ trình là nếu hôm nay đồng ý giải quyết bảo hiểm một lần thì hệ thống an sinh xã hội những năm sau sẽ giảm đi, nghĩa là không đạt mục tiêu về đối tượng và quan trọng hơn là nhà nước phải dành một khoản ngân sách để lo cho những người lao động này khi về già. Hiện nay với 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên, mỗi năm ngân sách đã phải bỏ ra 3,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cuộc sống. Nay số người không có lương hưu nâng lên, cùng với việc điều chỉnh mức hỗ trợ từ 180 ngàn đồng lên 270 ngàn đồng/tháng thì số tiền ngân sách phải tiếp tục bỏ ra khoảng 7 nghìn tỷ đồng/năm, rõ ràng rất khó khăn.

Điều 60 chính là thể hiện một tầm nhìn. Vấn đề mâu thuẫn ở đây là số người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội trong 5 năm 2010-2015 là 2,3 triệu, số vào hệ thống là 2,5 triệu. Và có tới 72% số người ra khỏi hệ thống chỉ làm 1-3 năm thì đã rút tiền bảo hiểm xã hội một lần. Và trong số 2,3 triệu người này, có đến 1 triệu người chỉ đóng bảo hiểm 1 năm đã rút ra và với cách chi trỉa hiện nay thì người lao động vẫn bị thiệt vì một năm họ phải đóng bảo hiểm 2,4 tháng lương (22%x12 tháng) mà khi về chỉ nhận được 2 tháng.

Tiền lương BHXH như là của để dành của người lao động, không ai có quyền được vi phạm kể cả cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm. Quỹ này được quản lý tập trung thống nhất ở trung ương, không phải do cơ quan BHXH ôm. Quỹ này cũng được đảm bảo bảo toàn, chỉ được đầu tư để sinh lời, tăng trưởng khi quỹ nhàn rỗi nên tiền quỹ khi cho Chính phủ hoặc các ngân hàng vay hoặc mua trái phiếu Chính phủ luôn đảm bảo mức lãi suất phải cao hơn chỉ số CPI.

P.Thảo