1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những chiến sĩ làm cách mạng bằng tiếng hát

(Dân trí) - “Trong chiến tranh, cái chết luôn cận kề, chính tiếng hát đã giúp tôi và đồng đội sống, trở về vinh quang như ngày hôm nay” - đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Thế Linh, chủ nhiệm CLB Tiếng hát đi cùng năm tháng của các cựu chiến binh thành phố Huế.

Tiếng hát át tiếng bom

 

Ngày ấy ông cùng các đồng đội của binh đoàn Trường Sơn ngày đêm hăm hở chiến đấu. Sau mỗi trận chiến, họ lại trở về với cái hào hoa của người nghệ sỹ, cất cao tiếng hát giữa đạn bom. Hát để sẻ chia nỗi nhớ nhà. Hát để quên đi cái đói, cái rét. Và hát để xoa dịu nỗi đau.

 

Ông Dương Duy Thanh nhớ lại: “Sau mỗi trận đấu, các chiến sỹ lại trở thành những nghệ sỹ. Có hôm đang hành quân đường dài, dù rất mệt cũng phải cố gắng hát để đồng đội quên cái mệt, để cũng cố tinh thần cho anh em”.
 
Những chiến sĩ làm cách mạng bằng tiếng hát - 1

Một buổi tập diễn của các thành viên CLB.

 

Bà Hồ Thị Bích Thủy không quên những kỉ niệm khi còn là nghệ sỹ văn công của Lực lượng Công an đồn biên phòng. Những buổi diễn với đồng bào vùng biên giới, các bản làng heo hút như đồn Chalo, Cà xèng, Cà ròng... “Dẫu rất mệt vì đường xa và đầy hiểm nguy, nhưng hạnh phúc của người nghệ sỹ là sự tiếp đón rất nồng hậu của đồng bào dân bản. Những rổ sắn rổ khoai lót dạ nhưng chúng tôi biết rằng mình đã đem đến niềm vui, tự tin cách mạng cho xóm bản”.

 

Niềm vui thì nhỏ bé mà thật nhiều những nghịch cảnh trái ngang. Có người vừa biết tin người thân hy sinh mà không dám khóc, vẫn phải cất cao tiếng hát, bởi “một giọt nước mắt cũng khiến anh em mất tinh thần, như vậy là mình chưa làm tròn nhiệm vụ”, ông Linh ngậm ngùi.

 

Những buổi diễn ở các bệnh viện dã chiến trong hầm, giữa mùi hôi nồng từ những vết thương chưa lành, những tiếng rên xiết não lòng, đau đớn, họ vẫn hát - đó là nhiệm vụ của những chiến sỹ văn hóa. Họ hát và sẵn sàng tâm thế đón nhận phản ứng tiêu cực từ những người đồng đội đang đau đớn với nhiều vết thương trên cơ thể. “Mình thông cảm và biết rằng họ cần một sức mạnh tinh thần để vượt qua” - bà Thủy nhớ lại.

 

Tiếng hát đi cùng năm tháng

 

CLB Tiếng hát đi cùng năm tháng thành lập tháng 7/2003, gồm 100 thành viên là các chiến sỹ văn hóa, xung trận trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. CLB thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu hát những bài hát cách mạng và ca ngợi quê hương đất nước trong các dịp lễ trọng đại.

CLB Tiếng hát đi cùng năm tháng không chỉ là nơi gặp gỡ hội ngộ của những chiến sỹ xưa ôn lại những kí ức mà còn là ý thức gìn giữ dòng nhạc cách mạng và nhắc nhở thế hệ sau về lịch sử dân tộc. 

 

Ông Nguyễn Văn Phúc - Cựu thành viên CLB - tâm sự: “Các thành viên CLB hầu hết tuổi đã cao nhưng giọng thì vẫn rất trong, rắn rỏi. Những gì đã từng trải qua khiến bài hát thêm có thần để lôi kéo thính giả. Đó cũng là điểm mạnh của CLB”.

 

Cụ Võ Thị Thu Hà (82 tuổi), thành viên lớn tuổi nhất của CLB nói: “Ký ức đã qua nhưng được sống lại với nó là cả một niềm mong mỏi. Để biết mình đã sống ý nghĩa mà làm gương cho con cháu”.

 

CLB cũng thường tổ chức các buổi giao lưu với sinh viên tại Trung tâm quân sự ĐH Huế truyền lại sức sống, nhiệt huyết của mình thời trai trẻ và nhắc nhở thế hệ trẻ về lịch sử vẻ vang của dân tộc.

 

Ông Nguyễn Thế Linh tâm sự: “Những con người của thế hệ trước trở về từ khói lửa chiến tranh nay muốn đem lời ca tiếng hát để làm đẹp cho đời và cũng là giữ dòng nhạc cách mạng - dòng nhạc truyền thống vốn là “quốc hồn, quốc túy” gắn với quá khứ hào hùng của dân tộc”. 

 

Tố Anh