1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nên hay không công khai tên cha, mẹ trong CMTND?

Công khai danh tính cha, mẹ trên CMND của người được cấp - theo ngành Công an là cần thiết, bởi nó giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại. Nhưng, cũng có nhiều người tỏ ý băn khoăn về quy định này.

Mẫu chứng minh thư mới sẽ có tên bố và mẹ người được cấp.
Mẫu chứng minh thư mới sẽ có tên bố và mẹ người được cấp.

Kỳ vọng nhiều tiện ích

Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, Thượng tá Cao Xuân Lượng - Phó Trưởng Phòng Hộ khẩu và CMND, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính và trật tự xã hội (C64, Bộ Công an) - cho biết, những khác biệt cơ bản của mẫu CMND mới so với mẫu cũ là: Được làm bằng nhựa, khổ nhỏ hơn mẫu cũ, theo chuẩn quốc tế, có phôi bảo an, mã vạch chứa đựng một số thông tin để cơ quan chức năng dễ quản lý. CMND cũ chỉ có 9 số nhưng mẫu mới có đến 12 con số. Khác biệt được nhiều người quan tâm nhất trên mẫu CMND mới là sẽ có thêm thông tin về họ tên cha, mẹ trên mặt sau của tấm CMND.

Con mặc cảm nếu cha hoặc mẹ là tội phạm

Tôi biết, hiện có rất nhiều ý kiến xung quanh mẫu CMND mới đặc biệt là việc ghi thông tin về tên cha, mẹ trên mặt sau của CMND mẫu mới. Tôi nghĩ không nên đưa tên cha, mẹ trong CMND, vì nó sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề nhạy cảm và có thể gây bất lợi cho người dùng như lộ những thông tin cá nhân, riêng tư vì CMND là giấy tờ dùng đề giao dịch dân sự ở nhiều nơi trong đời sống hàng ngày. Nhiều khi CMND còn có thể bị lợi dụng sự trùng tên để đem ra khoe tôi là con ông này, bà kia...

Rồi nhiều người có cha, mẹ phạm tội hình sự “nổi tiếng”, trong khi họ là người hoàn toàn tốt thì họ cũng cảm thấy thật khó chịu khi những thông tin họ là con một tên cướp khét tiếng, hoặc con một tú bà nào đó cứ bị người ta lôi ra bàn tán, mặc dù họ không muốn.

Những trường hợp như con không cha, con ngoài giá thú, những thông tin cá nhân nhạy cảm này cũng bị lôi ra cho mọi người biết.

Ông Phạm Xuân Hân (Ba Đình, Hà Nội).

Việc đổi CMND theo công nghệ mới được thực hiện đối với những trường hợp: CMND hết thời hạn sử dụng; hư hỏng không sử dụng được; thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh; thay đổi đặc điểm nhận dạng… Việc cấp lại được thực hiện trong trường hợp bị mất CMND. Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ - 15 năm.

Dự án này cũng kỳ vọng sẽ khắc phục được việc một người sở hữu nhiều CMND khác nhau. Theo đó, mỗi công dân khi được cấp CMND mới sẽ chỉ có một mã số chứng minh, một mã vạch và đi theo công dân đó đến suốt đời. 12 chữ số tự nhiên trên CMND do Bộ Công an cấp, quản lý thống nhất trên toàn quốc; trường hợp đổi, cấp lại thì vẫn giữ nguyên số ghi trên CMND đã cấp lần đầu…

Một người khi di chuyển từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác sẽ vẫn giữ một số CMND, không có chuyện đổi số như hiện nay. Khi một người thay đổi địa chỉ thường trú thì chỉ cần cập nhật trong dữ liệu. Cũng theo ngành Công an thì mã số này cũng sẽ đồng thời là số của thẻ công dân điện tử về sau.  

Đề tên cha, mẹ - người dân phản ứng

Những cải tiến mà Bộ Công an hướng tới như đã nêu có lẽ phải chờ tới khi triển khai mới kiểm chứng được. Nhưng với thay đổi cơ bản nhất trên CMND lần này là đưa thêm tên cha, mẹ vào mặt sau của CMND, thì người dân đã có những phản ứng khác nhau, thậm chí còn kiến nghị nên bỏ nội dung này để tránh phiền phức cho cá nhân.  

Theo tìm hiểu của PLVN, ngành Công an cho rằng, mục đích của việc thêm tên cha, mẹ là để quản lý tốt hơn. Trước đây cũng có thông tin cha, mẹ nhưng quản lý dạng “ẩn”, không thể hiện trên CMND nhưng trong hồ sơ lưu trữ thì vẫn có đủ.

“Tôi làm trong lĩnh vực này nhiều năm nên tôi biết có một khó khăn, đó là có rất nhiều người trùng họ, tên gây mất thời gian cho công tác truy tìm, phân loại đối tượng khi cần thiết. Ảnh thì na ná như nhau, 15 năm cũng khó nhận dạng. Mỗi người chỉ khác nhau dấu vân tay và tên bố mẹ, và đó được coi là điểm khác biệt nổi bật để phân biệt nhanh người này với người kia. Vì vậy, việc thêm tên cha, mẹ vào CMND là để dễ cho cơ quan chức năng khi cần tìm nhanh một cá nhân nào đó”, một cán bộ công an cho biết.

