1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nao lòng những đứa trẻ "thôn Robinson" xuyên sương mù tìm đến con chữ

(Dân trí) - Để đến được lớp học, từ nhiều năm nay, những đứa trẻ thôn Đồng Mậm (Lục Ngạn, Bắc Giang) phải lênh đênh 5 cây số trên lòng hồ Cấm Sơn. Những chiếc thuyền mong manh vẫn ngày ngày lặng lẽ đưa các em tìm đến con chữ.




Thôn Đồng Mậm nằm trọn trong lòng hồ Cấm Sơn. Đây cũng là thôn nghèo nhất của xã nghèo Sơn Hải với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 90%. Có dịp đến với thôn Đồng Mậm, được nghe chính người dân nơi đây tâm sự mới thấy hết được con đường phía trước của họ còn đầy gian khó. Những khó khăn còn hiện hữu nhưng người dân nơi đây chưa khi nào hết tin tưởng về một tương lai tươi sáng...

Xuyên sương mù tìm tới lớp học

Cả thôn bao gồm một đảo trung tâm, nơi đặt điểm trường tiểu học và bao quanh là nhiều "ốc đảo"nhỏ, nơi tập trung sinh sống của hàng chục hộ gia đình. Nhiều học sinh nơi đây chỉ có cách đi thuyền mới tới được lớp học. Và để đảm bảo an toàn cho tính mạng của con em mình, các gia đình thường thay phiên nhau chèo thuyền đưa các em đến trường. 

Nhà em Giáp Văn Thắng nằm trên "ốc đảo" xa xôi nhất của thôn và đã 3 năm nay, em phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị cặp sách tới trường. Nhảy lò cò trên đôi dép tổ ong đã nát bươm để chống lại cái rét "cắt da cắt thịt", Thắng cho biết: "Đường khó, lại xa, nên mỗi buổi sáng, chúng em để phải thức dậy sớm, thậm chí phải dùng đèn pin để soi đường đến lớp mỗi mùa đông sang. Nhưng cực nhất là cha mẹ em, mọi người phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị xôi hoặc cơm nắm để tụi em vừa ăn vừa đến trường. Tụi em không ngại đến trường, chỉ sợ hôm nào gió to thuyền chòng chành thì khiếp lắm". 

Anh Vi Văn Chanh đưa con tới lớp học
Anh Vi Văn Chanh đưa con tới lớp học

Mới đây một tổ chức từ thiện đã tặng cho thôn một chiếc thuyền máy. Kể từ đó việc đưa đón con em đi học cũng đỡ nhọc nhằn hơn. Thoáng thấy ánh mắt lo sợ của phóng viên khi chiếc thuyền đưa các em đi học cứ liên tục chòng chành, một phụ huynh học sinh mau mắn chỉ tay về phía màn sương đặc quánh trước mặt: "Phóng viên đừng sợ, bao năm nay rồi các cháu vẫn được đưa đi học an toàn. Đường đi quen, cứ thoải mái tay chèo, độ gần tiếng là tới nơi, chưa khi nào xảy ra tai nạn!".

Anh Vi Văn Chanh, một phụ huynh học sinh khác cho biết thêm, các gia đình trong thôn thay phiên nhau đưa các cháu đi học. "Đến phiên nhà nào, nhà nấy mang mấy lít dầu để chạy thuyền máy đủ cho 2 chiều đi và về trong ngày. Đối với các gia đình ở tập trung gần nhau thì thuận tiện hơn khi có thể bố trí chung một con thuyền, với các hộ cách xa thì họ phải tự túc đưa con em vượt hồ để đến trường", anh Chanh nói.

“Quả đúng là vào những hôm sương mù quá dày đặc, việc mày mò đường đưa con đến trường gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế đôi khi các con sẽ bị trễ giờ đến lớp. Khó khăn là thế nhưng chưa có một gia đình nào có ý định cho con nghỉ học vì khó khăn trong việc đi lại” – một phụ huynh đưa con đến trường tâm sự.

Một giáo viên, hai lớp, một phòng học

Số lượng học sinh đến điểm trường Tiểu học Sơn Hải tại thôn Đồng Mậm không nhiều nên việc hình thành “lớp ghép” cũng là điều dễ hiểu. Trong căn phòng khá rộng chỉ có hơn chục học sinh nhưng có đến hai lớp khác nhau. Hai bảng viết, hai nhóm học sinh ngồi về hai hướng và chỉ có một giáo viên chạy đôn chạy đáo.

Trong điều kiện thời tiết lạnh giá như vậy nhưng vẫn có rất nhiều em nhỏ đi chân trần tới lớp. Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn cho công tác giảng dạy. Để đem cái chữ đến với học sinh thôn Đồng Mậm thì trường tiểu học Sơn Hải đành phải “đặc phái” giáo viên ra vùng “ốc đảo” này. Thông thường mỗi giáo viên nhận trọng trách thì phải công tác gắn bó với Đồng Mậm 1 năm. Hàng tuần, mỗi sáng sớm thứ 2 thầy cô đi thuyền vào “ốc đảo” và cuối tuần lại quay trở về đoàn tụ với gia đình.

Phải giảng dạy trong một điều kiện vô cùng khó khăn, không đường đi, không điện thắp sáng nên việc mang kiến thức đến cho các em học sinh cũng bị hạn chế rất nhiều. Mỗi đêm các thầy cô vẫn phải miệt mài bên chiếc đèn dầu hay đèn pin để soạn giáo án.

Cô Lân Thị Thêu – một giáo viên trẻ vào làm nhiệm vụ ở thôn Đồng Mận bộc bạch: “Cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu tranh ảnh minh họa nên nhiều lúc chúng tôi muốn ứng dụng công nghệ thông tin để làm cho bài giảng phong phú hơn nhưng cũng không có cơ hội để thực hiện. Việc không có điện cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của cô và trò”

Không đường, không điện, cuộc sống càng khó khăn hơn. Cũng giống như hầu hết gia đình khác tại thôn Đồng Mậm, gia đình em Giáp Thị Quỳnh Như không có điều kiện để mua máy phát điện. Nguồn sáng duy nhất để em có thể nhìn thấy chữ là từ chiếc đèn con voi hoạt động bằng pin. “Em mong sao một ngày nào đó, thôn em sẽ có điện để chúng em không phải học bài trong bóng tối như hiện nay", Như cho biết. 

Trong điều kiện thời tiết lạnh giá như vậy nhưng vẫn có rất nhiều em nhỏ đi chân trần tới lớp
Trong điều kiện thời tiết lạnh giá như vậy nhưng vẫn có rất nhiều em nhỏ đi chân trần tới lớp

“Điều mong muốn lớn nhất của chúng tôi ở nơi này là có điện, có đường để học sinh thuận lợi hơn trong việc đến trường cũng như trong công tác học tập”, cô giáo Nguyễn Thị Nga chia sẻ thêm.

Trọng Trinh – Nguyễn Hùng