1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người đi bộ "phớt lờ" cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Việc người đi bộ ngang nhiên băng qua đường, "phớt lờ" cầu bộ hành là thực trạng đang diễn ra phổ biến tại nhiều điểm trên khắp thành phố Hà Nội.

Hiện tại, trên toàn thành phố Hà Nội có khoảng 70 cầu bộ hành phục vụ người đi bộ sang đường ở các nút giao cắt và khu vực gần bệnh viện, trường học, nơi có mật độ giao thông đông đúc.

Tuy nhiên, có không ít cầu bộ hành đã được xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay người dân sống tại Thủ đô vẫn chưa có thói quen dùng cầu để qua đường.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại nhiều cầu bộ hành bắc qua các tuyến đường như Nguyễn Trãi (quận Hà Đông); Trung Kính; Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy); Giải Phóng - Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng); Chùa Bộc (quận Đống Đa),... tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm băng qua đường vẫn diễn ra phổ biến.

Việc người dân băng qua đường không đúng điểm có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho chính bản thân người dân và những người tham gia giao thông.

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 1

Tình trạng người dân "phớt lờ" cầu đi bộ hành gần cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều diễn ra từ sáng đến chiều, mặc dù tuyến đường này rất đông các phương tiện lưu thông (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đặc biệt, tại khu vực trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (đường Cầu Bươu, huyện Thanh Trì), vào buổi sáng và chiều có rất đông phương tiện lưu thông nhưng nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thản nhiên đi bộ sang đường. Mặc dù, cầu bộ hành dành cho người đi bộ chỉ cách cổng Bệnh viện K khoảng 15 mét.

Lý giải về việc cố tình băng qua đường, "phớt lờ" cầu bộ hành, ông Trần Văn Luyến (trú xã Giao Long, huyện Giao Thủy, Nam Định) cho rằng, đi như vậy để cho nhanh và tiện hơn.

Còn chị Phùng Thị Thắm (quê Bắc Kạn) cho biết, chị ngại đi lên cầu vì quãng đường xa hơn so với đi luôn sang đường cho đỡ mệt mỏi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí dưới góc độ pháp lý về vấn đề người đi bộ đi không đúng làn đường và tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Mỗi người dân khi tham gia giao thông dù là đi bộ hay bất kỳ phương tiện nào cũng cần phải có ý thức chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh. 

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 2

Nhiều người dân "phớt lờ" cầu bộ hành tại ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của, ngang nhiên đi bộ dưới lòng đường, bất chấp nguy hiểm (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo luật sư Bình, Điều 32 Luật Giao thông đường bộ (Luật số: 23/2008/QH12, ngày 13/11/2008) đã có quy định rất rõ về vấn đề người đi bộ tham gia giao thông phải thực hiện để đảm bảo an toàn, nếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt theo pháp luật. 

Cụ thể: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. 

Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. 

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 3

Tại nhiều cầu bộ hành ở Hà Nội không khó để bắt gặp cảnh người dân thản nhiên đi bộ ngay gần cầu (Ảnh: Nguyễn Hải).

Luật sư Bình nói thêm, trường hợp những nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường,...

Về mức xử phạt, theo luật sư Bình, căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000đ - 100.000đ đối với các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn.

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 4

Mặc dù cầu bộ hành ngay trên đầu nhưng cô gái vẫn bất chấp nguy hiểm, thản nhiên đi bộ sang đường giữa dòng xe tấp nập ở đường Nguyễn Trãi (Ảnh: Nguyễn Hải).

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 5

Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi bộ sang đường ngay dưới gầm cầu bộ hành (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ngoài ra, đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000đ - 200.000đ. 

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, nếu người đi bộ vi phạm giao thông như: Băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. 

"Do đó, mỗi người dân khi tham gia giao thông dù là đi bộ hay bất kỳ phương tiện nào cũng cần phải có ý thức chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người xung quanh.

Nếu không tuân thủ đúng điều này mà gây ra tai nạn giao thông thì người đi bộ phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí là hình sự, có thể đối diện với án phạt tù cao nhất là 15 năm", Luật sư Bình nói.

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 6

Ngang nhiên đi bộ sang đường và ra "tín hiệu" cho các phương tiện khác để "xin" đường (Ảnh: Nguyễn Hải).

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 7

Cầu bộ hành thành nơi cho nhiều người nghỉ ngơi (Ảnh: Nguyễn Hải).

Người đi bộ phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên băng qua đường ở Hà Nội - 8

Người đàn ông ngủ ngon giấc trên cầu bộ hành qua đường Giải Phóng, đoạn gần cổng Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Nguyễn Hải).