1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Nghệ An xảy ra 36 trận lốc, 31 vụ tai nạn trên biển trong năm 2024

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Năm 2024, thiên tai diễn biến cực đoan khiến Nghệ An thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tỉnh này đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Chiều 21/4, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, đồng thời đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, năm 2024, tỉnh này đã phải đối mặt với 36 trận lốc xoáy, mưa đá, sét và mưa lớn.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như không khí lạnh, rét đậm, rét hại và nắng nóng gay gắt cũng xuất hiện thường xuyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Nghệ An xảy ra 36 trận lốc, 31 vụ tai nạn trên biển trong năm 2024 - 1
Lũ lụt làm sập cầu ở huyện Anh Sơn năm 2024 (Ảnh: Nguyễn Phê).

Trong năm qua, Nghệ An đã ghi nhận 16 đợt không khí lạnh, 2 đợt rét đậm rét hại và 11 đợt nắng nóng trên diện rộng.

Thiên tai đã khiến 7 người thiệt mạng, 2 người bị thương; 74 ngôi nhà bị sập, 2.005 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 201 hộ phải di dời khẩn cấp. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra lên tới hơn 480 tỷ đồng.

Trên biển, đã xảy ra 31 vụ tai nạn và sự cố tàu thuyền, làm 15 người chết, 1 người mất tích và 8 người bị thương. Trong đó, có 6 tàu cá bị chìm, 2 phương tiện bị cháy và 13 tàu thuyền khác bị hư hỏng nặng.

Tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Hệ thống tổ chức từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn kịp thời.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương; tập trung sửa chữa các công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng, khơi thông dòng chảy, tu bổ đê điều, nâng cao khả năng ứng phó.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng được thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo thời tiết được cải thiện rõ rệt về độ chính xác và thời gian cập nhật, giúp địa phương chủ động chỉ đạo, điều hành.

Đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Nghệ An đã thành lập 100% đội xung kích phòng chống thiên tai tại các xã, phường, thị trấn với gần 30.000 thành viên.

Ngay sau mỗi đợt thiên tai, công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả được triển khai khẩn trương và hiệu quả. Các địa phương chủ động hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước sạch; tổ chức sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, thủy lợi, ổn định sản xuất nông nghiệp.

Nghệ An xảy ra 36 trận lốc, 31 vụ tai nạn trên biển trong năm 2024 - 2
Năm 2024 thiên tai ở Nghệ An gây thiệt hại gần 500 tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Phê).

Trong năm 2024, UBND tỉnh đã bố trí hơn 121 tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai từ các nguồn vốn khác nhau. Đồng thời chỉ đạo huy động thêm nguồn lực xã hội để nâng cấp, sửa chữa hạ tầng thiết yếu tại các vùng bị ảnh hưởng nặng như miền núi, ven biển và vùng sâu vùng xa.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2025. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào dự báo và điều hành. Các địa phương cần rà soát những khu vực có nguy cơ cao để lên phương án sơ tán dân, diễn tập định kỳ, đầu tư trang thiết bị và chủ động phương án "4 tại chỗ" sát với thực tế.

Ngoài ra, Nghệ An sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác dự báo khí tượng thủy văn và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Việc quản lý rủi ro và đánh giá nguy cơ thiên tai sẽ được triển khai thường xuyên hơn, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.