1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người đàn ông đặc biệt trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở Hà Tĩnh

(Dân trí) - Khi vụ cháy rừng kinh hoàng tại Hà Tĩnh đã kết thúc, người dân nơi đây vẫn còn nhắc mãi về một người đàn ông rất đặc biệt. Đó là người đã chạy xe hơn 12km, vượt núi băng rừng để dập lửa. Đó là người khi bị cưa cắt vào chân, liền lập tức xé áo băng chân cầm máu để tiếp tục lao vào cứu rừng...

Dùng cưa máy tạo hàng trăm mét đường băng cản lửa

"Người hùng" đó là ông Đậu Văn Tiến (SN 1966, trú tại thôn 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Chúng tôi gặp ông Tiến khi ông đang tranh thủ nghỉ ngơi tại nhà sau nhiều đêm thức trắng cứu rừng. Trong cuộc trò chuyện, ông Tiến luôn né tránh, không muốn nhắc lại hành động của mình. Ông bảo, chuyện cũng bình thường, bất kỳ người dân nào cũng làm như vậy.

Người đàn ông đặc biệt trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở Hà Tĩnh - 1

Ông Đậu Văn Tiến - người góp phần không nhỏ trong việc khống chế đám cháy rừng tại huyện Nghi Xuân kéo dài suốt 3 ngày.

Ông Tiến cũng là một trong những người dân có mặt sớm nhất tại các điểm cháy. Ông kể, vào khoảng 13h ngày 28/6, ông nhận được cuộc gọi từ một thuê bao lạ nhờ lên khu vực rừng thuộc thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân) dập lửa. Vừa nghe tin, ông Tiến vội khoác chiếc áo bảo hộ, cầm theo cưa máy chạy 12km lên khu vực cháy. Từ xa thấy khói bốc cao nghi ngút, ông Tiến vội vứt xe ngay nghĩa trang rồi bám cây leo dốc đi lên.

Sau khi phán đoán hướng cháy, ông và các chiến sĩ, bộ đội đang làm nhiệm vụ tại đây quyết định tạo đường băng ngăn đám cháy. Là người sử dụng cưa máy thành thạo, ông Tiến xung phong đi trước để cưa những cây lớn, các cây tạp, còn các chiến sĩ đi phía sau dọn dẹp thông thoáng cây để ngăn cách đám cháy.

Người đàn ông đặc biệt trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở Hà Tĩnh - 2

Trong 3 ngày ông đã cưa hàng nghìn cây gỗ để mở đường băng cản lửa khống chế đám cháy

“Cưa xăng không phải ai cũng có thể sử dụng thành thạo. Thêm nữa, phải biết hướng cưa sao cho đảm bảo an toàn cho người xung quanh.  Đặc biệt, trong suốt quá trình làm việc, các cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội… giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Nếu không có họ đi sau vừa dọn dẹp cây cối, bạt các cây bụi, thực bì… thì mình tôi không thể tạo ra đường băng đó. Việc tạo đường băng này nhằm ngăn lửa, khống chế đám cháy vì thời điểm này không thể  sử dụng biện pháp nào hiệu quả hơn”, ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm.

Đến gần 23h đêm 28/6, khi đám cháy đầu tiên cơ bản được khống chế, ông chỉ kịp uống ngụm nước rồi ngả lưng ngay trên đường băng vừa tạo ra để chợp mắt một lúc. Lúc này, mọi người mới chia nhau một chút thức ăn. Nhưng suất cơm ông chưa kịp ăn thì đến 3h sáng 29/6, lửa bùng cháy lại, ông cùng các lực lượng lại hối hả tiếp tục công việc.

“Lúc đó, cứ thấy cháy là tôi lại nóng ruột chẳng biết bụng có đói không nữa. Không chỉ riêng tôi mà mọi người tại đây tuy mệt rã rời nhưng có lệnh tất cả đều như một chiếc công tắc, sẵn sàng làm nhiệm vụ”, ông cho hay.

Người đàn ông đặc biệt trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở Hà Tĩnh - 3

"Mỗi lần cưa cây là mỗi lần đau, vì mất cả mấy chục năm mới có được những cây này. Nhưng phải cưa để tạo đường băng cản lửa nếu không hậu quả còn lớn hơn nữa", ông Tiến xót xa chỉ vào một gốc cây rừng đã bị cưa sát gốc và ám khói đen.

