Người dân nô nức đi lễ chùa ngay sau thời khắc giao thừa
(Dân trí) - Ngay sau thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân lại nô nức đến chùa lễ Phật, cầu mọi sự an lành trong năm mới và hái lộc đầu năm.
Khác với năm ngoái, năm nay không khí lễ phật đầu năm tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM) có phần tĩnh lặng hơn do lượng khách đến đây vừa phải. Một số phật tử bảo nhau, có lẽ do năm nay mọi người làm ăn được nên về quê đón tết.
Nụ cười rạng rỡ của con gái khi được bố bế lên gióng chuông
Ca sĩ Quang Hà cũng lễ Phật đầu năm cùng gia đình
Ngay sau thời khắc giao thừa, mãn nhãn với màn trình diễn pháo hoa mừng Tết Mậu Tuất 2018 tại Quảng trường sông Hoài (Hội An, Quảng Nam), người dân phố cổ cũng nô nức lên chùa xin lộc đầu năm, cầu mong may mắn, bình an, hạnh phúc.
Chùa Pháp Bảo ở trung tâm thành phố, dòng người đi lễ chùa đông đúc. Ai ai cũng thành tâm lễ Phật cầu an và gửi gắm những ước nguyện trong năm mới vừa sang.
“Giao thừa là lúc trời đất giao hoa thiêng liêng nên lễ chùa trong thời khắc này, tôi mong ước nguyện của mình được ơn trên chứng giám. Năm mới không mong gì hơn được mạnh khỏe, bình an, công việc làm ăn nhiều may mắn”- Chị Nguyễn Thị Minh (người dân Tp. Hội An) chia sẻ.
Sau khi viếng cảnh chùa, mọi người lại mua những cây trầu được bán trước cổng chùa để đem lộc về nhà.
Bạn Trần Quỳnh Hoa đang cùng mẹ chọn lựa những nhánh trầu tươi nhất mang về nhà chia sẻ: “Phong tục ở đây ngay đầu năm mới là mình phải mua cái lộc đầu năm là một nhành trầu và một gói muối để cầu chúc cho năm mới được sung túc, an vui”.
Du khách nước ngoài rất thích thú với phong tục truyền thống của người Việt Nam. Nhiều du khách theo đạo Phật cũng đã đến đây cầu nguyện may mắn, bình an…
Người dân Đà Nẵng đi lễ chùa, hái lộc
Ghi nhận của PV Dân trí tại chùa Pháp Lâm - chùa Thành Hội Đà Nẵng, từ sáng sớm mùng 1 Tết, rất nhiều người dân đã diện đồ đẹp cùng gia đình, bạn bè lễ chùa cầu an, hái lộc. Năm mới, nhà chùa trang hoàng rực rỡ và bày cây lộc để mọi người hái điều may với những câu chúc tốt đẹp ngày đầu xuân trong những phong bao đỏ. Nhiều người dân cũng giữ tục lệ địa phương, mua trầu muối sau khi lễ chùa với ước nguyện một năm mới phát tài phát lộc.
Nhiều người giữ tục lệ địa phương, mua trầu muối trong ngày đầu năm mới sau khi lễ chùa
Chị Nguyễn Hoài An (nhà ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, sáng mùng 1 Tết là cả nhà đi lễ chùa cầu an. Mỗi người đều mong cho mình và người thân một năm mới dồi dào sức khỏe, an lành. Đó là mong ước trước tiên nhất. Nên nhận lộc chùa là những lời chúc đẹp trong ngày đầu năm mới, cảm thấy an yên, đầy hy vọng. Lễ chùa xong, gia đình sẽ về quê trong Quảng Nam để viếng mộ tổ tiên và thăm, chúc Tết ông bà của các cháu”
Đi lễ chùa và hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Vào thời khắc giao thừa và ngày Tết, người dân có tục lệ đi hái lộc đầu xuân và đến đình chùa xin lộc.
"Lộc" có thể hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ hai là bổng lộc. Lộc trong câu "hái lộc đầu xuân" là một mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, nách lá. Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, tương lai xán lạn và lâu dài đang chờ ở phía trước.
Phạm Nguyễn - C.Bính - N.Linh - Khánh Hiền