1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Ngủ đêm” bên bờ Hồ chờ đón Đại lễ

(Dân trí) - “Tối nay tôi sẽ ngủ ở Hồ Gươm để đón Đại lễ, nếu không ngủ mai đông người khó mà chen vào trong xem được”, một số người ở tỉnh xa đổ về trung tâm thành phố háo hức chờ đợi sự kiện lịch sử này.

“Ngủ đêm” bên bờ Hồ chờ đón Đại lễ - 1
Phố phường Hà Nội rợp bóng cờ hoa, chờ đón Đại lễ ngàn năm.
 
Chiều nay, Hà Nội rợp cờ tung bay trên mọi góc phố, nẻo đường. Người người tất bật mua sắm những vật dụng để đón Đại lễ. Người Hà Nội, người ở tỉnh xa, du khách nước ngoài cùng đổ ra đường rạo rực chờ đón ngày Đại lễ.

Tại bờ Hồ, cô Nguyễn Thị Na (62 tuổi, ở Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, xóm làng, thôn xã đang rất háo hức chờ đón ngày Đại lễ. Hầu như ai trong thôn cô cũng muốn lên Hà Nội xem lễ diễu binh, diễu hành diễn ra như thế nào. Người muốn đi rất đông nhưng xe ít nên ai may mắn lắm mới bắt được xe lên đây. Theo cô, rất nhiều thanh niên đi xe máy lên Hà Nội xem ngày Đại lễ.

“Chưa bao giờ tôi được xem diễu binh, nên dù xe cộ khó khăn đến mấy cũng phải bắt bằng được xe lên Hà Nội lần này” - cô Na cười tươi.
 
“Ngủ đêm” bên bờ Hồ chờ đón Đại lễ - 2
Cô Na và cả nhà quyết định ngủ đêm bên bờ hồ để đợi lễ diễu binh.

“Có người quen ở Hà Đông mời về ngủ qua đêm rồi sáng mai vào trong nội thành xe lễ diễu binh, nhưng sợ mất chỗ nên 9 người trong gia đình tôi quyết định tối nay thức trắng bên hồ Gươm để chờ ngày Đại lễ, nếu ai buồn ngủ thì ngồi gục luôn bên ghế đá. Chiều nay, mọi người đã chen chân ngắm phố phường Hà Nội thế này thì ngày mai, chắc chắn không còn chỗ len vào bên trong nên tôi chọn cách ngủ luôn tại bờ hồ cho chắc ăn” - cô Na háo hức nói.

Ngồi đầu ngõ 135 Kim Mã, ông Nguyễn Huy Viễn (80 tuổi), đưa ánh mắt xa xăm nhìn cờ tung bay và dòng người qua lại. “Gần 60 năm sống ở Hà Nội có lẽ đây là ngày lễ diễu binh lớn nhất tôi và người dân Thủ đô được chứng kiến. Hôm trước, mới tổng duyệt đã đẹp và lộng lẫy đến thế, chắc ngày mai phải hoành tráng hơn rất nhiều” - ông Viễn phấn khởi.
 
“Ngủ đêm” bên bờ Hồ chờ đón Đại lễ - 3
Hai vợ chồng ông Viễn vui vẻ với kế hoạch ngày Đại lễ.

“Mặc dù chân yếu nhưng mấy ngày diễn ra Đại lễ, ngày nào ông cũng đòi con cháu dìu ra đầu ngõ để tậm mắt xem không khí Đại lễ thế nào. Trước đó gia đình tôi có kế hoạch cho ông ngày diễu binh sẽ cho ông ngồi trên xe lăn đi thăm phố phường nhưng kế hoạch chắc đó chắc không thành vì đường sá lúc đó chắc sẽ chật cứng” - vợ ông Viễn cho hay.

Bà Viễn kể, hôm tổng duyệt dãy phố nhà bà hàng ngàn người xếp hàng chật cứng vỉa hè để được đứng xem diễu binh. “Ngày mai chắc tôi phải đưa ông ra đầu ngõ từ sáng sớm để xí chỗ ngồi cho ông”, bà Viễn “lên kế hoạch” cho hai người.

Trong cửa hàng bán tranh của chị Thơm (số 85A Nguyễn Thái Học) chật cứng người. Phần lớn trong số này là người nhà chị ở Bắc Ninh sang đón Đại lễ. Chị cho biết, từ sáng tới giờ, chị gác mọi công việc buôn bán, kinh doanh để đón người nhà từ bến xe vào và đưa bọn trẻ đi mua sắm máy ảnh, máy quay, cờ, áo để ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng của ngày Đại lễ.
 
“Ngủ đêm” bên bờ Hồ chờ đón Đại lễ - 4
Bầy trẻ nhỏ từ Bắc Ninh “vây kín” cửa hàng nhà chị Thơm.

“Gần 20 đứa cháu họ hàng nhà tôi ở quê lên đây để xem Đại lễ. Cơ hội hiếm có như vậy nên ai cũng muốn tận mắt chứng kiến” - chị Thơm tươi cười.

Trên phố Hàng Bông, các cửa hàng cờ, áo in dòng chữ Kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội hoặc Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không có hàng để bán. Người ra, người vào liên tục. “Không ngờ lại đắt hàng đến vậy. Nhiều nhà không chuẩn bị từ trước nên sản xuất không kịp bán” - một chủ cửa hàng ở đầu Hàng Bông cho biết.
 
“Ngủ đêm” bên bờ Hồ chờ đón Đại lễ - 5
Những món đồ thể hiện tình yêu với Hà Nội “cháy” hàng trước Đại lễ.

Khắp phố phường Hà Nội đã rộn ràng không khí Đại lễ. Trong lòng mỗi người đang trào dâng những cảm xúc hân hoan, náo nức trước sự kiện ngàn năm này.

Phong Nguyên