Nghề đánh lư đồng bàn thờ tổ tiên “đắt hàng” ngày cận Tết
(Dân trí) - Hàng trăm hộ đánh lư đồng ở Huế đang "tăng tốc" cho đến ngày 29 Tết để đem lại nét đẹp cho bàn thờ tổ tiên mọi nhà. Cái nghề hàng trăm năm nhưng mang lại một khoản tiền kha khá cho người thợ.
Lư đồng có đến hàng trăm loại, nhưng những bộ lư "khó ăn tiền" nhất, theo anh Thương, là lư trúc có chạm khắc nhiều dáng trúc với hoa lá cành tinh xảo; lư voi tức đế có hình voi nổi, lư lục giác… lư đánh dễ là lư tứ giác, lư hình tròn. “Có những bộ lư đồng rất cổ, chủ nhân tới đánh dặn dò kỹ là không được làm sứt một miếng nhỏ, nếu không đền cả bộ, tui đánh mà run tay”.
Các giai đoạn đánh bắt đầu từ khâu chùi sơ bằng khăn, đánh trên máy và rửa qua lại bằng nước cho lên màu bóng. “Tuy đơn giản nhưng cần kỹ thuật cao, nhất là khâu giữa. Tay cầm chặt lư đồng, chân trụ vững, trước đó không quên đeo khẩu trang bảo vệ mũi-miệng, rồi đưa lư qua lại trục quay gắn vải cứng. Những chỗ hở khó đánh như miệng, quai lư phải dí sát vào trục, sau đó lấy que bịt vải chùi lại thì mới sạch” – anh Thương "chia sẻ" kinh nghiệm.
Hàng trăm hộ có thu nhập thấp vào dịp Tết đến ở Huế thường đi đánh lư đồng kiếm thêm chút thu nhập. Hầu như nhà nào có bàn thờ tổ tiên là có lư đồng. Ai cũng muốn đánh lại cho sáng để đón “các cụ”. Nhờ thế mà nghề đánh lư đồng vẫn tồn tại.
Với thu nhập khoảng vài triệu đồng, người đánh lư đồng cũng kiếm được kha khá để sắm Tết vì nghề này chỉ cần công chứ không phải đầu tư máy móc nhiều.
Những bộ lư đồng đủ loại sau một năm bám đầy bụi đất
Trước tiên phải lau qua một lần cho sạch
Bắt đầu đánh lư trên máy quay
Đánh kỹ từng góc
"Thay áo mới"
Bàn thờ tổ tiên đẹp và trang nghiêm nhờ bộ lư đồng sáng loáng
Nghề "làm đẹp" cho tổ tiên có được nhờ những người thợ đánh lư đồng cần mẫn. Nghề cũng giúp họ sắm Tết tươm tât
Đại Dương