Đối lập với quan điểm đó, rất nhiều ý kiến của người dân lại nói rằng, việc thêm thông tin cha, mẹ trên CMND lần này gây phiền phức lớn cho số đông người dân với một loạt tình huống được dự liệu trước. Chị Trần Thanh Mai ở quận Tây Hồ ( Hà Nội), băn khoăn: “Sẽ rất khó xử cho những trường hợp con không cha, con ngoài giá thú, vì nếu để trống phần họ tên cha thì vô tình “phơi” ra nhân thân của họ, mà lẽ ra thông tin cá nhân đó phải được tôn trọng và bảo vệ”.

“Có người sống với bố mẹ nuôi, sau này tìm thấy bố mẹ đẻ, lại phải sửa CMND. 

Hay những người già, tầm 70 - 80 tuổi mà làm CMND thì bố mẹ đã mất từ lâu, bây giờ khai họ tên bố mẹ để làm gì?. Và còn nhiều vấn đề khi phát sinh nữa chẳng hạn như có người bố mẹ mất, không muốn tên cha mẹ mình luôn hiển hiện trên CMND như nhắc lại một nỗi đau hay nỗi nhớ người đã khuất.

Tôi chẳng hiểu vì sao lại có thay đổi như vậy?” - Ông Phạm Hải Minh (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội).

Anh Phạm Hải Minh ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dẫn thêm một bất tiện khác: “Tên bố mẹ vẫn có thể bị thay đổi. Có người sống với bố mẹ nuôi, sau này tìm thấy bố mẹ đẻ, lại phải sửa CMND. Hay những người già, tầm 70 - 80 tuổi mà làm CMND thì bố mẹ đã mất từ lâu, bây giờ khai họ tên bố mẹ để làm gì?. Và còn nhiều vấn đề khi phát sinh nữa chẳng hạn như có người bố mẹ mất, không muốn tên cha mẹ mình luôn hiển hiện trên chứng minh như nhắc lại một nỗi đau hay nỗi nhớ người đã khuất. Tôi chẳng hiểu vì sao lại có thay đổi như vậy?”.

Dù chưa triển khai, nhưng thượng tá Nguyễn Văn Nhuần - Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân - cũng đồng cảm với những băn khoăn nói trên của người dân: “Chúng tôi chưa triển khai, nhưng anh em cũng nghe ngóng và nhận được những phản hồi về bất tiện của thông tin tên cha, mẹ trên CMND, ví dụ như con ngoài giá thú thì sẽ khó khai tên cha, mà để trống thì dễ gây cho họ sự mặc cảm”.

Tiên liệu những bất hợp lý đó, nhiều người dân cho rằng không nên để thông tin bố mẹ trên CMND. “Tôi hoàn toàn nhất trí với nhiều ý kiến về việc nên bỏ tên cha mẹ sinh ra người đó ra khỏi giấy CMND mà nên kê vào đằng sau giấy CMND một số yếu tố khác như nhóm máu, mã số mã vạch của công dân khi cần thiết phục vụ công tác tìm kiếm, truy bắt những đối tượng tình nghi phạm tội, chiều cao sinh học, đặc điểm màu da...

Chỉ cần số hóa dữ liệu của một công dân thì khi tra cứu qua mạng là có thể biết ngay các thông tin chính xác về thân nhân của họ. Hy vọng những nhà quản lý cần xem xét và cân nhắc để thuận tiện cho người dân”, anh Vũ Hồng, ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) nói.

Theo thông tin từ Bộ Công an, khi cần xác nhận nhân thân của người được cấp CMND, cơ quan có thẩm quyền sẽ dùng máy quét mã vạch và máy sẽ cho biết đầy đủ các thông tin liên quan về người đó, vậy thì việc ghi thêm tên cha, mẹ trên CMND mới thiết nghĩ là không cần thiết. Vì vậy, băn khoăn của nhân dân cũng rất cần cơ quan chức năng lưu ý, giải thích hoặc chỉnh sửa cho phù hợp. Bởi cải cách hành chính là hướng đến sự giản tiện và không gây phiền toái về mặt tâm lý và phức tạp về mặt giấy tờ đối với dân… 

Luật sư Nguyễn Thị Phượng (Cty TNHH Luật Đại Việt): Thuận tiện trong nhiều giao dịch

Mẫu CMND được cấp theo công nghệ mới, chất liệu mới, có in mã vạch hai chiều. Sẽ giúp cho việc sử dụng và bảo quản chứng minh nhân dân tiện lợi, tốt hơn, đẹp hơn và bền hơn; đặc biệt sẽ khó làm giả hơn.   

Việc ghi thông tin cả tên cha, mẹ trên CMND theo tôi là phù hợp. Thực tế hiện nay, khi thực hiện một số công việc rất nhiều cơ quan yêu cầu người dân xuất trình Giấy khai sinh để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, anh, chị em ruột.

Ví dụ: Khi người dân làm thủ tục khai nhận thừa kế hay tặng cho tài sản, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng bắt buộc người dân phải xuất trình Giấy khai sinh để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, anh, chị em ruột…, nhiều người dân do thời gian đã lâu thường hay làm thất lạc hoặc hư hỏng Giấy khai sinh nên đã không thể làm thủ tục tặng cho dẫn đến không được miễn thuế hoặc phải đi làm thủ tục đăng ký khai sinh lại rất khó khăn gây mất thời gian.

Hay trong việc khai nhận di sản thừa kế do không có Giấy khai sinh đã không xác nhận được quan hệ huyết thống để hưởng thừa kế. Như vậy, việc CMND ghi thông tin về tên cha, mẹ sẽ là một trong những giấy tờ có thể thay thế cho Giấy khai sinh sử dụng trong trường hợp cần thiết. 

 

Theo T.Q - T.A

Pháp luật Việt Nam