1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghị sĩ Mỹ tiếp xúc nạn nhân chất độc da cam VN

Chiều 14/6 (giờ Washington), lần đầu tiên các thành viên nghị viện Mỹ đã có buổi gặp gỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington DC.

Hạ nghị sĩ Jim McDermot - chủ nhiệm Ủy ban ngân sách hạ viện và hạ nghị sĩ John Conyers - chủ nhiệm Ủy ban tư pháp hạ viện đã có buổi gặp gỡ và nghe chuyện của các nạn nhân chất độc da cam VN tại văn phòng của Ủy ban Tư pháp hạ viện Mỹ.

 

Lời xin lỗi của hạ nghị sĩ

 

Hạ nghị sĩ John Conyers, từng là cựu binh tại cuộc chiến tranh Triều Tiên, là một trong những hạ nghị sĩ được kính trọng nhất ở nước Mỹ với hơn 44 năm làm việc tại hạ viện. Ông được xem là người quyền lực thứ năm tại chính trường Mỹ hiện nay.

 

Từng có nhiều năm hoạt động chống chiến tranh tại VN, chống chiến tranh Iraq..., ông Conyers cho biết: “Từ năm 1975 - 1985 khi phụ trách mảng y tế, tôi đã thấy tất cả những chịu đựng khó khăn của cả những người lính trở về từ các cuộc chiến và người thân của họ. Tôi xin lỗi về tất cả những gì các nạn nhân chiến tranh VN đang phải chịu đựng”.

 

“Tôi biết điều hãi hùng nhất của chiến tranh là những gì để lại sau cuộc chiến... Đó là những gì chúng ta thấy ở các nạn nhân chất độc da cam và ở các nạn nhân của uranium-nghèo (ở Iraq) đang phải chịu hiện nay. Hậu quả của chiến tranh sẽ không bao giờ có thể khắc phục được hết” - ông nói. Rất cảm thông với những gì đã xảy ra, ông Conyers cho biết sẽ đề nghị hạ viện chú ý xem xét vấn đề các nạn nhân ở Mỹ, coi đây là nền tảng để giúp các nạn nhân chất độc da cam ở nơi khác được chú ý hơn.

 

Việc tổ chức gặp gỡ được các nghị sĩ Quốc hội Mỹ có thể coi là một thành công lớn của đoàn nạn nhân chất độc da cam lần này. Đây là những nghị sĩ đứng đầu các ủy ban quan trọng và là những người có tiếng nói trong hệ thống lập pháp của nước Mỹ, nên sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới việc tác động chính phủ nước này về vấn đề chất độc.

 

Trưởng đoàn Trần Xuân Thu bày tỏ rất tin tưởng vào việc này. Cách đây hai năm, ông Thu cũng từng có cuộc gặp với các nghị sĩ Anh về vấn đề này. Sau cuộc tiếp xúc đó, 28 nghị sĩ Anh cùng ký giấy kêu gọi tòa án Mỹ có phán xét công minh đối với vụ kiện này.

 

Rất nhiều người trốn tránh sự thật

 

Phát biểu tại buổi gặp, trưởng đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam Trần Xuân Thu phản ánh sự thật rằng “rất nhiều người/tổ chức đang trốn tránh nói thật về tác động của các loại hóa chất này”. Ông bức xúc: “Cả thế giới, trong đó có cả Viện Y học Hoa Kỳ, thừa nhận sự nguy hiểm của chất độc da cam nhưng rất tiếc chánh án Jack Weinstein đã không nhìn nhận tác động của loại hóa chất độc này”. Ông kêu gọi lưỡng viện Mỹ có những biện pháp hỗ trợ để giúp công lý được thực thi và bảo đảm.

 

Bà Merle Ratner, điều phối viên và là thành phần chủ chốt tổ chức chuyến đi lần này cho đoàn, đã đề nghị các nghị sĩ giúp tác động để có thể có các dự luật về chất độc da cam nhằm bảo vệ hơn nữa quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam, cả những người tham chiến và những thường dân bị ảnh hưởng.

 

Đã chọn được chánh án cho phiên tranh tụng

 

Tin từ đoàn luật sư bảo vệ các nạn nhân chất độc da cam VN hôm 14/6 cho biết ba chánh án đã được lựa chọn để nghe phiên tranh tụng vào ngày 18/6 tới. Ba người được chọn cho phiên tòa  phúc thẩm sắp tới là các thẩm phán Roger J.Milner, Robert D.Sack và thẩm phán Peter W.Hall của Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ.

 

Roger J. Milner là thẩm phán Tòa phúc thẩm Mỹ kể từ năm 1985. Trước đó ông là thẩm phán tòa án quận phía bắc của New York. Ông Robert D. Sack là thẩm phán Tòa án phúc thẩm Mỹ kể từ năm 1998. Trước đó ông là đối tác của văn phòng luật Gibson, Dunn & Crutcher ở New York. Ông Peter W.Hall là thẩm phán liên bang của Tòa án phúc thẩm Mỹ kể từ tháng 12/2003.

 

Theo Thanh Tuấn
Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm