1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Long An:

Người dân mất ăn mất ngủ vì cá sấu khổng lồ xuất hiện trên sông

Toàn bộ khu vực, hiện cũng không có hộ gia đình nào nuôi cá sấu làm kinh tế. Bởi vậy, khi một con cá sấu dài 4m, nặng khoảng 70kg nổi lên giữa sông Soài Rạp, lởn vởn đâu đó khắp vùng kênh rạch chằng chịt này, hàng ngàn người dân khu vực không khỏi lo lắng đến cực độ.

Hàng chục năm qua, cá sấu tự nhiên tưởng như đã “tuyệt chủng” tại khu vực huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Toàn bộ khu vực, hiện cũng không có hộ gia đình nào nuôi cá sấu làm kinh tế. Bởi vậy, khi một con cá sấu dài 4m, nặng khoảng 70kg nổi lên giữa sông Soài Rạp, lởn vởn đâu đó khắp vùng kênh rạch chằng chịt này, hàng ngàn người dân khu vực không khỏi lo lắng đến cực độ.

Xuất hiện chớp nhoáng rồi... mất tích

Khu vực cảng Tân Tập, nơi “quái thú” xuất hiện
Khu vực cảng Tân Tập, nơi “quái thú” xuất hiện

Trở lại địa phương, chúng tôi ghi nhận thấy loa truyền thanh của xã Tân Tập liên tục phát đi phát lại những nội dung cảnh báo người dân về sự xuất hiện cá sấu trên sông Soài Rạp. Theo đó, hiện trường ghi nhận sự xuất hiện của cá thể trên là khu vực cảng Tân Tập (huyện Cần Giuộc). Mỗi buổi chiều, lại có cả trăm người dân hiếu kỳ đổ về đây, dõi theo cơ quan chức năng “săn lùng” con vật hung dữ.

Trao đổi với PV báo GĐ&XH Cuối tuần, ông Nguyễn Hoài Thanh (Chủ tịch UBND xã Tân Tập) xác nhận: Sáng 18/4, bảo vệ khu vực cảng Tân Tập phát hiện ra con cá sấu trên khi nó bơi vào gần bờ. Ngay sau đó, thông tin vụ việc được báo cho cơ quan chức năng. Sự xuất hiện cá sấu trên sông Soài Rạp khiến dư luận địa phương chú ý. Hàng nghìn người đã đổ về bờ sông. Từ 7h sáng tới 11h trưa, con cá sấu liên tục bơi lởn vởn trên sông Soài Rạp, quanh khu vực cảng. “Cá thể này dài khoảng 4 mét, nặng khoảng 50- 70kg. Thời điểm chúng tôi có mặt, con cá sấu đã bơi xa bờ nên chưa đủ cơ sở để nhận định con cá sấu trên thuộc loài nào”, ông Thanh cho biết.

Tại thời điểm đó, Công an huyện, Chi cục kiểm lâm, Chi cục thủy sản và Công an xã cùng người dân đã vào cuộc truy bắt con cá sấu nhưng bất thành. Hai lần dùng lưới cào và xung điện vây bắt, đưa được cá thể này vào gần bờ thì nó lại phá được lưới, bơi ngược trở lại dòng sông. Lúc này, công an huyện đề xuất phương án sử dụng súng để khống chế cá sấu nhưng không được cho phép.

Đến trưa ngày 21/4, ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An xác nhận, vẫn chưa tìm bắt được con cá sấu trên. Ông Hoàng cũng thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra khuyến cáo cho người dân địa phương, nếu phát hiện con cá sấu này thì nên báo ngay cho lực lượng địa phương để phối hợp vây bắt, chứ không nên tự ý vây bắt có thể dẫn đến nguy hiểm, vì con cá sấu này có khả năng gây thương tích cho con người. Trong khi đó, ông Phạm Minh Tâm - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc cho hay, sau khi bị lực lượng chức năng tiến hành vây bắt, từ trưa ngày 18/4 đến thời điểm này, con cá sấu đã biến mất, không còn xuất hiện tại địa phương.

Đã bơi đi nơi khác?

Ông Tư Thắm trao đổi với người viết
Ông Tư Thắm trao đổi với người viết

Cũng theo ông Thanh, trong hoàn cảnh hiện tại, giải pháp duy nhất của chính quyền địa phương là cảnh báo và giám sát. Khi nào lược lượng chứng năng và người dân phát hiện thì mới có phương án cụ thể vây bắt. Thực tế, cá sấu là loại động vật hung dữ, việc một cá thể có có trọng lượng lớn như trên sống ngoài tự nhiên là điều vô cùng nguy hiểm với con người.

Như chúng tôi đã nói ở trên, địa hình xã Tân Tập giống như một bán đảo. Người dân mưu sinh chủ yếu bằng nuôi thủy sản và đánh bắt cá trên sông. Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân ấp Vĩnh Hòa (khu vực xuất hiện cá sấu –PV) đang sống trong tâm trạng hoang mang lo lắng. “Bữa con cá sấu xuất hiện, tôi cũng đi coi. Nó to và khỏe lắm, cơ quan chức năng dùng máy lưới cào cá có mã lực lớn, kèm theo cả xung điện nhưng cũng không khống chế được nó. Giờ không biết con cái sấu này đã bơi đi đâu, ai dám chắc nó không bơi vào những kênh mương trong ấp. Như nhà tôi đây, ba mặt là sông nước, tôi cấm trẻ con không được xuống sông tắm. Còn vợ chồng tôi cũng không đi kéo cá, tạm thời kiếm việc khác mưu sinh, đợi thời gian tới xem tình hình thế nào”, chị Tư Hà (người địa phương – PV) cho biết.

