1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Người H' Mông ở Bản Phố có mô hình tam giác kinh tế nào?

CTV Ban Mai

(Dân trí) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc tìm hiểu mô hình kinh tế hỗn hợp của người H' Mông ở Bản Phố là cần thiết.

Xã Bản Phố là một xã vùng cao, cách thị trấn Bắc Hà 2,5km về hướng Tây Bắc, là địa bàn sinh sống của hơn 600 hộ gia đình người dân tộc H' Mông. Người H' Mông ở Bản Phố chủ yếu thuộc hai nhóm: H' Mông đu (H' Mông đen) và H' Mông đơ (H' Mông trắng).

Họ sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và thủ công. Giữ vai trò quan trọng nhất trong các nghề thủ công của người H' Mông ở Bản Phố là nấu rượu.

Nghề nấu rượu có vai trò gì ở Bản Phố?

Phần lớn các hộ gia đình người H' Mông ở xã Bản Phố đều làm nghề nấu rượu. Rượu ngô ở đây nổi tiếng khắp nơi với thương hiệu Rượu ngô Bắc Hà. Vai trò của nghề nấu rượu ở đây thể hiện ở 3 điểm: Nấu rượu giữ một vị trí quan trọng trong bức tranh sinh kế của người H' Mông ở Bản Phố; Nghề nấu rượu tạo ra một nguồn thu nhập lớn và nghề nấu rượu có tác động mạnh mẽ tới một số ngành kinh tế khác.

Người H Mông ở Bản Phố có mô hình tam giác kinh tế nào? - 1

Nương ngô của người H' Mông ở xã Bản Phố (Ảnh: Bùi Hào).

Nghề nấu rượu không phải là ngành thu nhập cao nhất cho người dân, nhưng nó đóng vai trò lôi kéo, kết hợp với các ngành khác tạo thành một cơ cấu kinh tế khá đặc biệt mang đậm nét văn hóa cũng như điều kiện tự nhiên ở đây.

Ngô (Pangz cư) là cây lương thực quan trọng nhất của người H' Mông ở Bản Phố. Do diện tích đất trồng hạn chế nên người dân ở đây trồng trên các đồi núi cao.

Nhìn bốn bề của xã Bản Phố đều là những nương ngô của người H' Mông. Diện tích nương ngô cả xã là 320ha (chiếm 17,9% diện tích tự nhiên). Hiện nay, diện tích tự nhiên của xã không thể cho phép mở rộng diện tích nương ngô. Họ trồng chủ yếu là giống ngô địa phương, giống ngô mới đã được đưa vào trồng nhưng còn hạn chế trên diện tích 75ha (chiếm 23,4% diện tích trồng ngô).

Trung bình mỗi gia đình người H' Mông ở Bản Phố thu hoạch 3 đến 4 tấn ngô/năm (khoảng 150-200 thồ) nhưng vẫn không đủ nấu rượu. Nhiều nhà còn phải mua ngô về nấu rượu.

Họ chủ yếu mua ngô của người H' Mông ở nơi khác (những nơi ít hay không nấu rượu). Họ gọi tên ngô địa phương theo màu sắc như ngô trắng, ngô vàng. Khi tách hạt ngô, họ cũng phân loại tốt xấu để nấu rượu. Với loại quá xấu họ chỉ dùng để chăn nuôi.

Người H' Mông không có thói quen cất trữ, bảo quản ngô hạt mà họ thường để cả bông đem bảo quản. Lúc nào cần dùng ngô thì họ mới đem ngô bông ra tách hạt. Trước kia họ dùng tay để tách hạt ngô, nay, nhiều hộ gia đình sử dụng máy tách hạt ngô.

Người H Mông ở Bản Phố có mô hình tam giác kinh tế nào? - 2

Người H' Mông ở xã Bản Phố trộn men rượu ngô (Ảnh: Bùi Hào).

Thương hiệu rượu nổi tiếng

Nấu rượu tác động trực tiếp đến việc trồng ngô. Trước đây, ngoài nấu rượu, ngô còn là lương thực quan trọng để ăn. Khoảng chục năm nay, thương hiệu rượu Bắc Hà phát triển mạnh, sản lượng rượu tiêu thụ tăng lên nhanh kéo theo việc trồng ngô được mở rộng hơn. Nghề nấu rượu phát triển mạnh khiến nhu cầu nguyên liệu càng nhiều.

Tiền bán rượu cũng là một nguồn quan trọng để mua phân bón cho ngô và lúa. Nếu nấu rượu thúc đẩy trồng ngô tăng lên, trồng ngô lại là tiền đề cơ sở để nghề nấu rượu hưng thịnh và phát triển.

Thu nhập từ nghề nấu rượu không phải chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu kinh tế của người H' Mông ở Bản Phố, nhưng thu nhập này đóng vai trò quan trọng và là nguồn thu chi phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân ở đây.

Nấu rượu xuất hiện từ hàng trăm năm trước ở người H' Mông. Đặc biệt ở đây họ nấu rượu ngô chứ không nấu rượu gạo. Trước kia, họ nấu ít và chủ yếu để uống hay làm quà tặng để giúp đỡ các gia đình trong thôn bản khi có việc lớn như cưới, hỏi, tang ma, làm nhà mới....

Từ khi rượu Bắc Hà vươn ra thị trường, nghề nấu rượu cũng bước sang một giai đoạn mới, trở thành một hàng hóa, một thương hiệu rượu truyền thống mang bản sắc văn hóa của người H' Mông. Tuy nhiên, việc rượu trở thành hàng hóa cũng làm thay đổi nhiều thứ, đặc biệt là chất lượng rượu.

Ngày trước, người H' Mông nấu rượu bằng men hồng my (Sangz pa) - một loại men được làm từ cây hồng my - do chính người dân trồng trên nương rẫy. Rượu nấu bằng men hồng my truyền thống ngon thơm, uống không đau đầu.

Hiện nay, diện tích hồng my giảm, chỉ còn vài gia đình trồng làm men nấu rượu. Chủ yếu người ta nấu rượu bằng men bột mua của người Kinh hoặc mua từ Trung Quốc.

Người H Mông ở Bản Phố có mô hình tam giác kinh tế nào? - 3

Lò nấu rượu của người H' Mông ở xã Bản Phố (Ảnh: Bùi Hào).

Rượu nấu bằng men bột uống không thơm ngon và có thể bị đau đầu nếu uống quá nhiều.

Trong khi trồng trọt và chăn nuôi có thể thu lại tiền nhưng cần nhiều thời gian thì nghề nấu rượu thu về một khoản tiền lớn và thường xuyên để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Bình thường một gia đình nấu nồi rượu 20 lít rượu đến cuối tuần đem ra chợ Bắc Hà với giá 35.000-40.000 đồng/lít. Như vậy, mỗi gia đình sẽ thu 700.000-800.000 đồng/tuần, tương đương với mỗi tháng tiền bán rượu là khoảng 3 triệu đồng.

Khoản tiền trên là thu nhập lớn so với đời sống của đồng bào. Họ sử dụng để mua men về nấu rượu, mua gạo, muối, mỳ chính, áo quần, sách vở và mua các loại phân bón, nguyên vật liệu... Nói cách khác, nguồn thu nhập việc nấu rượu là nguồn thu nhập chủ yếu cho các gia đình trang trải các khoản tiêu pha trong gia đình.

Một số gia đình nấu nhiều rượu còn có tiền cất trữ để lo khi ốm đau hay khi mua xe, làm nhà. Nghề trồng ngô, nấu rượu cũng ảnh hưởng lớn đến nghề chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn.

Thức ăn của đàn lợn ở đây chủ yếu là bã rượu, đây là sản phẩm cuối của việc nấu rượu. Nghề nấu rượu phát triển trở thành một động lực làm cho đàn lợn của xã Bản Phố nhiều hơn các xã khác.

Đàn lợn của xã đầu năm 2022 đạt hơn 4.500 con, chiếm vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi. Số tiền thu được từ chăn nuôi lợn khá lớn và là nguồn tiền chủ yếu để giải quyết các việc quan trọng trong năm của các gia đình.

Mô hình ở Bản Phố cần nhân rộng một cách phù hợp

Trên thực tế, ở xã Bản Phố, ba nghề trồng ngô, nấu rượu và nuôi lợn có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một mô hình kinh tế hỗn hợp.

Nhiều nơi, người dân trồng ngô rồi xay lấy bột chăn nuôi lợn. Người dân ở Bản Phố tính toán: Nếu trồng ngô chỉ để nuôi lợn hay đem ngô đi bán chỉ thu được một khoản tiền từ bán ngô hoặc bán lợn. Còn trồng ngô để nấu rượu họ sẽ thu được hai khoản tiền bán rượu và bán lợn.

Nghề nấu rượu cũng kích thích một nghề thủ công khác phát triển, đó là nghề đóng thùng nấu rượu hay thân nồi nấu rượu. Trong thôn chỉ có một số người biết nghề mộc mới đóng được thùng nấu rượu này. Nay giá một thùng nấu rượu là 700.000-800.000 đồng/chiếc. Khoản tiền trên cũng trở thành một nguồn thu nhập khá cho những thợ đóng thùng này.

Tóm lại, nghề nấu rượu không chỉ chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt kinh tế của người H' Mmông ở Bản Phố, nó còn giữ vai trò làm động lực, lôi kéo các ngành kinh tế khác phát triển theo.

Người H Mông ở Bản Phố có mô hình tam giác kinh tế nào? - 4

Người H' Mông ở xã Bản Phố bán rượu ngô ở chợ phiên Bắc Hà (Ảnh: Bùi Hào).

Mô hình kinh tế hỗn hợp trồng ngô - nấu rượu - nuôi lợn của người H' Mông ở đây trở thành một mô hình đặc biệt trong việc kết hợp nông nghiệp và thủ công nghiệp. Chính sự phát triển của mô hình này là một tiền đề quan trọng để đồng bào vươn lên cải thiện đời sống.

Trong bối cảnh Nhà nước đang bắt đầu đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, việc tìm hiểu về các mô hình phát triển kinh tế xã hội đạt hiệu quả cao như mô hình kinh tế hỗn hợp của người H' Mông ở Bản Phố là điều cần thiết để đúc rút kinh nghiệm nhằm nhân rộng các mô hình này một cách phù hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Bùi Hào