Ngân hàng bán vàng, đại biểu hỏi "có bán được hoài hay không?"
(Dân trí) - Trước việc Ngân hàng Nhà nước chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại, đại biểu Quốc hội cho biết người dân lo ngại nguồn cung sẽ không đảm bảo nếu ngân hàng nghỉ bán.
Câu hỏi được đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt ra tại phiên chất vấn của Quốc hội với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, sáng 6/6.
Giơ biển tranh luận tại nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn báo cáo của Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ ổn định thị trường vàng và thị trường tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát.
Ông Hòa cho biết cử tri rất quan tâm và đặt vấn đề các ngân hàng hiện bán vàng cho dân, người dân rất mong muốn mua, mua rất nhiều nhưng có trường hợp không mua được.
Theo ông, trước việc thời gian qua các ngân hàng tham gia bán vàng nhưng chỉ có bán không có mua, người dân lo ngại "có bán được hoài hay không, hay đến một giai đoạn sẽ nghỉ?". Và nếu ngân hàng nghỉ bán, nguồn cung vàng có đảm bảo được không vì nhu cầu hiện nay rất lớn.
"Đề nghị lãnh đạo Chính phủ chia sẻ về nguồn cung và cầu của thị trường vàng hiện nay để người dân yên tâm, bởi lẽ giá vàng thế giới và trong nước đã thu hẹp chênh lệch khiến người dân rất phấn khởi. Nhưng có bán được hoài hay không thì tôi nghĩ đây là vấn đề cử tri rất quan tâm", đại biểu tỉnh Đồng Tháp chất vấn.
Tuy nhiên, do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết câu hỏi của đại biểu Hòa cùng các đại biểu khác sẽ được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời bằng văn bản.
Trước đó trong báo cáo mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng.
Các giải pháp bao gồm đấu thầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…
Theo đó từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày 5/6, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với trước đó một ngày.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời.
Cùng với đó, Chính phủ đặt mục tiêu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng/lượng.
Để tăng cung bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi đấu thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4. Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng SJC được nhà điều hành tung ra thị trường.
Ngoài tăng cung qua đấu thầu, cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thanh tra kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và 2 ngân hàng TPBank, EximBank. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.
Ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước công bố dừng đấu thầu vàng và quyết định sẽ bán trực tiếp vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để bán cho người dân, từ ngày 3/6.
Mức giá được xác định theo giá thế giới. Mục tiêu của nhà điều hành là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững.