1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ngàn năm “bòn” vàng Bồng Miêu

Bồng Miêu - mỏ vàng lớn nhất Việt Nam nằm lọt giữa trùng điệp núi rừng xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ít ai biết rằng, lịch sử đào vàng ở Bồng Miêu đã có hơn 1.000 năm thăng trầm.

Từ “cánh đồng vàng”

 

Bồng Miêu (hay còn gọi là Bông Miêu) tức là “cánh đồng vàng” của người Chăm. Theo các thư tịch cổ, người Chăm vốn từng sinh sống trên mảnh đất này từ hơn 1.000 năm trước đã “có công” phát hiện và khai thác mỏ vàng này đầu tiên. Các vương triều Chămpa đã tổ chức khai thác vàng, chế tác thành đồ trang sức cho giới quý tộc, cung đình, trang trí trong các công trình kiến trúc, đền tháp, và cả đúc các pho tượng thần.

 
Bên trong hầm lò Bồng Miêu.

Bên trong hầm lò Bồng Miêu.

 

Đến tận ngày nay, trên đỉnh núi Kẽm, ngọn núi cao nhất ở khu vực Bồng Miêu vẫn còn để lại nhiều dấu tích của quá trình khai thác và chế tác vàng của người Chăm xưa. Rồi khi vương triều Chămpa sụp đổ cũng là lúc những cư dân người Việt tìm đến tiếp quản, khai thác thứ kim loại màu vàng  trong lòng đất núi Bồng Miêu. Thế kỷ XIV được xem là thời kỳ thịnh vượng của công cuộc khai thác vàng tại Bồng Miêu, tiếp tục duy trì đến thế kỷ XV, và trở nên cực thịnh vào mấy ttrăm năm vương triều nhà Nguyễn.

 

Nhưng phải đến khi người Pháp đặt chân vào Việt Nam qua ngả cửa Hàn (Đà Nẵng), và bắt đầu cuộc khai thác vàng ở đây thì Bồng Miêu mới được thế giới biết đến. Ca dao còn ghi lại việc này: “Từ khi Tây lại cửa Hàn/Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu”.

 

Từ năm 1890-1895, người Pháp mở đường Tam Kỳ-Bồng Miêu, đồng thời thành lập hẳn một công ty chuyên khai thác vàng với tên gọi Cty vàng Bồng Miêu. Họ cũng đưa công nghệ tiên tiến thời bấy giờ vào đào vàng, mở hệ thống hầm lò gồm 40 cửa của 10 tầng hầm lò khác nhau trong lòng núi, dài gần 60 km, kéo sang tận Trà Bồng-Quảng Ngãi, và xây dựng những khu nhà kiên cố để tuyển vàng. Trong 40 năm (không liên tục) “bòn vàng Bồng Miêu” - buộc phải kết thúc vào năm 1943, do bị Nhật hất cẳng - người Pháp cũng đã kịp “bòn” được tổng cộng 3,5 tấn vàng, mang về “mẫu quốc”.

 

Đến bây giờ, tại Bồng Miêu vẫn còn rải rác những ngôi “nhà Thùng”-tàn tích của những ngôi nhà xưởng của Pháp đã bị hỏng phần mái, chỉ còn lại tường bao như những cái thùng hình vuông. Sau đó, Bồng Miêu chìm trong bom đạn chiến tranh...

 

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1980, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) thành lập Xí nghiệp khai thác vàng Bồng Miêu, nhưng vẫn không thể bảo vệ mỏ. Bồng Miêu suốt những thập niên 70, 80, 90 của thế kì trước là  “lãnh địa” của dân đào đãi vàng tứ xứ. Đặc biệt, hệ thống hầm lò cũ trở thành “thiên đường ngầm” do dân đào vàng lậu độc chiếm, mang cả máy móc, lương thực vào để tiện bề làm ăn, ngủ nghỉ hàng tháng trời, thậm chí còn đem cả karaoke vào “hát cho nhau nghe” nữa.

 

Toàn cảnh khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu.
Toàn cảnh khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu.

 

Đến nhà máy vàng lớn nhất nước

 

Cũng vào thời điểm năm 1992, việc công ty vàng Bồng Miêu-liên doanh giữa công ty Olympus Pacific Minerals Việt Nam (nay là công ty TNHH Besra Việt Nam) với 2 công ty trong nước, được trung ương cấp phép thăm dò, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu theo dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 40 triệu USD, là một “sự kiện kinh tế”, không chỉ về việc “mở cửa” đầu tư nước ngoài mà còn bao hàm cả kỳ vọng về lợi ích kinh tế và xã hội có được từ việc khai thác nguồn tài nguyên quốc gia này. Toàn bộ diện tích 32km2 núi non hùng vĩ ở “cánh đồng vàng” bao gồm các khu mỏ Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm được giao cho công ty vàng Bồng Miêu quản lý, thăm dò.

 

Nhưng phải đợi đến 15 năm sau - năm 2006, công ty Bồng Miêu mới xây dựng xong và đưa vào hoạt động nhà máy tuyển luyện vàng với dây chuyền khai thác, sản xuất vàng theo công nghệ hiện đại tại đây. Cho đến nay, công ty Besra vẫn đang là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất được phép khai thác và xuất khẩu vàng tại Việt Nam, với quyền kiểm soát cả 2 mỏ vàng lớn nhất Việt Nam, đều ở Quảng Nam, gồm Bồng Miêu và một nhà máy nữa ở mỏ vàng Đắc Sa, huyện Phước Sơn.

 

Theo tính toán của công ty vàng Bồng Miêu, hàm lượng vàng bình quân ở Bồng Miêu có khác nhau tùy theo từng địa điểm. Cụ thể như ở mỏ Hố Gần, có từ 2,5gam đến 3gam vàng trong một tấn quặng; núi Kẽm có khoảng 5-6 gam/tấn; phía đông Bồng Miêu từ 2-2,5 gam/tấn...

 

Qua gần 7 năm (từ 2006 đến nay), công ty vàng Bồng Miêu đã khai thác, chế biến được hơn 1,793 tấn vàng và 671kg bạc. Mỏ vàng Đắc Sa cũng khai thác, chế biến hơn 2,771 tấn vàng và 1 tấn bạc. Toàn bộ 4,564 tấn vàng và 1,6 tấn bạc khai thác tại Bồng Miêu cũng như Đắc Sa đều được xuất khẩu ra nước ngoài. Hai công ty này đã nộp ngân sách số tiền tổng cộng hơn 663 tỉ đồng tính đến tháng 8/2012.

 

Riêng người dân ở vùng Bồng Miêu, đến nay họ vẫn cứ tiếp tục “bòn” vàng ở những bãi vàng lậu, cả trong vườn nhà khu vực lân cận Bồng Miêu.

 

Theo Trương Tâm Thư

Lao Động