Người đi bộ bị "cướp" làn ưu tiên, văn hóa nhường đường của lái xe ở đâu?
(Dân trí) - Lái xe dừng đỗ xe lên vạch sang đường, không nhường đường người đi bộ, nhiều bãi trông xe, nhà mặt phố kinh doanh lấn chiếm vỉa hè... là những hình ảnh thường thấy trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ, xe đạp, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và cả những nơi không có vạch kẻ đường, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu, lùi xe...
Biển báo đường dành cho người đi bộ xuất hiện trên rất nhiều tuyến phố để nhắc nhở người tham gia giao thông đi đúng phần đường, cũng đồng thời nhắc nhở các phương tiện chú ý nhường đường cho đối tượng người đi bộ. Thế nhưng, những tấm biển báo này có thực sự đem lại hiệu quả?
Ghi nhận tại phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), đoạn gần Trung tâm thương mại Tràng Tiền vào buổi sáng cuối tuần, thời điểm có rất đông người dân tới khu vực này để vui chơi, mua sắm. Một gia đình tỏ ra khó khăn khi muốn sang bên kia đường dù đã đi đúng vị trí vạch sang đường dành cho người đi bộ, đèn báo hiệu cũng đã chuyển sang màu xanh nhưng các phương tiện lại không chịu nhường đường mà vẫn tiếp tục di chuyển.
Cũng tại khu vực này, một gia đình khác di chuyển đúng vạch sang đường cho người đi bộ nhưng khi ra tới giữa đường lại "mắc kẹt" trước hàng loạt ôtô chặn trước chặn sau không nhường đường.
Một bạn trẻ khác giơ tay báo hiệu "xin đường" dù đi trên đúng vạch sang đường dành cho người đi bộ, thời điểm này đèn tín hiệu cho người đi bộ đã chuyển sang màu xanh.
Mỗi lần qua đường, đặc biệt ở những nơi không có đèn tín hiệu lại là một lần người đi bộ luôn trong tình trạng đối mặt với nguy cơ xảy ra va chạm dẫn đến tai nạn.
Chị Bùi Thanh Thảo (Thanh Xuân) chia sẻ, đã từ lâu chị thường xuyên phải chịu cảnh chờ đợi cho các phương tiện thật vắng mới dám sang đường, dù chị đã đi vào đúng phần đường dành cho người đi bộ. Điểm kẻ vạch sang đường không có tín hiệu đèn cảnh báo nên việc các phương tiện ý thức nhường đường cho người đi bộ là rất hiếm gặp. Chị Thảo cũng nhắc lại câu chuyện trong quá khứ khi một lần sang đường đã va quệt vào đuôi xe chở vật liệu xây dựng không nhường đường khiến chị phải khâu 2 mũi trên cánh tay.
Bên cạnh đó, tình trạng lái xe dừng, đỗ phương tiện tại vạch kẻ dành cho người đi bộ cũng thường xuyên xảy ra, đặc biệt ở các điểm dừng đèn đỏ.
Anh Tống Ngọc Long, sinh sống trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) chia sẻ, mỗi lần qua đường dù đi đúng phần đường dành cho người đi bộ mà bị các phương tiện lấn làn chắn ngang vạch sang đường khiến anh cảm thấy rất khó chịu, buộc anh phải luồn lách tìm lối đi mới sang được bên kia đường. Anh cho biết, đây là vấn đề thuộc về ý thức của những người tham gia giao thông, đặc biệt khi lượng xe đông thì họ đi lên cả trên vỉa hè, luật pháp đã quy định rất rõ ràng mà nhiều người vẫn vi phạm.
Người đi bộ thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm vì phải đi xuống lòng đường tấp nập xe cộ đi lại.
Giờ tan tầm, một bạn trẻ tỏ ra khó khăn khi muốn sang bên đường mà lượng xe tấp nập khiến bạn phải chờ tới nhiều lượt đèn đỏ mới có thể tự tin đi vào vạch sang đường cho người đi bộ để sang đường.
Rất nhiều người tham gia giao thông chưa ý thức được việc người đi bộ thuộc đối tượng cần ưu tiên, khi điều khiển phương tiện thấy biển báo, vạch kẻ đường dành riêng cho người đi bộ cần quan sát, giảm tốc độ và nhường đường để người đi bộ di chuyển qua đường đảm bảo an toàn.
Một mặt khác đến từ chính ý thức của những người đi bộ khi họ cũng chưa nắm rõ được quy định di chuyển trên vạch kẻ đường. Hình ảnh một người phụ nữ nhanh chóng chạy qua đường, tránh các phương tiện khác đang di chuyển dù đã đi trên phần đường dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, đèn báo tín hiệu tại điểm sang đường này vẫn đang hiển thị màu đỏ, và người đi bộ vẫn chưa được phép di chuyển.
Ghi nhận trên phố Trần Kim Xuyến (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), thường xuyên xảy ra tình trạng lái xe đỗ xe sát vỉa hè chắn ngang vạch sang đường của người đi bộ.
Tình trạng này diễn ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm, thậm chí có thời điểm nhiều xe chặn gần hết các vạch sang đường tại một ngã tư. Người đi bộ qua đường buộc phải xuống lòng đường ngoài vạch sang đường để sang bên kia vỉa hè.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam tại mỗi tuyến đường thường được quy hoạch có riêng phần vỉa hè dành cho người đi bộ, tuy nhiên rất nhiều khu vực vỉa hè đã bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.
Đã từ lâu, người ta không còn hình dung ra vỉa hè trên con phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm) khi dãy phố này được các nhà mặt phố bày biện các sản phẩm hàng hóa kinh doanh kín hết vỉa hè.
Phía dưới là phố Tạ Hiện cũng chung tình trạng bịt kín lối đi trên vỉa hè nhưng phần lớn là các hộ kinh doanh, cửa hàng sử dụng vỉa hè làm nơi để xe.
Cô Xuyên (Hoài Đức) thường xuyên di chuyển trên đường Đê La Thành cho biết, đa phần các cửa hàng ở khu vực này đều kinh doanh lấn hết phần vỉa hè khiến mọi người phải đi xuống lòng đường. Đường Đê La Thành cũng là một trong những điểm tắc vào mỗi giờ cao điểm nên việc người dân không có chỗ đi riêng, tràn xuống lòng đường thực sự tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.