1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Ngôi nhà của những người khiếm thính

(Dân trí) - “Bread of life” là tên một quán bánh mì nướng kiểu Mỹ nằm trên đường Lê Hồng Phong (Đà Nẵng). Ở đây, nhân viên phục vụ đều là những người khiếm thính trẻ, không may mắn, được nâng đỡ bởi người phụ nữ giàu lòng nhân ái đến từ bên kia địa cầu, bà Kathleen.

Khách, chủ và nhân viên cùng “múa”

 

Cảm giác đầu tiên khi bước vào quán thật khác lạ. Mọi giao tiếp ở đây đều được thực hiện bằng những đôi tay uyển chuyển, mềm mại như những điệu múa.

 

Đội ngũ nhân viên làm việc rất nhanh nhẹn, điêu luyện và để có được điều đó ít ai biết họ đã phải trải qua những ngày tháng tập luyện vất vả.

 

14 nhân viên khiếm thính, mỗi người một công việc và phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Những lúc khách đông, Tâm nấu bếp, Thi làm bánh, Chuẩn và Chương pha trà, cà phê, Sơn cùng Thăng đảm nhận việc bưng bê… Ai cũng hăng hái làm việc, chỉ mấy phút sau, khách đã có thể thưởng thức ly cà phê với mùi vị đặc trưng, món pizza của Mỹ, Ý, Sài Gòn hay hamburger nóng hổi…

 

Mỗi khi khách vào, nhân viên đến chào và hỏi yêu cầu của khách bằng tay, khách dùng đồ xong, ra khỏi quán đều nhận được những cái cúi đầu cảm ơn rất chân thành. Đó chính là điều khiến những vị khách đến đây cảm thấy thoải mái và thú vị. Vì vậy, không chỉ có người nước ngoài mà nhiều người Việt cũng thường xuyên ghé quán.

 

Những nhân viên khiếm thính ở đây hầu hết đều có số phận không may mắn, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Khi đến đây, họ nhận được sự giúp đỡ của bà chủ người Mỹ. Cuộc sống tràn đầy tình cảm và hạnh phúc. “Sống ở đây em rất vui, mọi người đều yêu mến nhau, cô chủ thì rất tốt bụng”, Thi bộc bạch.

 

Bà mẹ Tây

 

Gia đình bà Kathleen (chồng và hai cậu con trai) sinh sống ở Việt Nam đã được 10 năm nay. Mấy năm trước gia đình bà sống ở Hà Nội nhưng qua thời gian tìm hiểu, gia đình bà quyết định chọn Đà Nẵng để “cắm dùi”. Bà biết đến Việt Nam thông qua những dự án về những người khiếm thính của chồng. Hỏi: “Tại sao bà lại chọn Việt Nam làm từ thiện”, bà cười hiền hậu: “Có lẽ Việt Nam đã chọn tôi”.

 

Bà Kathleen cho biết ý tưởng nhà hàng cho trẻ em khiếm thính đã có từ bên Mỹ. Khi bà và chồng sang Việt Nam, bà đã liên hệ với Hội Những người khiếm thính Đà Nẵng và Quảng Nam để giúp đỡ những bạn trẻ không may mắn thông qua việc mở quán “Bread of life”.

 

“Tôi muốn tuyển và đào tạo những người khiếm thính vì họ không có nhiều cơ hội như những người bình thường, nhất là những người ở vùng ngoại tỉnh không có cơ hội để giao tiếp. Họ rất cô đơn. Đến đây làm việc họ vừa có thu nhập lại có bạn để nói chuyện”, bà cho biết.

 

Những người đến với quán bánh mì có người đi cùng người thân, có người thông qua bạn bè cũng có người đến một mình. Hầu như các em đều không biết ký hiệu của những người khiếm thính. Công việc đầu tiên của bà Kathleen, trước khi dạy các em chế biến các món ăn, là dạy các ký hiệu ngôn ngữ.

 

“Những đứa trẻ này học nhanh, học giỏi và có nhiều thứ để học lắm”, bà Kathleen chia sẻ.

 

Làm ở đây, các em không chỉ nuôi được bản thân mình mà mà còn có tiền gửi về nhà giúp đỡ gia đình. Cũng từ đây, nhiều mối duyên, những gia đình nhỏ đã và đang hình thành từ nơi đây.

 

Khánh Hồng