1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Người duy nhất sống sót của trung đội Mai Quốc Ca

(Dân trí) - Tên anh đã được khắc trên bia mộ, trái tim anh đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu quả cảm. Đồng đội anh mỗi người một quê hương, một cái tên nhưng khi ngã xuống mang cùng một tên: “Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca”.

Người duy nhất sống sót của trung đội Mai Quốc Ca  - 1
Anh Thành bồi hồi lật giở lại danh sách những đồng đội của mình đã hy sinh năm xưa  

Những ngày tháng tư  lịch sử này, chúng tôi có dịp về gặp lại người anh hùng trong trận chiến phá cây cầu Thạch Hãn ngày 10/ 4/1972. Anh là Vũ Quang Thành, thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là chiến sỹ của Trung đội Mai Quốc Ca năm xưa.   

Trong số 20 chiến sỹ của Trung đội Mai Quốc Ca, chỉ còn lại mình anh sống sót trở về. Anh Thành bồi hồi mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm một thời về các đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận chiến ác liệt năm xưa.  

Sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước có chiến tranh, cũng như bao thế hệ thanh niên khác, tháng 5/1971 anh Thành vào quân ngũ khi mới vừa tròn 18 tuổi. Đơn vị anh tham gia là Đại đội 10, Tiểu đoàn 634, thuộc tỉnh đội Thanh Hóa huấn luyện ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa).   

Đến tháng 9/1971, đơn vị anh được điều động vào bổ sung cho Sư đoàn chủ lực 304 đóng quân ở Bố Trạch, Quảng Bình. Ngày 14/9/1971, anh được điều vào Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị để làm nhiệm vụ vẩn chuyển đạn, gạo và lương thực tiếp tế cho các Tiểu đoàn đánh ở các cao điểm 241, Ba Hồ, Đông Toàn…giáp ranh bên bờ sông Thạch Hãn.  

Ngày 9/4/1972, Trung đội của anh gồm 20 chiến sỹ do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy, nhận lệnh vận chuyển 1 tạ TNT (bộc phá) vào để phá cầu Thạch Hãn nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của địch từ thị xã Quảng Trị lên căn cứ Ái Tử. Trên đường hành quân gặp nhiều ổ phục kích của địch dọc đường nhưng đơn vị anh đều vượt qua an toàn.   

Đến 4h sáng ngày 10/4 khi Trung đội của anh đã tiến sát đến cầu thì bất ngờ bị địch phát hiện. Trước đó đơn vị chỉ nhận lệnh tiêu diệt một Trung đội dân vệ Bảo An của Nguỵ quyền. Nhưng không ngờ địch đã biết và tăng cường 3 tiểu đoàn dù về bảo vệ từ chiều hôm trước.   

Nói đến đây anh Thành nghẹn ngào: “Trong tình thế không có đường lui, các anh em đã hò nhau xông lên chiến đấu, đơn vị chúng tôi chỉ có 20 người nhưng đã quần nhau với 3 Tiểu đoàn lính dù và Trung đội dân vệ Bảo An của địch suốt từ 4h sáng đến 11h trưa thì hầu hết 19 đồng đội của tôi đã ngã xuống”.   

Trong trận chiến đấu này, Trung đội của anh đã tiêu diệt được 120 lính ngụy và 2 cố vấn Mỹ. Riêng anh bị trúng mảnh đạn pháo vào hông trái, anh bò ra phía bờ sông, trong tình trạng người bê bết bùn, máu thì bị địch phát hiện bắt đưa về, cho đi cứu chữa tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Huế. Tại đây anh được mổ nối ruột, sau đó vào bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng nằm điều trị 2 tháng.  

Từ đây, chỉ  trong vòng mấy tháng trời anh đã bị địch chuyển từ trại giam Non Nước (Đà Nẵng) vào nhà lao Bạch Đằng để thẩm vấn nhưng không được. Rồi anh lại được trả về trại giam Non Nước, sau đó cho ra nhà lao Phú Quốc giam tại đây.   

Ngày 10/3/1973, sau Hiệp  định Paris được ký kết, anh cùng các đồng đội bị giam cầm được trả tự do. Cũng thời gian này, ở quê nhà, người mẹ già của anh đã 65 tuổi chưa mãn tang chồng đã nhận giấy báo tử của người con trai.   

Năm 1972, xác 19 đồng đội của anh đã hy sinh, địch không cho chôn mà bắt  đem phơi trên miệng hố bom. Nhưng vì quần chúng nhân dân đấu tranh nên địch buộc phải cho chôn, và 19 đồng đội anh đã được chôn tập thể xuống 2 hố bom.   

Sau những năm tháng chiến  đấu anh dũng, bị tù đày, đến năm 1974 anh được phục viên trở về quê nhà đi học lớp Trung cấp kế hoạch và tham gia công tác tại  địa phương. Đến năm 1975 anh lập gia đình cùng chị  Trịnh Thị Huệ và có 3 người con.   

Tháng 6/1996, gia đình của một đồng đội đã nhờ anh đi tìm lại phần mộ thân nhân, anh lại có dịp trở lại chiến trường xưa, tìm lại những người đồng đội đã ngã  xuống. Vào đến nơi, một điều bất ngờ  khi anh phát hiện có tên mình khắc trên tấm bia liệt sỹ. Rồi anh lần tìm lại danh sách liệt sỹ của Trung đội vẫn còn tên anh trong đó.   

Với tinh thần chiến  đấu qủa cảm và sự hy sinh anh dũng, năm 1973 Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Và để tưởng nhớ chiến công của trung đội Mai Quốc Ca, Nhà nước đã xây dựng đài tưởng niệm có tấm bia khắc hình 20 quả tim màu đỏ như một biểu tưởng bất diệt của tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của trung đội Mai Quốc Ca.   

Hiện tại 19 ngôi mộ  của Trung đội Mai Quốc Ca được phân thành một khu riêng biệt và cùng khắc chung một cái tên Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca tại nghĩa trang liệt sỹ huyện triệu Phong, Quảng Trị.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm