1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chuyện của người thủy thủ trên Tàu Không Số năm xưa

(Dân trí) - Dù đã ở cái tuổi xế chiều, nhưng mỗi khi nhắc đến những đồng đội từng sát cánh vào sinh ra tử với ông trong những ngày chiến đấu ác liệt, người thủy thủ trên chuyến Tàu Không Số năm xưa lại trào dâng niềm xúc động.

Đó là ông là Lê Duy Mai (SN 1941), thôn Hồng Phong, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), thợ máy trên Tàu Không số mang mật hiệu 235 còn sống sót trở về. Sự trở về của ông là minh chứng cho lòng quả cảm của thủy thủ hoạt động trên biển.
 
Tháng 2/1964, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Hàng hải, ông Mai gia nhập Lữ đoàn 125, thuộc Quân chủng Hải quân. Mùa hè năm 1966, ông và một số đồng chí khác được điều động đi nhận 2 tàu ở Trung Quốc có phiên hiệu 235 và 246 do đồng chí Nguyễn Phan Vinh và Võ Hán làm thuyền trưởng.
 
Mùa hè năm 1967, hai chiếc tàu về nước và chở vũ khí vào Khánh Hòa. Hành trình kéo dài hàng trăm hải lý lênh đênh trên biển với bao hiểm nguy rình rập. Tết Mậu Thân 1968, lợi dụng thời tiết xấu và hoạt động của địch trên biển giảm, ông Mai được lệnh cho 4 máy chính hoạt động hết công suất và thẳng tiến vào bờ. Khi tàu áp sát gần bờ thì nhận được tin tình báo bất lợi nên tàu phải chuyển hướng quay về đảo Hải Nam nằm chờ.
 
Tháng 2/1968, tàu khởi hành quay vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa). Trên đường đi, luôn bị tàu và máy bay địch bám đuổi ráo riết. Để nhằm đánh lạc hướng địch, các thủy thủ trên tàu đã treo cờ nước ngoài, đổi hướng sang nước bạn. Khi đã đánh lừa được địch, tàu 235 liền tiến vào mục tiêu.
 
Chuyện của người thủy thủ trên Tàu Không Số năm xưa - 1
Ông Lê Duy Mai bồi hồi khi nhắc đến những đồng đội đã sát cánh vào sinh ra tử với ông năm xưa. 
 
Đúng 0h ngày 1/3/1968, con tàu đã cập bến Hòn Hèo và phát tín hiệu liên lạc nhiều lần nhưng không có người nhận. Cuối cùng, thuyền trưởng cho tàu thả neo và thực hiện phương án thả hàng.
 
Nhưng khi những kiện hàng cuối cùng rời khỏi tàu cũng là lúc tàu thủy của địch ập đến. Trên bầu trời, tiếng gầm rú của máy bay địch. Xác định tàu đã bị lộ và không thể thoát khỏi vòng vây, trong giờ khắc đó, các chiến sỹ trên tàu vẫn bình tĩnh thống nhất phương án hành động.
 
Thuyền trưởng Phan Vinh quyết định cho nổ súng chiến đấu với địch. Do được trang bị vũ khí hiện đại và tính chiến đấu độc lập nên một số tàu địch đã bị trúng đạn và chìm. Tàu địch bị chống trả bất ngờ nên không dám tiến thêm, tận dụng cơ hội ông Mai được giao nhiệm vụ thực hiện phương án 3.
 
Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, nhiều chiến sĩ đã bị thương nặng, tàu sắp bị địch đánh tan. Nhưng nếu đầu hàng hoặc bị địch đột nhập lên tàu thì toàn bộ số hàng, vũ khí, chặng đường hành trình, tài liệu mật sẽ rơi vào tay địch.
 
Nguy hiểm hơn nếu để địch phát hiện ra tàu 235 chuyên chở vũ khí từ Bắc vào Nam theo con đường Hồ Chí Minh trên biển. Tình thế đó buộc các chiến sỹ thống nhất chọn phương án 3, đánh bộc phá tại tàu.
 
Một lượng thuốc nổ TNT đã được tính toán và đặt ở các vị trí trọng yếu, chỉ chờ tín hiệu là điểm hỏa. Thợ máy Lê Duy Mai nhận lệnh mở van khí ép bơm xuồng cao su để số đồng chí bị thương nặng rời tàu vào bờ. Trên tàu chỉ còn thuyền trưởng Phan Vinh và một số anh em để chiến đấu, trong đó có ông Mai.
 
Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng xong, thuyền trưởng Phan Vinh ra lệnh châm ngòi, ngay tức khắc, tất cả các chiến sỹ cùng lao xuống biển để bơi vào bờ. Bơi được vài chục mét, họ bỗng nghe tiếng nổ lớn từ phía sau, ngoái đầu lại thì chỉ thấy một cột lửa bốc cao đỏ cả một vùng trời.
 
Sau khi lên bờ, nhiều chiến sỹ đã bị địch phục kích, các chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng. Một tốp chiến sỹ khác lẩn vào rừng ẩn nấp chờ thời cơ phản công. Nhưng không có lương thực, không nước uống nên các anh vừa chiến đấu với địch vừa chống chọi với cơn đói khát.
 
Hai chiến sỹ khát chịu không được nên đã lội xuống suối uống nước và không may bị địch phát hiện. Hai bên nổ súng, thủy thủ Đoàn Văn Nhì hy sinh anh dũng, anh Mai Văn Khung bị bắt, mãi tới khi miền Nam hoàn toàn giải phóng mới được tự do.
 
Ông Mai nhớ lại: “Năm người chúng tôi còn lại vẫn động viên nhau chịu đựng đói, khát để băng rừng, vượt suối. Đến ngày thứ 13, hầu hết anh em đều kiệt sức. Trong khi đang men theo bờ biển tìm lối ra thì bắt gặp một du kích địa phương đóng vai dân chài để đón. Chúng tôi được du kích đưa vào căn cứ tập kết, được bà con chăm sóc, điều trị tận tình nên đã nhanh chóng vượt qua cơn nguy kịch”.
 
Sau đó, các anh lại tiếp tục ròng rã đi bộ 6 tháng vượt dãy Trường Sơn và gặp lại Binh đoàn 125 - những con Tàu Không Số để tiếp tục chiến đấu, mở ra con đường Hồ Chí Minh trên biển và lập nên những chiến công oai hùng.
 
Hùng Cường - Duy Tuyên