"Ngành y tế rất mong mỏi" về chế độ đãi ngộ, tiền lương với cán bộ ngành y
(Dân trí) - Liên quan đến đề xuất về củng cố tinh thần, chế độ đãi ngộ, tiền lương đối với cán bộ ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh "đây là nội dung mà ngành y tế chúng tôi rất mong mỏi".
Chiều 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30...
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng tình hình dịch hiện nay vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh. Vì vậy, ông đồng tình cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30 về các hoạt động phòng, chống dịch của cơ sở y tế và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Dù vậy, ông Ngân cho rằng việc chậm thanh toán cho các chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu. "Khi các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, họ không cần biết là họ sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, bởi vì lúc đó chỉ lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết. Nhưng chúng ta lại cứ căn cứ vào thủ tục chậm thanh toán, gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu", đại biểu Đoàn TPHCM bày tỏ.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường, điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch được thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà đến nay vẫn chưa thanh toán xong. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các địa phương khó khăn về nguồn lực để chi trả, hỗ trợ; có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh Covid-19.
"Cần sớm cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, có chế độ đãi ngộ phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế nói riêng yên tâm cống hiến, tận tâm với nghề", ông Thắng đề nghị.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định 3 năm qua, ngành y tế phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong và sau đại dịch, với tinh thần hết sức sáng suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Nghị quyết 30 của Quốc hội ban hành đã giúp cho ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Về chuyện chưa hoàn thành thanh toán chi phí, Bộ trưởng Y tế cho rằng đây là một đại dịch lần đầu tiên xuất hiện, nên trong thời điểm biến chủng thay đổi, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục.
Nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu và phải huy động, kể cả những người hành nghề ở trong những phạm vi chuyên môn khác nhau, sinh viên và tình nguyện viên để chăm sóc cho bệnh nhân bị mắc Covid-19.
"Cho nên việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn và tình hình dịch bệnh cấp bách đòi hỏi các hoạt động phòng, chống dịch phải khẩn trương, nhanh chóng trong điều kiện không bình thường. Chính vì vậy, thời gian Quốc hội cho phép kéo dài đến 31/12/2023 sẽ giúp cho các cơ quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế cũng như chế độ đối với những người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm.
Thời gian qua, để tập trung cho nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.
Liên quan đến đề xuất củng cố tinh thần, chế độ đãi ngộ, tiền lương đối với cán bộ ngành y tế, bà Lan nhấn mạnh "đây là một nội dung mà ngành y tế chúng tôi rất mong mỏi".
"Rất mong trong quá trình triển khai thực hiện chế độ cải cách tiền lương mới, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các vị đại biểu Quốc hội, với một ngành đặc thù, thời gian học tập dài hơn so với những ngành, nghề khác; thời gian làm việc cũng có những đặc điểm riêng, đặc biệt có nhiều những quy định để làm sao giúp cho anh em ngành y tế yên tâm công tác để phục vụ, chăm lo sức khỏe cho nhân dân", bà nói.
Đối với vấn đề dư thuốc sau khi mua sắm cao hơn so với quy định tại Nghị quyết 30, Bộ trưởng Y tế thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá để tổng hợp số lượng trên toàn quốc.
Đến thời điểm này Bộ Y tế đã có tờ trình Chính phủ về việc điều chuyển thuốc, vật tư sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường.
"Riêng nội dung này Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thiện và đang trình lên Chính phủ. Nếu nghị quyết được thông qua thì Chính phủ sẽ rất yên tâm trong quá trình ban hành các chính sách trong thời gian tới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.