1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Người dân còn phàn nàn về chất lượng dịch vụ hành chính công

(Dân trí) - Sau 2 năm triển khai sáng kiến “Dân chấm điểm” tại hệ thống hành chính công tỉnh Quảng Trị, chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ công được cải thiện, song vẫn còn nhiều ý kiến phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ, việc giải quyết hồ sơ còn chậm, nhiều trường hợp bị trễ hẹn.

Đánh giá này được đưa ra tại hội nghị tổng kết 2 năm triển khai sáng kiến “Dân chấm điểm M.Score” và công bố kết quả năm 2016, do HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Oxfam tổ chức vào ngày 17/3.

Tổng kết 2 năm triển khai sáng kiến “Dân chấm điểm M.Score”

Sáng kiến “Dân chấm điểm M.Score” là chương trình sử dụng phương pháp khảo sát ý kiến đánh giá của người dân về chất lượng dịch vụ công, được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm các khảo sát cấp quốc gia như PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (khảo sát xã hội trong công tác điều hành thực thi dịch vụ công) và kinh nghiệm quốc tế. Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập cơ chế đơn giản, thuận tiện và hiệu quả để đánh giá chất lượng dịch vụ công tại cấp cơ sở. Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính minh bạch, tạo công cụ giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ công cho các cơ quan Nhà nước và cơ quan dân cử.

Hội thảo đánh giá kết quả 2 năm triển khai sáng kiến Dân chấm điểm
Hội thảo đánh giá kết quả 2 năm triển khai sáng kiến Dân chấm điểm

Được triển khai từ 10/2014, sau hơn 2 năm thực hiện, sáng kiến “Dân chấm điểm M.Score” đã cung cấp giải pháp hữu hiệu cho công tác đánh giá chất lượng dịch vụ công tại Quảng Trị. Tính đến hết năm 2016 đã có gần 18.000 trường hợp người dân được tổng đài Dân chấm điểm tiếp cận khảo sát. Bên cạnh đó, đường dây nóng 1800.8081 hoạt động ổn định, được nhiều người biết đến và tin tưởng hơn trong việc cung cấp thông tin phản ánh.

Sáng kiến “dân chấm điểm M.Score” đã giúp các cơ quan chức năng đã kịp thời ban hành nhiều công văn chỉ đạo giải quyết các trường hợp vướng mắc được phản ánh qua đường dây nóng. Dự án đi vào hoạt động đã trở thành nhân tố thúc đẩy nhiều địa phương kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Bên cạnh đó, thúc đẩy ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận một cửa; từng bước số hóa việc lưu trữ thông tin thay thế cho hoạt động ghi chép thủ công; bố trí công chức chuyên trách thay vì kiêm nhiệm như trước đây.

Từ đó, nâng mức độ hài lòng của người dân từ 7,5 tăng lên 8-8,2 điểm trong năm 2016. Việc thực hiện dự án đã từng bước tác động cộng hưởng làm thay đổi nhận thức, thái độ, trách nhiệm, cải thiện năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan chuyên môn cũng như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại địa phương.

Cán bộ văn phòng một cửa trình bày các khó khăn, bất cập trong việc giải quyết thủ tục hành chính
Cán bộ văn phòng một cửa trình bày các khó khăn, bất cập trong việc giải quyết thủ tục hành chính

Qua đó, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cuối năm 2015 lên 10 bậc so với năm 2014. Dự án đã hỗ trợ đắc lực cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tạo môi trường làm việc hiện đại, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, tổng hợp, theo dõi tình hình giải quyết thủ tục hành chính.

Qua khảo sát cho thấy, tình hình xử lý hồ sơ qua văn phòng 1 cửa còn nhiều tồn tại, đặc biệt có hơn 40% dữ liệu quá hạn. Nguyên nhân chính của việc này do xử lý chậm trễ hoặc có thể xử lý đúng tiến độ nhưng chậm nhập dữ liệu lên hệ thống…

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa tại địa phương
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa tại địa phương

Ông Nguyễn Trí Tuân, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Quảng Trị cho biết, qua 2 năm thực hiện sáng kiến “Dân chấm điểm” đã thúc đẩy việc cải cách hành chính, chất lượng dịch vụ công được cải thiện. Chỉ số CPI của tỉnh Quảng Trị cuối 2015 tăng lên 10 bậc so với 2014, năm 2016 tiếp tục cải thiện 10 bậc, xếp thứ 43.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt tồn tại như thông tin cập nhật còn thiếu chính xác, tỷ lệ giải quyết thủ tục cao song thực tế còn gây nhiều phiền hà cho người dân. Vẫn nhiều ý kiến người dân chưa hài lòng, việc giải quyết và trả lời các kiến nghị phản ánh qua đường dây nóng nhiều thời điểm còn chưa kịp thời; một số người dân vẫn còn nghi ngại về vai trò và mục đích của việc khảo sát nên từ chối tham gia.

Tại hội nghị, đại diện dự án đã cung cấp thông tin về kết quả phân tích, đánh giá dịch vụ công thông qua chỉ số M.Score cấp huyện. Qua đó, trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế để rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong nâng cao hiệu quả công tác hành chính công tại địa phương thời gian tới.

Đăng Đức