1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngành hàng không "bốc hơi" 500 tỷ đồng mỗi ngày vì dừng các chuyến bay

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến ngành hàng không phải dừng bay, gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng/ngày.

Vai trò trọng yếu của Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Ngày 7/10, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) có gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đồng thuận việc mở lại các đường bay chở khách thường lệ, đặc biệt là các chuyến bay đi, đến Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM từ ngày 10/10.

Nêu lên các lý do để mở lại các chuyến bay nội địa chở khách thường lệ, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch VABA - cho biết, hàng không là ngành mang tính động lực có vai trò to lớn đối với kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2019, trước đại dịch, ngành hàng không vận chuyển 116 triệu khách trong nước và quốc tế, đạt doanh thu trên 200.000 tỷ đồng, nộp thuế phí trực tiếp và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. Doanh nghiệp hàng không bị lỗ ngày càng lớn, dự báo năm 2021 có thể lên tới 20.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng. Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành hàng không phải dừng bay, mỗi ngày thiệt hại trên 500 tỷ đồng/ngày. Ngành du lịch thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng/ngày, 70% khách du lịch do hàng không vận chuyển.

Ngành hàng không bốc hơi 500 tỷ đồng mỗi ngày vì dừng các chuyến bay - 1

Các địa phương chưa thống nhất việc khai thác trở lại các chuyến bay nội địa (Ảnh: Tiến Tuấn). 

"Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai sân bay trọng yếu của đất nước, chiếm gần 90% số lượng khách và doanh thu của các hãng hàng không trong nước. Hầu hết khách đi/đến đều liên quan đến 2 sân bay này" - Chủ tịch VABA nói và cho rằng nếu Nội Bài tiếp tục ngừng tiếp nhận khách bay thương mại thường lệ, sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng không, cho người dân và cho kế hoạch phục hồi kinh tế của đất nước.

Liên quan đến tỷ lệ tiêm vaccine theo VABA, hiện Hà Nội, TPHCM và các địa phương có dịch đạt rất cao. Theo các kết quả nghiên cứu, xác suất lây nhiễm và nguy cơ tử vong của những người đã tiêm mũi một, mũi 2 và đã khỏi bệnh thấp hơn so với người chưa tiêm vaccine. Ngược lại, 6 tháng sau tiêm, tác dụng của vaccine cũng sẽ giảm.

Thời gian qua, Hà Nội, TPHCM và các địa phương có dịch đã được ưu tiên tiêm vaccine trước để kiểm soát dịch bệnh và sớm trở lại làm việc, sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho gia đình, xã hội. Do vậy, cần ưu tiên cho các đối tượng này đi lại, làm việc, sinh hoạt bình thường, kể cả đến từ vùng dịch.

"Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đồng thuận việc mở lại các đường bay thương mại chở khách thường lệ, đặc biệt là các chuyến bay đi, đến Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM từ ngày 10/10 và không cách ly tập trung đối với khách âm tính, chỉ theo dõi và quản lý bằng công nghệ" -  Chủ tịch VABA nêu rõ.

Các hãng sẵn sàng trở lại bầu trời

Ngày 6/10, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ, đề xuất từ 10/10 mở lại 10 đường bay nội địa.

Sáng 7/10, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông vận tải đề xuất hai phương án triển khai chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và TPHCM từ 10/10. Phương án 1: Tổ chức chuyến bay giữa Hà Nội - TPHCM với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày. Phương án 2: Chỉ tổ chức vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi TPHCM với tần suất ban đầu là 4 chuyến bay/ngày.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, đến chiều 7/10, các hãng hàng không trong nước đều đã xây dựng xong kế hoạch khai thác chuyến bay nội địa dự kiến từ 10/10 theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam. 

Vietnam Airlines và Pacific Airlines cho biết vẫn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp như kiểm tra thân nhiệt hành khách, thường xuyên khử khuẩn tàu bay và trang thiết bị mặt đất... Trong thời gian đầu, hãng sẽ bố trí hành khách ngồi giãn cách trên tàu bay; 100% lực lượng tuyến đầu trực tiếp phục vụ hành khách, hàng hóa như phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất cũng đã được hãng tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đại diện Vietjet thông tin đã duy trì các công tác bảo dưỡng đội tàu bay trong suốt thời gian giãn cách, luôn sẵn sàng cho kế hoạch trở lại bầu trời. Tất cả nhân viên tuyến đầu phục vụ hành khách đều đã được tiêm vaccine đầy đủ cũng như xét nghiệm thường xuyên, trang bị đầy đủ các thiết bị phòng chống dịch tốt nhất.

Hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho biết, từ 10/10 dự kiến khôi phục các đường bay kết nối TPHCM với Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc theo ý kiến thống nhất của cơ quan chủ quản và các địa phương; vé các đường bay sẽ được mở bán ngay khi có sự cho phép của các cơ quan chức năng.