Ngỡ ngàng mũ bảo hiểm
(Dân trí) - Trước và ngay sau 0h tối qua, theo quan sát của phóng viên, số người đội MBH chỉ lác đác. Vậy mà sáng sớm nay, ngày 15/12, chúng tôi ngỡ ngàng thấy mũ bảo hiểm “chạy” khắp nơi, từ phố lớn đến hẻm nhỏ, từ quốc lộ đến đường làng. Những cái đầu không MBH trên xe máy đã trở thành cá biệt.
Hà Nội: “Mỏi mắt” tìm người không đội MBH
Bộ mặt của đường phố Hà Nội dường như đã đổi khác đến “không ngờ” trong ngày đầu tiên thực hiện qui định bắt buộc đội MBH. Theo ước tính của rất nhiều cảnh sát giao thông đứng chốt trên các đoạn đường, tỉ lệ người đi xe máy đội MBH đã đạt 98-99%.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng nghiêm túc "đề xe - đội mũ".
(Ảnh: Phúc Hưng).
Sáng nay, lực lượng CSGT, công các quận, phường đã đồng loạt chốt tại rất nhiều địa điểm của thành phố để giám sát việc thực hiện đội mũ bảo hiểm. Tại Cầu Giấy, một hướng quan trọng vào nội đô, anh Nguyễn Đức Thắng, CSGT đội số 6 cho biết, lực lượng cảnh sát có mặt tại đây từ 6h, nhưng quan hơn một tiếng cũng chỉ xử lí 3 trường hợp vi phạm. Sau khi lập biên bản, xử lí, cảnh sát yêu cầu người vi phạm khắc phục ngay sai phạm. Người điều khiển xe máy đã gọi điện nhờ người thân mang mũ bảo hiểm tới trước khi lên xe đi tiếp.
Tại đầu đường Trần Duy Hưng, nơi tiếp giáp giữa con đường này và đường Nguyễn Khang trong một tiếng đầu tiên cũng đã xử phạt 3 người vi phạm với mức phạt là 150.000đ. Một người vừa bị phạt tại đây là chị Dương Thị Ngát (Ý Yên Nam Định) cho biết, chị chở người nhà ra bến xe buýt và có mang theo mũ, nhưng... không đội.
98-99% người đi xe máy đội MBH (Ảnh: P.Thảo - C.Cường)
Trong thời điểm phóng viên có mặt tại chốt này đã được chứng kiến một trường hợp vi phạm có hành vi chạy chốn. Sau khi bị cảnh sát tuýt còi, người thanh niên này đã phanh lại, đánh tay lái ra xa hướng cảnh sát. Hai cảnh sát rất nhanh chặn đầu chiếc xe, nhưng người điều khiển vẫn ngoan cố “bốc” xe lên thảm có làm giải phân cách. Tuy nhiên, với nỗ lực của hai chiến sĩ, chiếc xe đã không thể chạy thoát.
Càng vào sâu trong nội thành, tỉ lệ đội mũ càng cao hơn so với các tuyến đường bên ngoài. Tại nút giao thông Nguyễn Thái Học - Tôn Đức Thắng, anh Ngô Văn Lương, cảnh sát cơ động tăng cường cho biết, trong hai tiếng đầu tiên có mặt tại đây, cảnh sát mới xử lí 2 trường hợp. Theo anh Lương, có đến 98-99% người đi xe máy đã đội mũ bảo hiểm.
Vẫn có những trường hợp vi phạm hiếm hoi.
(Ảnh: P.Thảo - C.Cường)
Anh Nguyễn Đình Oanh, công an phương Kim Mã, Ba Đình cho biết, từ 6h đến 7h, tại nút Nguyễn Thái Học- Giảng Võ có 5 trường hợp vi phạm bị xử lí. Những người vi phạm đều nói có mũ, nhưng “quên” hôm nay là ngày đội mũ bảo hiểm hoặc “ngại” đội do di chuyển ở cự li gần.
