Du khách hủy tour Mù Cang Chải, Tà Xùa vì sợ lũ lụt, sạt lở kinh hoàng
(Dân trí) - Dù đã đặt tour trước cả tháng và mua vé máy bay, nhiều người vẫn sẵn sàng hoãn, hủy chuyến đi đến các điểm du lịch ở miền Bắc như Mù Cang Chải, Tà Xùa... để tránh bão lũ, sạt lở gây nguy hiểm.
Từ Nhật Bản về Việt Nam thăm gia đình 2 tuần, Nguyễn Lan Anh (SN 1999, Hà Nội) cùng 5 người bạn - đều đang làm việc tại xứ sở hoa anh đào - tranh thủ đặt tour đi ngắm lúa chín ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) 3 ngày vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, gần hôm khởi hành, đơn vị lữ hành thông báo hoãn, hủy chuyến đi do lũ lụt và sạt lở đang gây thiệt hại nặng nề ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Tour sẽ được mở lại khi tình hình ổn định hơn, các nơi lưu trú ở địa phương sẵn sàng đón khách.
Nhận được tin, nhóm của Lan Anh hoàn toàn đồng ý. Bởi hơn một tuần nay, theo dõi tình hình thời tiết diễn biến khó lường, các thành viên khá lưỡng lự. Những người ở miền Nam cũng không vội đặt vé máy bay ra Hà Nội.
"Khi xem những hình ảnh ghi lại sự tàn phá của thiên tai, mình rất xót xa. Mình cũng xúc động trước sự san sẻ của mọi người dành cho đồng bào Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai… những ngày qua. Nếu lỡ cơ hội khám phá Hà Giang lần này, mình sẽ đi vào dịp về thăm nhà sau. An toàn vẫn là trên hết", Lan Anh chia sẻ.
Trước tình hình ngập lụt và sạt lở xảy ra ở một số tỉnh, thành miền Bắc, hàng loạt đơn vị tổ chức tour cũng hủy chuyến đi đến Mù Cang Chải (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La)... để đảm bảo an toàn cho du khách.
Hoãn, hủy tour của 80 khách trong một tuần
Tối 9/9, Bùi Quân Dân - người điều hành đơn vị tổ chức du lịch - đăng bài thông báo tạm ngừng tất cả tour khu vực phía Bắc và các vùng ảnh hưởng của bão số 3.
"Chúng tôi sẽ nhận khách trở lại sau khi thời tiết ổn định, các địa điểm được khắc phục và an toàn để bảo đảm du khách có trải nghiệm tốt nhất trong chuyến đi", anh viết.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Dân cho biết, trong tuần này, bên anh đã hoãn, hủy tour của hơn 80 khách vì các điểm đến như Y Tý, Hoàng Su Phì, Tà Xùa, Mù Cang Chải… đều trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng hoặc có nguy cơ cao.
Đang bị kẹt lại Tà Xùa, anh Dân kể vài hôm nay, nơi này mưa cả ngày lẫn đêm. Hiện, khu vực trung tâm Tà Xùa có nhiều điểm sạt lở như các con đường đi "sống lưng khủng long", mỏm Cá Heo, cây cô đơn, thảo nguyên.
Theo thông tin anh Dân cập nhật được, đường xuống sông Nho Quế và khu vực Mèo Vạc ở Hà Giang đang sạt lở nặng, không thể di chuyển.
Từ cuối tuần trước, đường lên đồi Móng Ngựa ở Mù Cang Chải đã sạt lở. Sa Pa, Hoàng Su Phì và Y Tý cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Do vậy, bên anh không thể chủ quan đưa khách lên đây.
Khi thông báo hoãn, hủy tour, đơn vị của anh Dân đều hỏi ý kiến khách có muốn hoàn cọc hay bảo lưu chuyến đi vào thời điểm khác. Đây là điều không ai mong muốn nên tất cả đều thông cảm, không yêu cầu đền bù.
Tệp khách của anh Dân phần lớn ở miền Trung và miền Nam. Nhiều người đã đặt vé máy bay ra Hà Nội và chịu mất phí để ở nhà, đảm bảo an toàn trong đợt này.
Anh Dân có người thân ở huyện Trấn Yên thuộc tỉnh Yên Bái - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của lũ lụt. Từ tối 9/9, anh liên tục gọi cho người nhà nhưng không thể liên lạc nên hoảng loạn tìm kiếm đơn vị cứu hộ để nhờ giúp đỡ.
"Tới sáng hôm sau, người thân mới chủ động gọi lại và cho biết, cả nhà phải đưa nhau lên núi lánh nạn. Hết đồ ăn, họ phải bơi về nhà lấy gạo nấu. Tôi ở đây mà sốt ruột nhưng không làm gì được", anh ngậm ngùi nói.
An toàn là trên hết
Mới tuần trước, chị Trang Phạm - đại diện cho Trang Du Hí Tour - vừa hủy tour Mù Cang Chải với 38 khách. Đến tuần này, chị tiếp tục phải thông báo hủy tour Mù Cang Chải và Tà Xùa của 57 khách do tình hình lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Hiện nay, đường sá từ Hà Nội đi Mù Cang Chải có nhiều hạn chế. Sau vụ sập cầu thương tâm tại Phú Thọ, nhiều cây cầu đã bị chặn, không cho phép xe cộ lưu thông.
"Trong 3 năm làm du lịch tới giờ, đây là lần đầu tiên tôi phải hủy tới 5 tour trong vòng một tháng", chị nói.
Theo chị Trang, cả năm Mù Cang Chải chỉ có 1-2 tháng là mùa cao điểm du lịch. Bởi vậy, để có phòng ốc phục vụ khách, bên chị phải đặt trước 3 tháng để giữ phòng làm tour. Tuy nhiên, khi bão lũ ập đến, an toàn được đặt lên trên hết.
Chị Trang nhắn tin vào nhóm khách để thông báo hoãn, hủy tour và khuyến khích mọi người chuyển sang các chuyến sau để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp khách không sắp xếp được công việc, bên chị hoàn cọc 100%.
"Có những khách của tôi sắp xếp công việc trước cả tháng, có nhóm đã đặt lịch từ đầu tháng 8 để tuần này đi, có những khách bay từ TPHCM ra Hà Nội cũng đành dạo chơi quanh thủ đô. Tuy vậy, ai cũng hiểu tình hình và ủng hộ, thông cảm cho chúng tôi", chị chia sẻ.
Anh Nguyễn Quyết - Giám đốc công ty du lịch AHA Travel_Event - cũng chia sẻ, những ngày qua, do tình hình thời tiết cực đoan, bão lũ hoành hành, đơn vị của anh phải hủy rất nhiều tour Trung thu hay đi biển như ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Hiện tại, các khách sạn ở đây đang khắc phục hậu quả của bão số 3, chưa đảm bảo cơ sở vật chất để đón khách.
Với các tour Đông Bắc và Tây Bắc đi ngắm lúa, việc hoãn, hủy tour cũng đang được tiến hành. Anh Quyết chưa thống kê chính xác con số trong tuần này. Tuy nhiên, anh cảm thấy đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách.
"Nhiều khách của tôi thông báo hoãn, hủy tour để dành tiền hỗ trợ bà con vùng lũ. Không ít người cũng đang tình nguyện đi cứu trợ ở Yên Bái, Thái Nguyên - những điểm nóng bị lũ càn quét. Điều này thật sự đáng quý. Mong đồng bào cùng nhau vượt qua khó khăn này", anh Quyết bày tỏ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp