Nghi vấn Cục Đường thủy nội địa thu “quỹ đen” từ hàng chục gói thầu
(Dân trí) - Việc thu “quỹ đen” của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được cho là thực hiện trong năm 2015 - 2016, thu vào thời điểm hoàn tất hồ sơ quyết toán, giải ngân toàn bộ ngân sách. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập tổ xác minh.
Theo thông tin ban đầu, một số cá nhân thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã thu 5-20% để lập “quỹ đen” từ các gói thầu các công trình do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa và các dự án do Cục làm chủ đầu tư như: Dự án nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng…
Việc thu “quỹ đen” này được thực hiện vào tháng đầu năm, là thời điểm hoàn tất hồ sơ quyết toán, giải ngân toàn bộ ngân sách của năm trước.
Hơn 1 năm trước, theo chủ trương sắp sếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa đã được sáp nhập với Ban Quản lý dự án đường thủy và trực thuộc Bộ GTVT.
Trước những thống tin nói trên, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập tổ xác minh, làm rõ nghi vấn Cục Đường thủy nội địa thu phí từ các gói thầu để “quỹ đen”.
Hiện nay cả nước hiện có 45 tuyến đường thuỷ nội địa, 21 tuyến ven biển và 7257 cảng/bến. Bộ GTVT dự kiến sẽ cần khoảng 25,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2030 để cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới luồng tuyến đường thủy nội địa khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng; cảng đường thủy nội địa khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030, để phê duyệt theo đúng quy định.
Trong đó, cần làm rõ các số liệu về nhu cầu, năng lực vận tải, nhu cầu vốn đầu tư; đánh giá kỹ hiệu quả của các giải pháp nhằm tăng cường khả năng kết nối với các loại hình giao thông khác; giải pháp huy động nguồn lực từ xã hội cho phát triển giao thông thuỷ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo chi tiết về một số “điểm nghẽn” trên các tuyến vận tải thuỷ nội địa, trong đó chỉ rõ hạn chế, tác động và giải pháp khắc phục; lợi ích và nhu cầu đầu tư để từ đó có kế hoạch ưu tiên tháo gỡ.
C.N.Q