1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Người bưu tá gù cả đời đạp xe đưa “tin”

(Dân trí) - Gần 30 năm, bác bưu tá gù vẫn miệt mài đạp xe chuyển công văn, giấy tờ... đến tận các nhà. Không chỉ đưa “tin”, bác còn đang đặt ra “tiêu chí” cho riêng mình để hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bác bưu tá gù trong ký ức tuổi thơ tôi

Hồi còn bé, cha đi bộ đội biền biệt cả mấy năm trời mới về thăm nhà một lần, lá thư của cha có ý nghĩa vô cùng lớn đối với gia đình tôi. Tôi còn nhớ ngày đó, hàng tháng vẫn đều đặn nhận thư cha từ tay một bác bưu tá gù thường đi xe đạp. Rồi gia đình chuyển đi nơi khác, cha cũng về hưu, tôi đi học, đi làm nên hình ảnh bác bưu tá gù đưa thư đã gần như phai dần trong tâm trí. Đầu năm 2012, tôi vượt con đường lầy lội về thăm quê bỗng gặp lại bác bưu tá đáng kính đang dắt chiếc xe đạp dưới trời mưa đi làm công việc lặng lẽ, có ích cho đời.

Bác Lê Văn Thân sinh ra, lớn lên chẳng được toàn vẹn như những thanh niên khác trong làng, xã. Bác thấp, lại bị gù, đôi tay dài quá cỡ nhưng trời lại bù cho bác trí nhớ, sự cẩn thận, chịu khó, khéo léo hơn người. Năm 1979, khi nhiều thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ thì bác Thân là cán bộ đoàn xuất sắc ở địa phương. Đến năm 1984, bác Thân được xã giao nhiệm vụ làm bưu tá cho địa phương. ''Ngày đó thấy cán bộ địa phương gọi lên bảo, thấy tôi thật thà, cẩn thận, chăm chỉ nên có thể giao nhiệm vụ bưu tá, thông tin. Về nhà bàn với vợ, bán con lợn 70kg được 35 nghìn đồng đi mua xe đạp để bắt đầu công việc với tiền lương 18.000 đồng/tháng''. Bác Thân trải lòng.
 
Người bưu tá gù với chiếc xe đạp gần 30 năm đưa tin
Người bưu tá gù với chiếc xe đạp gần 30 năm đưa tin

 
Công việc của một bưu tá, thông tin xã là hàng ngày có mặt tại UBND đúng 3 giờ chiều, để nhận, sắp xếp giấy tờ, công văn, báo chí, thư từ... từ huyện gửi về, sau đó đi giao tận tay cho cán bộ đoàn thể, cá nhân ở các thôn, xóm. Thêm công việc của cán bộ thông tin -văn hóa xã là phụ trách cắt dán, căng băng rôn, khẩu hiệu mỗi khi địa phương cần.

Xã Đức Sơn nằm bên kia bờ Sông Lam với chiều dài khoảng 20 km, đường sá đi lại còn khó khăn vì thế công việc của bác Thân thường chỉ kết thúc, trở về nhà vào khoảng 8 giờ tối. Với công việc của một bưu tá xã, mỗi ngày bác Thân phải đạp xe không dưới 15 km đường, tính ra mỗi năm bác bưu tá gù đạp xe trên 6.000 km, lớn hơn cả chiều dài đất nước. ''Chú tính thế thì tui cũng thấy sợ, còn tui có để ý mô (đâu), cứ biết hoàn thành công việc thì về nhà thôi. Giờ có điện thoại di động còn đỡ vất vả, chứ trước đây khi đưa công văn quan trọng đến mà họ không ở nhà thì chỉ biết đứng chờ để giao tận tay sau đó mới đi giao tiếp. Nên có những hôm tui phải về muộn lắm! Thời tiết bình thường thì chẳng sao nhưng lúc mưa gió, rét mướt thì vất vả lắm!''. Bác Thân tâm sự.

Người bưu tá già cũng chia sẻ rằng gần 30 năm qua, trong chặng hành trình của mình bên cạnh chiếc xe đạp cũ, chiếc mũ cối, chưa bao giờ bác để quên 2 thứ là túi nilon để bọc tài liệu và chiếc áo mưa cá nhân. Vì theo bác, mình thì có thể ướt nhưng tài liệu thì tuyệt đối không được.  
Nói đến chuyện thu nhập, bác Thân chỉ cười và giải thích: ''Tui làm công việc ni từ khi  lương là 18.000 đồng rồi lên 45.000 đồng/ tháng... đến nay là 415.000 đồng/tháng. Tính thù lao thì bèo bọt lắm, nhưng vẫn làm vì mê nghề, thấy vui vì mang lại niềm vui cho nhiều người thôi. Buổi sáng tôi vẫn ra đồng cày cấy cùng vợ, chiều mới bắt đầu công việc của cán bộ bán chuyên trách xã thôi. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi nào không còn đi được nữa thì thôi. Lúc đó sẽ ''nghỉ hưu'' không lương chú à!''.
Giản dị hưởng ứng cuộc vận động lớn
Gần 30 năm gắn bó với công việc vất vả, mệt nhọc, giờ đây khi ba người con của bác Thân đã trưởng thành, họ luôn ''chỉ thị'' cho người bưu tá già về ''nghỉ hưu''. ''Các con bảo tui cứ về nghỉ, xã trả được bao nhiêu tiền thì chúng nó trả gấp đôi. Nhưng tui không chịu được, không được gặp mọi người, không đạp xe hàng ngày chắc tôi sẽ ốm mất''. Bác Thân tâm sự.
Người bưu tá gù không chỉ là người đưa ''tin'' mà còn rất hiểu tin. Từ khi vào nghề, bác thường giữ cho mình thói quen đến sớm hơn thời gian qui định, đọc qua các tờ báo trước khi đi làm nhiệm vụ. Vì thế mà bác nắm khá chắc các chủ trương lớn về với nhân dân qua công văn, báo chí.
 
Không chỉ là người đưa tin, bác Thân còn hưởng ứng nhiệt tình các cuộc vận động lớn
Không chỉ là người đưa tin, bác Thân còn hưởng ứng nhiệt tình các cuộc vận động lớn
 
''Bác có biết về một cuộc vận động lớn nào đang được tổ chức rộng rãi trong toàn quốc không?''. Tôi hỏi. Bác cười hiền đáp lại: ''Trong mấy năm nay, chúng ta đang triển khai sâu rộng cuộc vận động: ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh''. Điều đó thì ai cũng phải biết chứ!''. Rồi bác nói, mỗi người ở một vị trí công tác, công việc khác nhau thì có thể hưởng ứng cuộc vận động lớn này khác nhau. ''Tui là bưu tá thì luôn răn mình phải nhận, phát công văn, giấy tờ, báo chí, thư từ đến tay người nhận đầy đủ, kịp thời''. Bác Thân quả quyết. Rồi bác giải thích về tiêu chí riêng, đơn giản của mình: ''Đường sá ở đây lầy lội, ai cũng ngại ra đường còn tui gần như ngày nào cũng  ôm công văn, báo chí, thư từ đạp xe hàng chục km, cũng có lúc nản lắm. Nhưng rồi lại nghĩ, biết đâu tài liệu mà mình đang chuyển có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, lỡ không kịp thời thì chết nên lại gắng sức đi tiếp''.
Chia tay chúng tôi, bác bưa tá gù vẫn khẳng định sẽ vẫn đạp xe đưa ''tin'' khi nào trời còn cho sức khỏe không phải vì đồng phụ cấp ít ỏi mà vì muốn được mang niềm vui đến cho mọi người.

 Tuệ Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm