1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phiếu thuận” cho đề xuất để người lao động được lĩnh tiền “hưu non”

(Dân trí) - Ủy ban Các vấn đề xã hội đồng ý trước mắt cho phép người lao động được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm khi có nguyện vọng nhưng cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện áp dụng việc này để giảm dần số người không có lương hưu khi về già…

Báo cáo Quốc hội sáng 21/5 về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về việc nhận bảo hiểm một lần Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo quy định tại luật năm 2006 thì người lao động sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được giải quyết theo hướng này.

Lĩnh lương hưu (ảnh minh họa)

Nữ Bộ trưởng LĐ,TB&XH khẳng định, cán bộ hưu trí lĩnh lương hàng tháng có lợi hơn nhiều so với việc lĩnh một lần. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê, tính bình quân trong giai đoạn 2007 - 2014, trong tổng số người được giải quyết chế độ thì có khoảng 80% giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng. Hàng năm, có khoảng gần 500.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm.

Quy định này được bà Chuyền đánh giá, tuy tạo điều kiện linh hoạt cho người lao động lựa chọn nhưng chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Điều 60 của luật mới, theo đó, được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

“Theo tính toán trong tất cả các trường hợp người lao động tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về già đều có lợi hơn rất nhiều so với việc lĩnh một lần” – nữ Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, Điều luật ban hành vẫn chưa có hiệu lực thì vấp phản ứng của dư luận. Theo Bộ trưởng LĐ,TB&XH, nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên được lý giải là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn.

Từ đó, Chính phủ đã thống nhất đề xuất sửa Điều 60 theo hướng, trước mắt, cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu hay nhận bảo hiểm “một cục” như quy định hiện hành.
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Dự báo về tác động tiêu cực của việc sửa luật, bà Chuyền lo là với số lao động này, khi hết tuổi làm việc sẽ không có lương hưu hàng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với những người không có lương hưu phải tăng thêm.

Ngoài ra, ngành cũng sẽ khó khăn hơn trong nhiệm vụ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, khó khăn hơn trong việc đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm.

Nêu ý kiến về đề xuất này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích, báo cáo của Chính phủ chỉ ra, quy định của luật hiện hành dẫn đến việc hàng năm, số người lao động được thanh toán bảo hiểm 1 lần nhiều gấp 4,4 lần số người hưởng lương hưu hàng tháng và chủ yếu là người mới tham gia bảo hiểm từ 1-3 năm (chiếm 72%), tập trung vào khu vực doanh nghiệp tư nhân và liên doanh ở các ngành, nghề như dệt may, da giày.

Việc nhận bảo hiểm 1 lần như quy định của luật 2006, theo bà Mai là do thời điểm đó chưa có chính sách bảo hiểm thất nghiệp (triển khai từ 2009) và bảo hiểm tự nguyện (triển khai từ 2008) để trợ giúp người lao động giảm bớt những khó khăn trước mắt khi nghỉ việc.

UB Các vấn đề xã hội cũng đưa ra phép tính, tổng mức đóng cho bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Tỷ lệ đóng 14% của người sử dụng lao động được hạch toán vào giá thành, chi phí lưu thông, giảm trừ thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (25%), thực chất là ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,5% mức đóng góp cho chính sách bảo hiểm hưu trí để đảm bảo an sinh cho người hết tuổi lao động.

Một bài học được dẫn chiếu là chính sách “về một cục” áp dụng vào đầu những năm 90, sau đó, nhiều người lao động đã nhận tiền một lần lại mong muốn hoàn trả quỹ bảo hiểm phần đã lĩnh để tiếp tục đóng bảo hiểm, tích lũy đủ thời gian để được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già.

Xu hướng của các nước, theo bà Mai, cũng là thu hẹp điều kiện cho phép nhận bảo hiểm một lần để hướng tới mục tiêu an sinh lâu dài cho người lao động phù hợp với xu hướng già hóa dân số đang gia tăng.

Trên cơ sở nguyện vọng của nhiều người lao động chỉ làm việc ở khu vực chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm , việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững, UB Các vấn đề Xã hội cũng tán thành với đề xuất “trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm” của Chính phủ.

Cơ quan thẩm tra dự án luật đặt vấn đề, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu).

P.Thảo