1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghịch lý giao thông ở TPHCM

(Dân trí) - Năm 2008 được TPHCM chọn làm năm Văn minh đô thị, xây dựng lối sống và hình ảnh văn minh. Tuy nhiên, khi lĩnh vực giao thông còn quá nhiều nghịch lý thì khó có thể nói chuyện văn minh.

1. TPHCM có thể tự hào là địa phương có chiều dài đường nhựa hóa lớn nhất nước. Nhưng những con đường đẹp đẽ ấy lại thường xuyên chịu cảnh “ông này rạch một nhát, ông kia soi một lỗ”… dẫn đến tình trạng lồi lõm “vô tổ chức”, làm xấu cảnh quan đô thị và gây cản trở giao thông.

 

Nay đơn vị này đào, mai đơn vị khác xới, đủ các cấp các ngành, từ ngành nước, điện, đến ngành viễn thông… Mạnh ai nấy làm, mỗi ngành một kế hoạch riêng, bất chấp vẻ đẹp của con đường, sự lãng phí ngân sách của Nhà nước và nỗi khổ của người dân.

 

Chưa kể tình trạng đào xong không chịu lấp khiến cho nhân dân sống ven đường và người tham gia giao thông phải chịu cảnh bụi bặm trên đường, gây trở ngại giao thông, tạo nên các điểm ùn tắc, gây ra các tai nạn không đáng có.

 

Vừa qua, có người nước ngoài gửi thư cho Chủ tịch UBND TPHCM phàn nàn về việc này. Trong thư ông có đoạn: “Tôi từng chứng kiến một phụ nữ mang thai chạy xe máy bị ép vào khu vực đào đường xong mà chỉ lấp sơ sài bằng đá dăm, do sức yếu nên chị đã trượt ngã”…

 

Mới đây lại có trường hợp đào đường đặt ống cấp nước mà không lấp gây ra tai nạn chết người trên một con đường ở quận 7.

 

Đó chỉ là một vài dẫn chứng nhỏ. Việc đào rồi lấp, lấp rồi đào vẫn thường xuyên tái diễn, đào mà không lấp cũng chẳng hiếm…

 

2. Cô bạn tôi kể: “Có hôm em dừng lại trước đèn đỏ thì chú chạy đằng sau nói với lên: “Bé ơi, sao con không chạy đi”. Chú ấy nói cứ như việc vượt đèn đỏ là rất tự nhiên vậy!”.

 

Nghịch lý giao thông ở TPHCM  - 1

Giao thông ùn tắc, lộn xộn khiến ai cũng khổ. (Ảnh: Tùng Nguyên)

 

Anh bạn khác kể một câu chuyện còn thú vị hơn: “Hôm nọ, đang chạy gặp đèn đỏ tôi vội vàng thắng xe lại. Anh chàng chạy sau húc thẳng vào đít xe tôi. Mới ngoái lại định phàn nàn vài câu thì anh chàng với cái mặt non choẹt hét lên: “Điên sao mà dừng giữa đường vậy”. Rồi anh ta lách qua xe tôi len lỏi băng qua ngã tư, còn cố quay lại xổ một tràn “tiếng Mán” vào mặt tôi”.

 

3. Còn chính tôi cũng gặp một tình huống hết sức tệ hại. Mới chưng diện, chải chuốt bảnh bao, bon bon xe đến địa điểm họp thì thấy một chiếc xe vượt nhanh qua ngay bên cạnh, rồi nghe một cái “bùm”, nước bắn tung tóe vào mặt, vào người mình.

 

Khi bĩnh tĩnh lại tôi mới nhận ra chiếc xe chở hai thanh niên vừa vượt qua tôi cán phải một bịch sữa tươi, nó nổ bắn vào tôi. Vậy mà hai chàng thanh niên ăn diện chải chuốt quay lại nhìn tôi cười hô hố rồi lao đi như vừa lập được chiến tích hay lắm.

 

4. Thời sinh viên, khi xảy ra một va quẹt nhỏ, dù là lỗi người khác tôi vẫn chủ động mỉm cười và nói xin lỗi. Nhưng hầu như lần nào tôi cũng nhận lại được những lời lẽ tục tĩu chửi bới, như thể tôi là kẻ tội đồ.

 

5. Hôm thằng bạn chở tôi đi trên đường, đến một đoạn ùn xe, mất 5 phút mới vượt qua được. Thì ra có một cô đẩy xe mì tôm qua đường chẳng may bị ngã, mì văng đầy đường, cô phải nhặt từng thùng bỏ lên xe, thế là gây nên ùn tắc.

 

Vậy mà người đi đường cứ cố len lỏi vội vã vượt qua, không ai dừng xe nhặt giúp cô ấy. Tôi bảo thằng bạn dừng xe để xuống giúp cô. Nó bảo: “Có mà điên. Coi chừng người ta lại nghĩ mình đến trộm hàng”…

 

* * *

 

Giao thông ở TPHCM bát nháo, lộn xộn, chen lấn và xô đẩy, cảnh đó đã thành quen. Sao gọi là văn minh?

 

Tùng Nguyên