Người đứng đầu cơ quan báo chí không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp
(Dân trí) - Ban Bí thư vừa ban hành Quy định số 101/QĐ-TW về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí (thay thế Quyết định số 75/2007).
Theo Quy định số 101/QĐ-TW (có hiệu lực từ ngày 28/2), tiêu chuẩn và điều kiện của lãnh đạo cơ quan báo chí phải là đảng viên, có trình độ lý luận chính trị cao cấp (không bắt buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo); tốt nghiệp đại học trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về báo chí.
Lãnh đạo cơ quan báo chí cần có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ít nhất 2 năm. Trường hợp đặc biệt, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.
Về độ tuổi bổ nhiệm, Quy định 101 nêu cụ thể từng nhóm đối tượng và độ tuổi mới. Cụ thể, đối với lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đối với lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn đủ thời gian để công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng) trở lên.
Lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc hai nhóm trên thì phải còn đủ thời gian để công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng) trở lên và tuổi tối đa giữ chức vụ lãnh đạo không quá 65 tuổi đối với nữ và 67 tuổi đối với nam. Trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.
Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí này không được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí khác.
Về số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí, Quy định 101 nêu rõ: Đối với cơ quan báo chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định của cơ quan chủ quản.
Đối với cơ quan báo chí không thuộc hai nhóm trên, mỗi cơ quan báo chí có 1 cấp trưởng và tối đa không quá 3 cấp phó.
Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm (60 tháng) đối với lãnh đạo cơ quan báo chí. Người đứng đầu cơ quan báo chí không đảm nhiệm chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp tại 1 cơ quan báo chí.
3 mức kỷ luật với lãnh đạo cơ quan báo chí
Quy định mới của Ban Bí thư nêu rõ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí có thành tích trong hoạt động báo chí và các lĩnh vực khác thì được khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật với hình thức đúng mức, kịp thời.
Về kỷ luật đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, quy định mới nêu rõ 3 mức độ kỷ luật: Nhắc nhở, kỷ luật khiển trách; kỷ luật cảnh cáo, cách chức; khai trừ Đảng.
Cụ thể, lãnh đạo cơ quan báo chí bị nhắc nhở, kỷ luật khiển trách khi: Viết bài, duyệt đăng bài, sao chép, phát tán tin, bài, ảnh, thông tin không chính xác; sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội và các hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để thông tin không đúng sự thật, không đúng quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục công tác cán bộ trong cơ quan báo chí; bổ nhiệm người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát để cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động trong cơ quan báo chí, cộng tác viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; để xảy ra mất đoàn kết; có đơn, thư khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết hoặc chậm giải quyết để kéo dài quá quy định;
Để cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật đến mức bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 2 lần trong nhiệm kỳ vì hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép nhưng chưa đến mức độ bị tước quyền sử dụng giấy phép.
Kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức đối với lãnh đạo cơ quan báo chí khi: Để cơ quan báo chí đăng, phát nội dung thông tin sai lệch chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin sai sự thật hoặc không chấp hành chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về thông tin tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế;
Viết bài, duyệt đăng, phát tin, bài, ảnh, thông tin không đúng sự thật, không đúng quy định; đe dọa, yêu sách về nội dung bài viết; đăng bài, chia sẻ thông tin trên không gian mạng liên quan đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân nhằm đe dọa, yêu sách hoặc trục lợi;
Buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao quyền quản lý, điều hành chuyên mục, chương trình, kênh chương trình liên kết trên thực tế cho phóng viên, nhóm phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết để đổi lấy lợi ích;
Chỉ đạo cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động trong quá trình tác nghiệp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can và chịu bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên nhà báo, phóng viên đó có tội.
Đặc biệt, khai trừ Đảng đối với các lãnh đạo cơ quan báo chí khi viết bài, duyệt đăng bài về nội dung phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; đưa thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bịa đặt, vu cáo lãnh tụ cách mạng tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; để cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Quy định 101/QĐ-TW có hiệu lực từ ngày 28/2/2023 và thay thế Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư.
Theo Quy định số 101, cơ quan chỉ đạo báo chí ở Trung ương là Ban Tuyên giáo Trung ương; ở địa phương là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương là Bộ Thông tin và Truyền thông; cơ quan quản lý báo chí ở địa phương là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ quan chủ quản báo chí là cơ quan, tổ chức được quy định trong Luật Báo chí và đứng tên đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí, thành lập và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.