Người Hà Nội rủ nhau học cưỡi ngựa theo phong cách châu Âu
(Dân trí) - Cưỡi ngựa theo phong cách quý tộc châu Âu đang là thú vui mới của những người có điều kiện về kinh tế. Tại Hà Nội, các câu lạc bộ cưỡi ngựa đã xuất hiện để phục vụ những người có nhu cầu.
Cưỡi ngựa là một môn thể thao kén người chơi. Khi du nhập về Việt Nam, bộ môn này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ hiện đại và có điều kiện về kinh tế. Nhiều câu lạc bộ cưỡi ngựa được mở ra cũng giúp môn thể thao khá xa lạ này tới gần với người Việt hơn.
Bộ môn cưỡi ngựa đã xuất hiện lần đầu tiên ở TPHCM từ nhiều năm trước. Đến năm 2011, chị Nguyễn Thị Hòa Hợp, chủ nhiệm một câu lạc bộ đua ngựa, đã mang môn thể thao này ra ngoài Bắc, nhưng khi đó bộ môn này vẫn còn rất xa lạ.
"Tôi mở một câu lạc bộ cưỡi ngựa vừa để tự thư giãn, vừa để phục vụ khách nước ngoài. Thế nhưng, câu lạc bộ đua ngựa đã phát triển nhanh vài năm gần đây và thu hút người Việt Nam. Nhiều gia đình cho con làm quen với ngựa ngay từ khi mới 3 tuổi. Các bé có thể tương tác làm quen với ngựa thông qua người dắt", chị Hợp nói thêm, tuy nhiên các cháu từ 6 tuổi trở lên mới có thể tham gia học cưỡi ngựa do tuổi quá nhỏ tay sẽ không đủ khỏe.
Theo chị Hợp, vài năm trở lại đây, cưỡi ngựa đã dần trở nên phổ biến và "bình dân" hơn, không còn dành riêng cho giới quý tộc như trước. Người dân có mức thu nhập khá là có thể tham gia với mức chi phí theo chị là "rẻ hơn chơi golf".
Đưa ra các chi phí để so sánh, chị Hợp cho hay, người học phải chi ra 6 triệu đồng cho một khóa học cưỡi ngựa 12 buổi. Trang phục cơ bản cho môn cưỡi ngựa gồm mũ, áo bảo vệ, ủng, găng tay… dao động từ 5-6 triệu đồng.
Như vậy, so với chi phí hàng chục triệu đồng một bộ gậy, tiền trang phục, chi phí vào sân vài triệu đồng mỗi buổi thì cưỡi ngựa vẫn được cho là "bình dân" hơn.
Chị Hợp nói thêm, 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các giáo viên nước ngoài phải về nước nên câu lạc bộ gặp chút khó khăn, song câu lạc bộ vẫn hướng tới đào tạo bài bản người chơi cưỡi ngựa theo phong cách châu Âu.
"Cưỡi ngựa sẽ giúp người chơi có sự chuyển động đa chiều. Toàn bộ phần xương khớp, lưng, cổ, vai gáy và trí não đều phải tập trung vào vận động. Vì thế, cưỡi người rèn luyện sức khỏe và sự tập trung cao độ rất tốt", nữ chủ nhiệm câu lạc bộ khẳng định.
Theo chủ câu lạc bộ, người mới tìm hiểu sẽ được làm quen với dòng ngựa Kabadin do giống ngựa này chắc, dễ lấy thăng bằng. Nhưng trước khi cưỡi, người chơi phải có tương tác ngựa bằng cách chải lông, cho ăn, tắm, làm móng (cạo sạch móng chân). Sau khi đã quen, người chơi có thể dắt ngựa, làm các thủ tục để lên ngựa.
Các kỹ thuật cơ bản của khóa học cưỡi ngựa bao gồm: thăng bằng trên lưng ngựa; làm các thao tác, động tác trò chơi trên lưng ngựa; nhảy nước kiệu; nhảy nước đại; điều khiển ngựa đi rừng; đi dích dắc; nhảy cao…
"Tùy vào khả năng của người học, nhiều người mất tới 3 khóa mới biết cưỡi ngựa", chị Hợp chia sẻ.
Chị cho biết câu lạc bộ đua ngựa của chị hiện có khoảng 30 con ngựa thuộc các giống khác nhau. Đa phần ngựa tại đây được nhập về từ châu Âu với giá khoảng 18.000 euro/con (tương đương 430 triệu đồng) chưa kể các chi phí phát sinh về giấy tờ, kiểm dịch.
Ngựa nhập từ châu Âu nên mỗi dịp hè chị Hợp lại vô cùng lo lắng do khí hậu Hà Nội vào hè quá khắc nghiệt khiến ngựa vất vả. "Vào hè, ngựa không thể sử dụng liên tục. Tôi phải cho ngựa nghỉ rất lâu mới có thể phục vụ khách tới học", chủ nhiệm câu lạc bộ cưỡi ngựa cho hay.
Hiện nay, câu lạc bộ không đủ chi phí để cho ngựa vào phòng điều hòa mà chỉ khắc phục bằng hệ thống phun sương, quạt trần, làm mát mái.
Thường cho con tới chơi với ngựa vào cuối tuần, chị Nguyễn Ngọc (Long Biên, Hà Nội) không tiếc tiền cho con tiếp xúc với bộ môn này. Chị khẳng định chi phí học cưỡi ngựa ở Hà Nội đang cao hơn so với thu nhập trung bình của người Việt, nhưng nếu so với chi phí học tại Malaysia (khoảng 20 USD/buổi) hay tại các nước châu Âu (50-60 USD/buổi) thì vẫn rẻ hơn nhiều.
"Các kỹ năng như đánh đàn piano, cưỡi ngựa, vẽ tranh sẽ giúp các con tôi hòa nhập tốt hơn với môi trường đã được định hướng", chị Ngọc cho hay.