Nhiều nơi không nhận trông MBH
Nhiều bà nội trợ rất vất vả khi đến chợ Thành Công vì bãi giữ xe ở đây không nhận trông MBH. Các bà các chị tay xách nách mang, vừa MBH vừa túi rau, túi đậu…
Hầu hết các điểm trông giữ xe suốt dọc đường Giảng Võ cũng yêu cầu khách tự bảo quản mũ.
Có nơi nhận trông giữ mũ với mức phí 1-2 ngàn đồng, bằng phí trông xe. Tuy nhiên những nơi này cũng không có giá để mũ mà thường xếp la liệt gần bàn ghi vé.
Nhà xe ở những toà nhà văn phòng, công sở lớn cũng thường lắc đầu trước MBH. Anh chị em công sở hôm nay, ngoài túi xách, ba lô còn lủng liểng tay mũ. |
Tuy nhiên, theo anh Oanh, từ 7h đến hơn 8h công an dù “mỏi mắt, mỏi chân” vẫn không phát hiện thêm trường hợp vi phạm nào. Về tỉ lệ đội mũ bảo hiểm trên đường, anh Oanh lạc quan cho rằng, có đến “99 phảy mấy phần trăm” người đi xe máy đã thực hiện đội mũ bảo hiểm.
Theo quan sát, nhiều người lái xe ôm đã chủ động lo cho khách và lo cho mình bằng cách trang bị 2 mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề xử phạt người ngồi đằng sau không đội mũ, nhất là đằng sau xe ôm đang không có sự nhất quán. Có những nơi công an, cảnh sát cho rằng, phải phạt người lái xe vì người này mới có “tóc” (có mang theo giấy tờ), trong khi có những nơi lại cho rằng, ai sai thì phạt người đó... Tính đến 10 giờ sáng nay, toàn thành phố đã xử phạt 612 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm.
Chưa đến 7 giờ sáng, các cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên Phố Huế đã đồng loạt mở cửa. Cửa hàng nào cũng khá đông khách. Rất nhiều người đi đường tạt vào cửa hàng mua vội chiếc mũ để cho kịp giờ “G”.
Tuy nhiên, giá cả và chất lượng mũ vẫn rất “chông chênh”. Nhiều chiếc mũ khá bắt mắt, giá hơn 200 nghìn đồng nhưng không hề có tem kiểm định chất lượng.
TPHCM: MBH chen nhau xuống phố
Đứng trên cầu vượt Trạm 2 (quận Thủ Đức, TPHCM) nhìn xuống, chỉ thấy lô nhô những chiếc mũ bảo hiểm, không rõ mặt người. Đó là chuyện thường, vì Xa lộ Hà Nội đã có quy định bắt buộc người tham gia giao thông phải đội MBH từ mấy năm nay.
Nhưng 7 giờ sáng đứng trên cầu vượt bộ hành Văn Thánh (quận Bình Thạnh) nhìn xuống đường Điện Biên Phủ thì có thể thấy một rừng mũ bảo hiểm. Chen chúc, lố nhố và sắp hàng cứ như những hàng MBH di động.
Nhìn từ trên cầu, những dòng mũ bảo hiểm "trôi" tràn đường. (Ảnh: T.Nguyên - N.Tuấn)
Một bác già có vẻ đã về hưu, đang ngồi nhâm nhi ly cà phê quán cóc bên đường Điện Biên Phủ hồ hởi: “Chà, vậy là nước mình giảm được biết bao nhiêu ngân sách chi cho y tế ha. Vì ai cũng đội MBH, tai nạn nghiêm trọng sẽ giảm được một phần”.
Mới tối qua, chiếc mũ bảo hiểm còn vắng bóng...
(Ảnh T.Nguyên, N.Tuấn)
Trung sĩ Phan Huy Thịnh thuộc tổ CSGT chốt tại ngã tư Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết: “Người dân TP chấp hành rất tốt quy định đội MBH, từ sáng đến giờ (7h30) chúng tôi chỉ xử phạt 4 trường hợp. Trong đó có một người nước ngoài”.
Trước cổng trường tiểu học Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), chị Hòa chở hai con đến trường, cả 3 mẹ con đều đội MBH. Chị cho biết: “Quy định đội MBH là rất đúng đắn, bảo vệ được tính mạng cho người dân. Không chỉ bây giờ mà từ mấy tháng trước, cả gia đình tôi đã đội MBH”.
Người nước ngoài không chấp hành luật cũng bị xử phạt
(Ảnh: T.Nguyên - N.Tuấn)
Đúng là ai cũng công nhận đội MBH sẽ bảo đảm tính mạng, an toàn cho bản thân. Nhưng vẫn còn nhiều người thiếu ý thức.
Quán cà phê bên chân cầu vượt Văn Thánh (quận Bình Thạnh), anh Hùng chạy xe từ đường D1 nhưng không đội MBH, lại chạy ngược chiều vào đường Điện Biên Phủ để ghé vào quán. Thắc mắc mũ đâu, anh tỉnh bơ: “Nhà cách đây có tí xíu mà đội thì phiền quá”.
Cánh xe ôm thì phải sắm 2 cái, lúc nào cũng kè kè bên mình. Nếu có anh nào liều chở 3, trước bị bắt phạt vì tội chở quá số người quy định, giờ thêm tội không đội MBH hiểm. Thế nên xe ôm cũng ngại không dám “tham” chở nhiều người.
Các bác tài xe ôm mỗi người mang 2 mũ
(Ảnh: T.Nguyên - N.Tuấn)
Một anh cán bộ Giao thông công chính than thở: “Ai cũng đội mũ, mới đầu chắc chắn chưa quen, di chuyển trong nội thành với tốc độ chậm hơn, dễ gây kẹt xe hơn. Mà với cái nóng này và chiếc MBH ôm trên đầu, chắc chắn là không ít người sẽ quay sang chửi chúng tôi”.
Anh Thắng ngụ tại đường 9, phường Bình An, quận 2 cho biết: “Mình làm trên đường Trần Não, cách đây chừng hơn 1 km thôi. Nay quy định đội MBH rồi, cũng thấy hơi phiền. Vì văn phòng cơ quan nhỏ, mỗi người chỉ có một không gian bé tí, nay thêm MBH thì biết để đâu, xe cũng để ngoài lề đường mà. Chắc điệu này phải tập đi bộ thôi”.
Phần lớn người dân vẫn mang nặng tính “nước đến chân mới nhảy”, bắt buộc mới làm. Thế mới có chuyện Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động nhân dân đội MBH để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân họ.
Thế mới có chuyện CSGT có phạt, có túc trực kiểm tra thì dân mới đội, không thì thôi. Thế mới có chuyện tối qua phố vẫn vắng bóng người đội mũ, đêm qua và sáng nay mới nháo nhào đi mua.
Chen chân trong các của hàng bán MBH.
(Ảnh: T.Nguyên - N.Tuấn)
22h tối qua, các cửa hàng trên đường Phạm Hồng Thái, Điện Biên Phủ chen chúc người xem hàng, bình phẩm, ngã giá,… mũ bảo hiểm. Xe cộ đậu tràn lòng đường, các chủ tiệm mũ được phen hốt bạc.
Chủ cửa hàng dụng cụ thể thao Wilson trên đường Phạm Hồng Thái hí hửng cho biết, từ sáng đến tầm 7h tối qua, cửa hàng của anh đã bán được 3.000 chiếc MBH. Một ngày bội thu!
Cần Thơ: Không CSGT thì không đội!
5 giờ sáng 15/12, trên nhiều ngả đường vẫn rất nhiều người đi xe máy không đội MBH. Đường Mậu Thân, Cách mạng Tháng 8, Đại lộ Hòa Bình… 15 phút có trên 70 người không đội mũ bảo hiểm. Họ vẫn vô tư đi lại vì giờ này CSGT chưa có mặt ở chốt kiểm soát.
6 giờ 30, CSGT có mặt. Xe cộ đông dần. Vẫn nhiều người chưa đội mũ. Khi bị CSGT thổi phạt họ liền quay đầu hoặc rẽ vội vào đường khác để tránh. CSGT không thể đuổi theo vì họ còn phải làm nhiệm vụ tại chốt chặn và đường quá đông.
Ngã tư Mậu Thân có khá nhiều người bị phạt vì không đội MBH. Một anh nói do quá bận nên không… biết ngày hôm nay toàn dân phải đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy, mô tô. Anh kia viện lý do… gấp quá nên chưa kịp mua mũ. Một số người khác thì phân trần do nhà gần nên không đội; người thì nói đội mũ phiền phức và nặng đầu…
Thượng sĩ Nguyễn Quốc Khan, CSGT ở chốt giao thông ngã tư Mậu Thân, cho biết: Một số người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông chỉ mang tính chất đối phó chứ chưa tự giác. Tuy nhiên phần đông chấp hành tốt vì họ hiểu đây là một việc làm cần thiết bảo đảm an toàn cho chính họ.
Từ khoảng 7 giờ sáng trở đi, số người vi phạm ít hẳn. Khắp phố đã tràn ngập MBH.
Đà Nẵng: Phần lớn người dân tự giác đội MBH
Từ 5-6 giờ sáng, dù lực lượng cảnh sát giao thông chưa triển khai trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ đèo Hải Vân đến ngã ba Huế, nhưng theo quan sát của chúng tôi, đã có 95% người dân Đà Nẵng rất ý thức chấp hành luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Ở khu vực trung tâm thành phố, hiếm lắm mới thấy một người đi xe không MBH.
Phần lớn người dân đã rất ý thức chấp hành nghiêm quy định đội MBH. (Ảnh: LTQ).
Trong ngày hôm nay, lực lượng CSGT, công an các quận, huyện và lực lượng Thanh niên xung kích… sẽ tổ chức 38 điểm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn toàn thành phố Đà Nẵng.
Vẫn có những trường hợp vi phạm (Ảnh: LTQ).
Tuy ra quân rầm rộ nhưng các CSGT cho biết công việc của họ khá nhàn vì người dân rất tự giác và có ý thực chấp hành nghiêm quy định. Anh Trần Tấn Minh, CSGT quận Ngũ Hành Sơn, cho biết: Từ 6h sáng đến giờ (7h30 sáng), tổ CSGT trực chốt tại tuyến Lê Văn Hiến đã xử phạt 6 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, trong đó có 2 học sinh PTTH.
Không những không đội mũ bảo hiểm mà còn kẹp 3 (Ảnh: LTQ)
Anh Minh nói thêm: “Thực ra nếu người tham gia giao thông không tự giác đội mũ bảo hiểm thì lực lượng CSGT khó kiểm soát hết được mọi trường hợp vi phạm”.
Hà Tĩnh: Xử phạt nhiều công chức không đội MBH
Theo lời một chiến sĩ CSGT TP Hà Tĩnh, việc chấp hành quy định đội MBH của người dân sáng nay đã nghiêm túc hơn mọi ngày. Nhìn dòng người nườm nượp trên đường đã thấy nhấp nhô MBH. Hai tổ chốt trực, xử lý các trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên Quốc lộ 1A đoạn đường tiến vào TP Hà Tĩnh, sau 3 tiếng đồng hồ chỉ phải xử lý vài ba trường hợp. Tại các huyện lỵ, việc chấp hành luật cũng khá tốt.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm, đi xe đầu trần. Khi bị CSGT nhắc nhở và xử phạt thì viện lý do đi đường gần, đi ăn sáng, quên,… Đặc biệt, khá nhiều công chức không đội mũ bảo hiểm đã bị xử phạt. Tổng hợp ban đầu từ tất cả các địa phương trong tỉnh, đã có gần 100 trường hợp không đội mũ bảo hiểm bị xử lý.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, đã ra đường mà không đội mũ bão hiểm đều bị xử lý nghiêm, bất kể đó là ai, không có chuyện can thiệp. Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh cũng đã triển khai tuyên truyền sâu rộng về chủ trương bắt buộc đội mủ bảo hiểm cho mọi tầng lớp nhân dân.
Nghệ An: Bà con dân tộc đã biết yêu cái mũ
Sáng nay, khi đi thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), anh Seo Văn Hiền, 40 tuổi, dân tộc Khơ Mú, không quên mang theo mũ bảo hiểm. “Dân bản ta đã biết quý cái mũ rồi. Nó làm cho người thân ta yên cái bụng lắm”, anh Hiền vui vẻ nói.
Đầu năm 2007, vợ chồng anh Hiền vừa mua được chiếc xe máy để làm ăn, không quên mua kèm theo 2 chiếc MBH cho 2 vợ chồng. Mới đây anh lại mua thêm 2 chiếc mũ trẻ em nữa cho hai đứa con. Anh Seo Văn Hiền bảo: “Ta có 2 đứa con thôi. Sắp tới không no cái bụng cũng phải mua 2 chiếc nữa cho chúng nó chớ”.
Thị trấn Mường Xén như bừng tỉnh bởi những đoàn diễu hành tuyên truyền vận động đội MBH. Một cán bộ quản lý thị trường huyện Kỳ Sơn cho biết: Gần 1 tháng nay, thị trường mũ bảo hiểm rất sôi động. Vài ngày qua, thị “nóng” bởi người dân nháo nhào đi mua.
Người dân TP Vinh, dù "bận bịu" áo mưa vẫn không quên đội MBH (Ảnh: N.Nghĩa - N.Duy).
TP Vinh sáng nay có mưa nhỏ. Những người đi xe gắn máy dù đã lùng nhùng áo mưa vẫn không quên đội thêm chiếc mũ bảo hiểm. Một CSGT ở ngã tư quảng trường Hồ Chí Minh cho biết, sáng nay, số người vi phạm rất ít.
Được biết, tỉnh Nghệ An đã triển khai quy định đội mũ bảo hiểm đối với người trên xe máy ở tất cả các tuyến đường từ cách đây 3 tháng (từ ngày 15/9). Thượng tá Bạch Hưng Dũng - Phó trưởng phòng CSGT đường bộ và đường sắt tỉnh Nghệ An - phấn khởi: “Nghệ An có khác hơn toàn quốc là đã đã triển khai trước nên đã có “bước đệm”. Hôm nay hoà chung với toàn quốc nên sẽ nâng thêm một bước nữa. Thời gian tới, để số người có ý thức đội mũ ngày càng cao hơn, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các chốt chặn vào ngày nghỉ”.
Huế: Tạo thói quen đội MBH
Lượn vòng quanh TP Huế, qua các nút giao thông lớn như đường Hùng Vương, đường Hà Nội, đường Trần Hưng Đạo… chúng tôi bắt gặp cảnh những người người-xe-MBH nườm nượp. Ý thức đội MBH của người tham gia giao thông đã được cải thiện rõ rệt.
Anh Tiến là một công nhân, hàng ngày vẫn đi làm bằng xe máy, cho biết: “Trước đây tôi không bao giờ đội MBH đi làm, nhưng bây giờ có quy định của Chính phủ, tôi đã chuẩn bị không những cho tôi mà cả gia đình mỗi người một chiếc, từ đợt 15/10, đội để thành thói quen”.
Một sinh viên tên Nhân cũng cho biết mình đang tự tạo một thói quen đội MBH khi đi xe máy: “Từ nhà mình đến trường không xa lắm nhưng mình vẫn đội mũ. Trước không quen lắm nhưng giờ thì khác rồi”.
Người dân Huế không đợi đến ngày hôm nay mới sắm cho mình MBH. Ý thức chấp hành quy định của Thủ tướng Chính phủ đã được thành hình từ “chiến dịch” đợt 15/9. Vì thế nên thị trường MBH ở Huế không lên cơn sốt trong những ngày này, nhiều cửa hàng mở cửa từ sáng mà vẫn vắng hoe khách.
Chị Thu, một người bán MBH trên đường Hùng Vương, than thở: “Lần này ế lắm chú ạ, người ta mua từ đợt trước hết rồi. Tui đã hạ giá mà mỗi ngày cũng chỉ bán được hơn chục chiếc, chả ăn thua”.
Nhóm phóng viên