1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ngãi:

Người dân đảo Lý Sơn lao đao vì nước nhiễm mặn

Quốc Triều

(Dân trí) - Túi nước ngầm bị nước mặn “uy hiếp”, hầu như toàn bộ giếng nước trên đảo Lý Sơn đều nhiễm mặn. Người dân phải mua nước sử dụng dè xẻn vẫn tốn hàng triệu đồng mỗi tháng.

Người dân Lý Sơn lao đao vì nước nhiễm mặn

Nhiều năm qua, giếng nước ở thôn Tây An Vĩnh (huyện Lý Sơn) bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Để có nước sinh hoạt, hơn 1.300 hộ dân phải mua nước lọc về sử dụng.

Anh Nguyễn Văn Hải cho biết, nước lấy từ giếng rất mặn, không thể dùng ăn uống. Dù rất tiết kiệm nhưng tháng nào, gia đình anh cũng phải mất khoảng 600 ngàn đồng mua nước.

Người dân đảo Lý Sơn lao đao vì nước nhiễm mặn - 1

Người dân phải mua nước lọc để ăn uống, các nhu cầu khác phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn.

Hầu hết chỉ mua về để nấu ăn, uống. Đối với các nhu cầu khác, người dân buộc phải lọc nước giếng sử dụng tạm. 

Bà Nguyễn Thị Mở than thở, muốn rửa chén cũng phải rửa bằng nước giếng nhiễm mặn. Sau đó phải rửa lại bằng nước lọc. Thiếu nước khiến mọi sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn.

“Muốn rửa chén cũng phải đi xin nước ở khu vực ít nhiễm mặn, rửa xong là phải rửa lại bằng nước ngọt. Phải tiết kiệm tối đa nên rất bất tiện. Giờ chỉ mong có nước ngọt cho bà con dùng”, bà Mở nói.

Người dân đảo Lý Sơn lao đao vì nước nhiễm mặn - 2

Nước nhiễm mặn khiến nhiều vật dụng của người dân rất mau hư hỏng

Người dân đảo Lý Sơn lao đao vì nước nhiễm mặn - 3

 Nước nhiễm mặn còn khiến nhiều vật dụng của người dân hư hỏng rất nhanh. Phần lớn các thiết bị, các vật dụng kim loại đều gỉ sắt, hư hỏng chỉ sau khoảng 1 năm sử dụng.

“Ở đây nước mặn quá nên máy giặt, tủ lạnh nhà tôi mới hơn 1 năm đã hư rồi. Chậu rửa chén, đồ úp chén bị gỉ sắt hết”, chị Đặng Thị Sinh – thôn Tây An Vĩnh, cho biết.

Khoảng 10 năm trước, vùng trung tâm đảo Lý Sơn nhiễm mặn ở độ sâu 40 - 45 m thì nay chiều sâu gặp nước nhiễm mặn chỉ từ 30 - 35m. Có thời điểm, chiều sâu gặp nước nhiễm mặn chỉ còn dưới 30 m. Trong 5 năm (2012 - 2017), túi nước ngọt trên đảo tụt 5 m, thì từ 2017 đến nay túi nước tụt gần bằng 5 năm trước. Ranh giới nhiễm mặn lấn sâu vào đảo lớn khoảng 2,61 km2.  Đối với đảo Bé, tầng chứa nước khe nứt bị nhiễm mặn toàn bộ khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Riêng mùa khô năm nay, Lý Sơn có trên 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Theo ông Đặng Tấn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, trên địa bàn huyện đã có nhà máy lọc nước. Tuy nhiên, hầu hết giếng khoan đều cạn kiệt hoặc nhiễm mặn nên nhà máy lọc nước không phát huy tác dụng.

“Trước mắt, Huyện đang khảo sát, tìm vị trí khoan giếng mới để cung cấp cho nhà máy lọc nước phục vụ người dân, đồng thời nghiêm cấm việc khoan giếng trái phép lấy nước tưới hành tỏi. Việc khoan giếng quá nhiều là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm của huyện đảo”, ông Thành cho biết.

Về lâu dài, huyện Lý Sơn đề xuất tỉnh hỗ trợ thực hiện 2 phương án cấp nước ngọt bền vững. Đó là đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt hoặc đầu tư hệ thống ống dẫn nước từ đất liền ra đảo.