“Người dân không nên vội vàng bán nhà sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông”
(Dân trí) - Đó là lời khuyên của TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trước việc nhiều người dân sinh sống quanh nhà máy Rạng Đông treo biển rao bán nhà.
- Phóng viên: Trên Facebook cá nhân của mình, ông vừa khuyên người dân phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sinh sống gần nhà máy Rạng Đông không nên quá lo lắng mà vội vàng rao bán nhà cửa. Ông có thể giải thích thêm việc này?
- TS Hoàng Dương Tùng: Tôi thấy người dân ở đó đang lo lắng quá mức, nhiều người rao bán nhà cửa, đóng cửa hiệu kinh doanh và hôm qua đã có hơn 200 cháu học sinh được bố mẹ cho nghỉ học.
Tôi hiểu việc đó. Ai ở trong hoàn cảnh đó cũng lo lắng cả, bởi thông tin về ô nhiễm cứ lúc thế này, lúc thế nọ.
Việc người dân hiểu biết về nguy cơ ô nhiễm môi trường là cần thiết, nhưng bán nhà bán cửa lúc này là không nên. Tôi cho rằng cơ quan nhà nước ngay bây giờ phải tuyên truyền thế nào đó để người dân biết rõ ngưỡng môi trường đang ở mức nào, giúp người dân dần dần trở lại cuộc sống bình thường.
Những tuyên bố gây hiểu nhầm thì bây giờ phải có cơ quan đứng lên nói lại cho rõ. Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) đã đưa ra ý kiến của mình rồi. Binh chủng Hoá học tiêu độc là thực hiện trong khuôn viên vụ cháy, còn bên ngoài nhà máy thì đã có kết quả đo, quan trắc cho thấy đều nằm trong ngưỡng cả rồi.
Tôi cho rằng ngay bây giờ phải làm sao an dân, đừng để người dân hoang mang quá, giờ mà bán nhà bán cửa thì sự cố chồng chất sự cố. Người ta đã bị ảnh hưởng rồi, giờ lại hoảng loạn thì càng trầm trọng thêm tình hình thực tế.
- Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/9, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty Rạng Đông và nhà kho bị cháy, giá trị thủy ngân cao vượt ngưỡng từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người). Nhưng sau đó 2 ngày, Tổng cục Môi trường lại ra thông báo chỉ có 1 mẫu không khí có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN 06:2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh là 1,02 lần; so sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) thì hàm lượng thuỷ ngân chỉ vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo ông, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm có đính chính thông tin về giá trị thuỷ ngân sau vụ cháy?
- Đúng thế. Tổng cục Môi trường đã ra thông báo, đưa lên website, đã bỏ thông tin cao cấp 10-30 lần rồi nhưng tôi nghĩ rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nói lại cho rõ, mặc dù đã đính chính rồi. Từ đó phương tiện thông tin đại chúng cũng phải thông tin lại cho rõ việc này, bởi quan trắc nồng độ bao nhiêu chỉ có 1 giá trị mà thôi. Ở đây có thể so sánh chưa đúng.
Đại diện WHO cũng đã nói lại rồi, về mặt khoa học thì an toàn. Bộ phải ra thông báo về việc sửa thông tin đó để thông tin với người dân đúng mức.
Ý kiến của tôi là phải làm sao cho người dân ở đó nhận thức bình tĩnh trở lại, nhận thức cho đúng, đừng thái quá, lo lắng thái quá mà bán nhà bán cửa thì rất thiệt hại.
Tổng cục Môi trường cần sớm đính chính thông tin về giá trị thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông ?.
- Qua các thông tin mà Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố những ngày qua, ông đánh giá như thế nào về khả năng ô nhiễm không khí ở khu vực quanh nhà máy Rạng Đông?
- Phải nhìn vào bản chất vấn đề. Lúc cháy thì nguy cơ ô nhiễm cao, nhưng thuỷ ngân có đặc điểm là bay hơi rất nhanh. Lúc cháy bốc lên rất nhanh, bốc lên không khí sẽ lan toả. Nhưng ngay sau đó lại có mưa nhiều và gió lớn. Người ta đã đo lại thì thấy nhiệt độ an toàn. Về mặt khoa học người ta đã nói chuyện đó rồi.
Tổng cục Môi trường cũng đã dùng công nghệ hiện đại, “bẫy vàng” của Nhật Bản để làm; chỉ là thông tin gây hiểu nhầm với tiêu chuẩn mà WHO đưa ra thôi.
Người dân thấy cán bộ Bộ Tư lệnh hoá học đeo mặt nạ vào chỗ cháy, nhưng cần phải thấy rằng người ta làm thế là cần thiết, bởi người ta đang làm trong khuôn viên chỗ cháy - chỗ ấy phải xử lý theo quy trình xử lý chất thải nguy hại, rồi phải gom tro đưa vào container là cần thiết.
- Ông có nhận thấy sự lúng túng của cơ quan chức năng trong việc đưa ra thông tin chính xác, kịp thời, khoa học về mức độ ô nhiễm môi trường trong sự việc này?
- Người ta đã nói tới cụm từ khủng hoảng truyền thông. Qua việc này mới thấy xử lý ô nhiễm hoá chất không đơn giản chút nào cả. Có những biện pháp phải làm ngay như khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình. Rồi chuyện ai phát ngôn, phát ngôn lúc nào là cần thiết.
Có cấp mới nhận kết quả quan trắc, chưa có kết luận chính thức đã phát ngôn ra, nên mới thấy sự lúng túng trong thông tin vụ việc.
Bây giờ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rồi, UBND TP Hà Nội chủ trì trong việc cung cấp thông tin. Tôi nghĩ sắp tới họ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm.
Trong bất kỳ sự cố môi trường nào phải có kế hoạch cụ thể, còn nếu cứ tiếp tục như vừa rồi thì không ổn.
- Xin cảm ơn ông !
Thế Kha (thực hiện)