Đến gần sáng ngày 29/6, khi đám cháy thứ 2 được dập, ông Tiến mới tranh thủ xuống một quán bên đường ăn vội suất cơm hộp. Nhưng chỉ vừa được vài thìa cơm, chuông điện thoại lại đổ, lúc này ngọn lửa bùng phát tại khu vực rừng tại thôn 7, thôn 8, xã Xuân Hồng.

Nuốt vội miếng cơm, ông Tiến xin thêm ít trái chanh và nhúm muối cầm cưa đến điểm cháy. Nói về hành động lạ của mình, ông cười: “Thực ra mục đích chính tôi xuống quán cơm chỉ để xin chanh. Kinh nghiệm của tôi khi dập lửa mà uống nhiều nước rất dễ mệt lả. Tôi chỉ ăn vài lát chanh và ít hạt muối để bù nước”.

Ròng rã suốt 3 ngày trắng đêm với giặc lửa, một mình ông đã dùng cưa máy cưa hàng ngàn gốc cây, tạo được hàng trăm mét đường băng cản lửa. Chính nhờ phương pháp này mà trong những ngày liên tiếp xảy ra cháy rừng, trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Bị cưa cắt vào chân, xé áo cầm máu rồi tiếp tục dập lửa

Sau gần 3 ngày ăn ngủ trên rừng, ông Tiến chỉ về nhà khi đám cháy thứ 5 tại thị trấn Xuân An đã được khống chế. Đó cũng là đám cháy cuối cùng bùng phát tại huyện Nghi Xuân.

Sau 3 ngày dập lửa, đôi chân của ông phải bước những bước tập tễnh vì đau nhức. Suốt những ngày qua ông Tiến cũng không nhớ đôi chân này đã phải đi bộ bao nhiêu km, lội qua bao nhiêu dốc rừng. Ông chỉ nhớ hễ thấy nơi nào còn cháy là ông lại lao đến dùng cưa máy xẻ những gốc cây to, bạt các tán cây bụi nhỏ, để bộ đội đi sau dọn dẹp tạo thành đường băng căn lửa ngăn cách đám cháy.

Người đàn ông đặc biệt trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở Hà Tĩnh - 4

Ngón tay út bị thương trong lúc dập lửa

Ngón tay út ở bàn tay trái của ông cũng bị cưa máy làm bị thương. Nhưng vết thương nghiêm trọng nhất là vết thương ở đùi trái. “Lúc đó tôi đang cưa cây thì phần xích bị đứt cắt vào chân. Vết cắt dài khoảng 7-8 cm nhưng khá sâu khiến máu chảy đầm đìa. Tôi vội xé túi áo, một anh bộ đội  đưa cho tôi một chiếc khăn để buộc tạm lại. Cầm máu xong tôi lại nối xích tiếp tục cưa vì sợ chậm chút nữa lửa bén đến càng nguy hiểm”, ông Tiến kể lại.

Điều đặc biệt, đây không phải là lần đi ứng cứu cháy rừng duy nhất của ông. Chỉ cách đây ít ngày ông vừa đi dập lửa tại khu vực rừng xã Xuân Phổ.

Người đàn ông đặc biệt trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở Hà Tĩnh - 5

Với ông Tiến, để cứu được rừng thì vài vết thương nhỏ này không là gì.

Nói về hành động đầy trách nhiệm, đang biểu dương của ông Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân - ông Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ: “Trong những ngày qua, chúng tôi đã huy động hơn 2.000 người là cán bộ, chiến sĩ, bộ đội… tham gia chống cháy rừng. Ngoài các lực lượng làm nhiệm vụ còn có những người có tấm lòng quả cảm như ông Tiến. Ông đã cắt cây mở đường để giúp các đơn vị lực lượng có điều kiện khống chế đám cháy”.

Điều trân quý, sau vụ cháy, nhiều người dân, chính quyền mong muốn gửi một chút quà động viên nhưng ông Tiến đều từ chối. Chính vì hành động đẹp của ông mà trong nhiều ngày qua, nhiều người vẫn gọi ông là “người hùng trong bão lửa”.

Khi nhắc đến "danh hiệu" này ông xua tay: “Hàng nhìn người cùng dập lửa không riêng gì tôi cả. Tôi chỉ làm việc mà bản thân tôi thấy nên làm và muốn là tấm gương cho các con thôi. Chỉ làm người hùng của các con là đủ rồi”.

Được biết, ông Tiến có 4 người con. Sau khi biết bố tích cực tham gia chữa cháy rừng, các con ông đều gọi điện về động viên và tự hào vì việc làm của ông.

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm