Ngộ độc canh chua nấu bằng cây môn kiểng
(Dân trí) - Chiều ngày 30/6, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Phòng Quản lý ATVSTP - Sở Y tế TPHCM cho biết, đã xác định được nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc canh chua xảy ra cách đây 2 tuần là cây môn kiểng, còn gọi là cây ráy.
Theo lời khai của quản lý quán ăn số 800, đường Nguyễn Thị Định, quận 2, TPHCM, các món được khách gọi hôm đó gồm sườn lợn riêm mặn, khổ qua xào trứng, canh chua măng và canh chua bạc hà, nhưng do bếp hết bạc hà nên cô phụ bếp bèn cắt cây ráy (môn kiểng) trồng làm cảnh ở sân vườn vào thay thế.
Vài phút sau khi ăn món canh chua trên, 2 thực khách gồm một nam một nữ đã phải vào viện cấp cứu với tình trạng hàm tê cứng và khó thở. Nạn nhân được chuyển đến bệnh viện quận 2 nhưng việc chữa trị không thành nên được chuyển đến BV Nhân Dân Gia Định (BV NDGĐ).
Tại BV NDGĐ, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Sau khi loại trừ các nhóm thức ăn, thủ phạm được xác định là do món “canh chua bạc hà”. Các bệnh nhân ngay lập tức được xử lý khử độc và xuất viện sau 2 ngày điều trị.
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế TPHCM đã đến hiện trường để lấy mẫu thực phẩm thì phát hiện món “canh chua bạc hà” mà quán dùng để bán cho khách được nấu từ cây ráy - một loại môn kiểng có thân hình giống với bạc hà.
Theo kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa: “Hàm lượng sapotoxin có trong cây ráy chính là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tê môi lưỡi và cứng hàm nói trên. Loại độc tố này chỉ có thể mất hoặc giảm đi khi được nấu thật chín. Lá và thân ráy sống có thể gây ngứa và dị ứng với da, do đó không nên ăn sống”.
Ông Hoà cũng cho biết, đối với trường hợp của quán 800 nói trên, Sở sẽ xử phạt hành chính thích đáng vì đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng.
Ngọc Thanh