Lãng phí xây dựng cơ bản nhìn từ trận lụt Hà Nội

(Dân trí) - Từ trận lụt lịch sử của Hà Nội, các đại biểu “quy lỗi” cho tư duy quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách. Đã lần thứ 2 thực hiện giám sát tối cao về lĩnh vực này, QH vẫn “bó tay” với ẩn số... lãng phí, tiêu cực.

Kém hiệu quả, lãng phí và tiêu cực vẫn là những vấn đề không “thoát” được khi QH mổ xẻ lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước trong phiên thảo luận tại hội trường cả ngày hôm qua 5/11.

“Hội chứng” nhà máy, cảng biển, sân bay…

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh chỉ ra, vốn ngân sách nhà nước dành cho xây dựng cơ bản mỗi năm khoảng 6 - 7 tỷ USD, rất nhỏ so với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hạ tầng.

Nhưng khâu phân bổ vốn vì “cái gì cũng muốn” nên số tiền dàn đều cho hơn 30.000 dự án lớn nhỏ, đại biểu Lĩnh kết luận, rất khó có hiệu quả và chấm dứt tình trạng lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh “nã” tiếp với câu chuyện "hội chứng" nhà máy đường, nhà máy bia, xi măng, khu công nghiệp… chỗ nào cũng cảng, chỗ nào cũng sân bay trong khi tiền nong thì có ít.

Ông Thanh cảnh báo, sắp tới sẽ có "hội chứng" nhà máy thép và nhà máy đóng tàu, mà nếu bố trí không hợp lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, thế hệ con, cháu phải trả giá đắt khi không tốt qui hoạch.

Số dự án chậm tiến độ năm sau nhiều hơn năm trước: 2005 có 2.280 dự án chiếm 9,2%; 2006 là 3.593 dự án chiếm 13,1%; 2007 là 3.997 dự án chiếm 13,9%.

 

Vốn xây dựng cơ bản phân bổ manh mún, dàn trải. Năm 2008, số vốn bố trí cho các địa phương 56.791 tỷ đồng và rải rác ở 13.888 dự án, bình quân mỗi dự án tương đương 4,1 tỷ đồng.

Vấn đề được chuyển qua nỗi buồn… muôn thủa - lãng phí do quy hoạch. Tình trạng xây cầu xong không có đường, thậm chí qua cầu xuống ruộng, hay ngược lại, làm đường mà không đầu tư làm cầu, làm cầu mà không làm 2 mố cầu… được kết lại là tư duy quy hoạch manh mún, lủng củng.

Cứ nhìn trận mưa lụt vừa qua ở Hà Nội là thấy ngay hậu quả của việc thiếu quy hoạch và quy hoạch kém thế nào - đại biểu Nguyễn Viết Lểnh dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên “dấn” thêm nội dung quy hoạch kém về tầm nhìn phát triển đô thị, về trình độ người làm quản lý quy hoạch qua ví dụ này.

Ông Kiên phân tích, đến giờ, Hà Nội vẫn không trả lời được câu hỏi hệ thống thoát nước của thành phố sẽ "căn" theo sông Tô Lịch hay sông Nhuệ. Từ năm 1954, khi giải phóng Thủ đô đến nay, sông Nhuệ được thiết kế là để tưới tiêu cho toàn bộ khu vực Hà Tây cũ, thoát nước từ phía tây sang. Nếu đẩy Hà Nội về phía Tây thì sông Nhuệ sẽ trở thành sông Tô Lịch thứ hai vì gánh thêm trách nhiệm thoát nước cho thành phố.

“Cứ có bầu, cha mẹ ắt phải lo”

Chạm tới vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong quản lý xây dựng cơ bản, đại biểu Nguyễn Viết Lểnh bức xúc cho rằng có sự mập mờ từ khâu thiết kế, quy hoạch.

Theo ông Lểnh, nhiều dự án không muốn công bố bản quy hoạch vì mập mờ thì vừa dễ thay đổi vừa dễ xin - cho. Thế nên cò xây dựng, chạy dự án vẫn là điều kiện cần và đủ.

“Có đồng chí lãnh đạo khá cao mà còn phàn nàn là để chen chân đăng ký gặp một cán bộ nhàng nhàng trong lĩnh vực xây dựng còn kỳ công và phải rất nhẫn nhục” - ông Lểnh "chốt hạ".

 

Lãng phí xây dựng cơ bản nhìn từ trận lụt Hà Nội - 1

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng): “Nạn rút ruột không nằm ở chỗ người ta ăn cắp... mà do nhà thầu móc ngoặc với đơn vị tư vấn thiết kế!”. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

 

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh thì nhìn nhận việc xin - cho là vì các địa phương, đơn vị thích… làm quá khả năng của mình, thế rồi mắc nợ, lại xin cấp trên. Ông Thanh ví tình trạng này giống như việc “cứ lỡ có bầu rồi thì cha mẹ cũng lo thôi”.

“Lỗi” của thất thoát, tiêu cực cũng được ông Thanh truy ráo riết. Theo ông, nạn rút ruột công trịnh không nằm ở chỗ người ta ăn cắp vài cây sắt, mấy bao xi măng mà do nhà thầu móc ngoặc với đơn vị tư vấn thiết kế. Vậy nên, con đường, cây cầu đáng ra chỉ 10 tỷ, có thể vẽ lên thành 15 - 17 tỷ đồng.

Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định chắc như đinh, lỗi không phải vì quy định không chặt. “Chúng ta chặt chẽ đến mức độ quy trình, thủ tục phải mất nhiều năm mới ra được dự án. Và dường như chúng ta càng chặt thì khi kiểm tra thấy lại càng lãng phí, càng tiêu cực” - ông Lịch hài hước.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh tỏ ý tán thành. Ông đặt nghi vấn ở chính khâu thanh, kiểm tra dự án. Riêng dự án đường Hồ Chí Minh triển khai hơn 4 năm thì đã có 38 tháng các đoàn kiểm tra khác nhau đang làm việc nhưng vẫn không ra được nội dung gì.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai thừa nhận, đến giờ này con số thất thoát lãng phí, tham nhũng là bao nhiêu vẫn là một ẩn số, không ai có thể lý giải.

P.Thảo