Những ngày này, ông Hai Diễn, Trưởng ấp Vĩnh Hòa, phải tạm gác công việc để đi tuần tra địa bàn mình quản lý. “Trong điều kiện tự nhiên, cá sấu thích sống ở các vùng nước chảy chậm như đầm, sông và hồ. Trong khi đó, nước sông Soài Rạp chạy xiết nên không ngoại trừ khả năng con quái thú đã bơi vào những kênh rạch trong ấp. Chỉ khi nào bắt được nó, người dân chúng tôi mới yên tâm”. Ông Hai Diễm tỏ ra lo lắng.

Được biết, trước đây vùng Tân Tập từng là thủ phủ của cá sấu tự nhiên. Cũng vì quá nhiều cá sấu, người dân địa phương còn đặt tên của nó cho một con rạch cách cảnh Tân Tập không xa. Do nhiều nguyên nhân, giờ đây loài cá sấu tự nhiên đã “tuyệt chúng” tại địa phương này. Vì vậy dư luận cho rằng, con cá sấu xuất hiện trên sông Soài Rạp là do người dân nuôi nhốt bị sổng chuồng, và nhiều khả năng nó từ nơi khác tới. Bởi khu huyện Cần Giuộc không có hộ dân nào nuôi cá sấu làm kinh tế. “Đây không phải là cá sấu tự nhiên, chỉ có cá nuôi mới dạn dĩ như vậy. Dù rất nhiều người đứng xem trên bờ và khi bị cơ quan chức năng vây bắt, nó vẫn bởi lởn vởn trên sông cả buổi như vậy”, ông Tư Thắm, người dân địa phương cho biết. Trong khi đó, ông Hai Diễn cho rằng, nhiều khả năng con cá sấu này được nuôi nhốt ở huyện Cần Giờ (TP. HCM). “Từ Tân Tập và huyện Cần Giờ chỉ cách nhau một đoạn sông. Khu vực huyện Cần Giờ có rất nhiều người nuôi cá sấu. Theo tôi được biết, trước đây nơi này từng có tiền lệ cá sấu sổng chuồng”, ông Diễm cho biết.

Tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi, vào thời điểm này, khu vực huyện Cần Giờ chưa ghi nhận thông tin cá sấu bị sổng chuồng. Do vậy, nhiều khả năng con cá sấu này sổng chuồng từ trước đó rất lâu. Hiện tại, con cá sấu xuất hiện trên sông Soài Rạp thuộc loại gì, hành tung ra sao vẫn là một bí ẩn. Theo một thông tin quan trọng chúng tôi thu thập được, một số nhân chứng đầu tiên cho biết đầu con cá sấu này khá lớn, có màu vàng nhạt, mang những sọc, chấm trên thân và đuôi.

Hơn nữa, khu vực sông Soài Rạp và toàn bộ vùng nước tại xã Tân Tập là nước mặn, do vậy chắc chắn con cá sấu này thuộc loài cá sấu nước mặn. Tra cứu thông tin, chúng tôi được biết, nhiều khả năng con quái thú này là cá sấu hoa cà (hay còn gọi là cá sấu cửa sông). Đây là một loài động vật thông minh và có hành vi phức tạp và hung dữ. Loài cá sấu này có khả năng chịu được nước mặn và thường sống ở vùng ven biển hoặc quanh các cửa sông.

Theo tập tính loài, cá sấu thường chọn một nơi làm lãnh địa riêng. Nhưng nhiều người am hiểu về cá sấu cho rằng, con quái thú này không còn trú ở khu vực cảnh Tân Tập, bởi vùng này nước chảy xiết, nhiều tàu thuyền đi lại. Do vậy, con cá sấu này sẽ tìm một nơi yên tĩnh để “an cư”. Dù cá thể này chưa gây ra bất cứ nguy hại nào cho người dân, nhưng sự xuất hiện bí ẩn của nó khiến không ít người dân mất ăn mất ngủ.

Ông Nguyễn Hoài Thanh (Chủ tịch UBND xã Tân Tập) cũng cho biết, trong ngày 21/4, lượng lượng công an xã, và dân quân địa phương vẫn tiến hành truy tìm con thú dữ trên. Bán kính được mở rộng ra thêm 3km, vào tận các con kênh rạch nhỏ chằng chịt dẫn ra sông Soài Rạp nhưng đều không có kết quả. Cùng quan điểm với ông Hoàng, ông Thanh cũng nhận định: “Với trọng lượng như vậy, con cá sấu hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho con người. Trong khi đó, địa phận xã Tân Tập nằm gần cửa biển, hệ thống sông ngòi, kênh mương dày đặc. Hơn nữa, hạ nguồn sông Soài Rạp lại nối với hệ thống sông Nhà Bè, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây nên việc truy lùng con quái thú này vô cùng khó khăn”.

Theo Thừa Vũ

Gia đình & Xã hội