1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi

Tiến Thành

(Dân trí) - Dịch tả lợn châu phi đã bùng phát tại 2 huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa khiến người chăn nuôi hết sức lo lắng, họ đang phải căng mình bảo vệ đàn lợn nuôi Tết trước nguy cơ nhiễm dịch.

Bất an vì dịch tả lợn châu Phi

Lo lắng, bất an là cảm giác chung của rất nhiều hộ chăn nuôi lợn tại 2 huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch của tỉnh Quảng Bình vào thời điểm hiện tại, đặc biệt là các hộ nuôi với số lượng lớn bởi 2 địa phương này đã công bố dịch tả lợn châu Phi.

Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi - 1

Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại Quảng Bình.

Theo báo cáo từ Chi Cục chăn nuôi, Thú y tỉnh Quảng Bình, tại địa phương này đã có 35 con lợn bị chết vì dịch tả châu Phi. Các địa phương có dịch cũng đã tiêu hủy những con lợn bị chết, khoanh vùng dịch và cấm tiêu thụ, vận chuyển các sản phẩm từ lợn.

"Nhà làm nông nên cũng nuôi đàn lợn kiếm thêm thu nhập, đàn lợn của gia đình tôi cũng gần đến thời điểm xuất bán rồi những lại bị chết vì dịch. Bao công sức lâu nay với hy vọng có ít tiền chi tiêu dịp Tết giờ mất cả rồi", chị Nguyễn Thị Lai, thôn Thanh Trúc, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa buồn bã.

Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi - 2

Chị Lai buồn bã bên chuồng trại trống không, đàn lợn nuôi bán dịp Tết của chị vừa chết vì dịch tả cách đây mấy ngày.

Không chỉ chị Lai, nhiều người dân khác tại huyện Tuyên Hóa cũng đã bị dịch tả cướp mất đàn lợn tái đàn sau trận lũ lịch sử. Dịch bùng phát không chỉ làm những hộ chăn nuôi có lợn bị chết buồn bã mà còn khiến hàng trăm hộ dân khác bất an. Họ vẫn đang căng mình cùng với chính quyền địa phương để phòng dịch, bảo vệ cho đàn lợn của mình trước nguy cơ của tả lợn châu Phi.

Hiện nay, tại 2 huyện bùng phát dịch là Quảng Trạch và Tuyên Hóa đang có khoảng 60 ngàn con lợn. Trong đó phần lớn đều là lợn người chăn nuôi chờ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán. Dịch xuất hiện không chỉ đe dọa đàn lợn mà còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêu thụ, giá cả trên thị trường.

Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi - 3

Ông Đỗ Thái Bính đang hết sức lo lắng, bất an khi dịch tả lợn châu Phi đang đe dọa đàn lợn hơn 30 con của gia đình ông.

Ông Đỗ Thái Bính, trú xã Tiến Hóa hiện đang nuôi hơn 30 con lợn thịt và lợn nái, theo người đàn ông này, chỉ tầm chưa đầy 1 tháng nữa thì ông sẽ cho xuất chuồng lứa lợn thịt của gia đình. Tuy nhiên vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gia đình ông đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

"Dịch thì chưa biết đến khi nào, giờ gia đình phải cẩn thận hết mức, khử trùng, rắc vôi bảo vệ lợn, nếu bị dịch thì tôi thực sự trắng tay, công sức bỏ sông, bỏ biển cả. Với lại dù lợn của tôi không bị dịch thì cũng rất khó bán, không được giá thời điểm này, nuôi lâu ngày thì rất tốn kém, giờ cũng chỉ biết chờ hết dịch chứ chẳng biết làm như thế nào cả", ông Bính tâm sự.

Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi - 4
Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi - 5

Chính quyền và người dân đang nỗ lực bảo vệ những đàn lợn trước nguy cơ của dịch.

Trao đổi với Dân trí, bà Cao Thị Hải, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, dịch bùng phát vào dịch cuối năm sẽ khiến người chăn nuôi cực kỳ vất vả, bởi nhiều người dân căn thời gian xuất bán vào dịch cận Tết để được giá và dễ tiêu thụ hơn. Bên cạnh đó, người dân Quảng Bình sau lũ lụt chỉ mới kịp tái đàn, đang còn hạn chế thì dịch bệnh xảy ra.

Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi - 6
Người chăn nuôi thấp thỏm khi đàn lợn Tết đối diện nguy cơ dịch tả châu Phi - 7

Cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp chống dịch, ngăn cấm tiêu thụ các sản phẩm từ lợn.

Bà Hải cũng cho hay, tại Quảng Bình hiện có khoảng 213 ngàn con lợn, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của chính quyền và người dân Quảng Bình là nhanh chóng dập dịch và bảo vệ những đàn lợn này, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

"Chi cục đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi, trang trại có nuôi lợn, thực hiện công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường và thu gom các xác chết gia súc để hạn chế dịch bệnh lây lan. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các địa phương để sớm dập dịch", bà Hải nói.