1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Kỳ lạ "thôn Robinson" hơn 50 năm mắc kẹt giữa lòng hồ

(Dân trí) - Thôn Đồng Mậm (Lục Ngạn, Bắc Giang) nằm trọn trong lòng hồ Cấm Sơ nhỏ bé, yên bình nhưng ẩn chứa biết bao chuyện buồn phải kể về cuộc sống tách biệt với văn minh loài người.

Mấy chục năm qua người dân quanh vùng vẫn gọi Đồng Mậm là một ốc đảo, do thôn nằm giữa hồ Cấm Sơn rộng lớn. Để đến được vùng đất Robinson này, chỉ có cách đi thuyền máy hơn 1 giờ đồng hồ thì tới nơi.

Nếu không có mặt ở nơi đây, thật khó để chúng tôi có mường tượng được, đến thế kỷ thứ 21, trên đất nước ta vẫn còn một ốc đảo bị lãng quên lâu đến như thế. Đồng hồ mới nhích về 6 giờ tối nhưng bóng đêm đã bao trùm cả một vùng rộng lớn. Không có điện lưới, bao đời qua người dân nơi đây phải sống trong cảnh bóng đêm hiu quạnh. Tối đến, những người dân thôn Đồng Mậm lại mò mẫm làm mọi thứ trong ánh đèn dầu hiu hắt. 

Có đèn pin ăn cơm tối đã là... sang

Băng qua những con đường ngập ngụa bùn đất, vòng vèo mãi dưới những tán cây dại cao quá đầu người, chúng tôi mới tìm được nhà bà Trần Thị Hòa. Đúng như lời vị bí thư thôn đã nói, người phụ nữ này đang ăn tối trong ánh sáng lúc tỏ lúc mờ từ chiếc đèn pin mà bà đang đội trên đầu. Thấy có khách lạ, bà Hòa vội vã trao đèn pin cho khách, lao vào bóng tối đen kịt ở phía bên kia góc phòng, lấy ra chén nước mời khách. "Nhà tôi ăn cơm tối dưới ánh đèn pin có khi là còn sang đấy chú ơi. Nhiều nhà khác trong thôn họ chỉ dùng đèn dầu. Hàng chục năm nay, chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng mong có điện lưới quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Không có điện, chúng tôi làm bạn với bóng đêm, riết rồi cũng quen. Nhưng nhìn sang địa phương bạn, thấy quạnh quẽ mà tủi hổ lắm chú à".  

Chỉ tay về phía mấy cháu nhỏ, bà Hòa chép miệng: "Cái thôn này cục mịch thế đấy, điện đóm chẳng có nên việc gì cũng phải lần mò trong bóng đêm. Chỉ tội mấy đứa nhỏ, học bài mà không có điện nên bị muỗi đốt xưng hết cả chân, làm việc gì cũng chậm chạp khó khăn".

Bà Trần Thị Hòa thắp đèn dầu, tiếp khách
Bà Nguyễn Thị Bộ thắp đèn dầu, tiếp khách

Người dân nơi đây vài ngày mới đi chợ một lần. Theo nhiều người dân, do đồ ăn thì chỉ giữ được hai ngày là hết, những ngày sau đó do chưa đến phiên chợ nên có gì ăn đấy. Nhà nào thuộc hàng khá giả trong thông thì mua được điện thoại di động "cục gạch" và gần như chỉ để nghe đài FM.


Và có lẽ, cũng hiếm nơi nào trên trái đất này lại có kiểu nghe điện thoại di động đặc biệt như người dân nơi đây. Để có được sóng viễn thông, nhiều gia đình phải treo lơ lửng điện thoại lên trước cửa nhà. Để liên lạc qua điện thoại nhiều khi họ phải leo lên đỉnh đồi.

Lầm rầm trong ánh đèn nhập nhoạng, ông Giáp Văn Phụ - Bí thư chi bộ thông Đồng Mậm cho biết thôn có khoảng 101 hộ với gần 500 nhân khẩu và trên gần 90% thuộc diện hộ nghèo.  Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu thuần nông, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên và mực nước trời ban do chưa có hệ thống mương máng. Năm nào mực nước hồ Cấm Sơn xuống thấp thì còn được hai vụ lúa. Còn năm nay, mực nước lên cao nên gia đình nào may mắn còn được 1 vụ lúa, không thì mất trắng. Trong khi đó, diện tích đất canh tác không thể mở rộng bởi xung quanh là rừng phòng hộ.

Nhiều hộ gia đình cũng tính đến phương án nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống nhưng "lực bất tòn tâm" Nhiệt độ về đêm ở thôn Đồng Mậm vào ngày mùa đông giá rét như thế này thường xuống đến 5-6 độ C, không có điện sưởi ấm nên nuôi gia súc, gia cầm đồng nghĩa với... "tự sát". Thứ ít rủi ro nhất, theo ông Phụ đó là vải thiều nhưng do đường xá chưa có, hệ thống lưới điện thì chưa đến nên vấn đề chăm sóc và tiêu thụ cũng rất bấp bênh.

Ước mơ thoát cảnh "Ronbinson trên đảo hoang"

Khoát tay chỉ về phía màn đêm đen kịt trước mặt, ông Phụ nói mà như than với chính lòng mình: "Để thoát nghèo, chúng tôi phải có đường liên thôn. Đời cha mẹ và chúng tôi đã nghèo cực, nhưng không thể con cháu đời sau phải mang tiếng là dân ốc đảo Robinson nữa. Không thể cứ sống mãi trong cảnh hiu quạnh thế này. Năm nay chúng tôi quyết định sẽ mở một con đường dựa trên sức đóng góp của bà con. Quan điểm của thôn là cố gắng phát động để thông qua đó chính quyền các cấp cũng như các tổ chức xã hội sẽ quan tâm giúp đỡ”.

Ngay khi trời sáng, vị bí thư xã đã đưa chúng tôi đến với con đường mơ ước của bà con. Dự án đổi đời cả thôn mới chỉ dừng lại ở mức... phát quang cây dại. Bí thư chi bộ thôn Đồng Mận bộc bạch: “ Nếu dùng sức người để mà cuốc và làm bằng tay mở đường thì điều đó là không thể. Chính vì thế cần phải dùng đến máy xúc để mở đường khoảng 8km sẽ ra đến thôn bạn (đã có điện và đường ô tô đi được -PV). Chi phí cho con đường này ước tính khoảng 500 đến 600 triệu đồng. Nếu con đường được mở thì chắc chắn điện cũng có thể kéo về thôn".

Bà Trần Thị Hòa thắp đèn dầu, tiếp khách

Đem những trăn trở của người dân thôn Đồng Mậm trao đổi lại với lãnh đạo xã Sơn Hải, ông Giáp Hồng Đăng – Bí thư xã cho biết: “Sự mong muốn của người dân Đồng Mậm cũng là trăn trở của chúng tôi. Đảng ủy cũng đã có nghị quyết đồng ý hình thành con đường này. Ban đầu chúng tôi dự định kêu gọi sự hỗ trợ của đơn vị quân đội đóng trên địa bàn huyện và toàn bộ nhân dân ở trong địa phương nhưng như vậy sẽ rất mất nhiều thời gian. Để rút ngắn thời gian thì phải có máy xúc. Trước mắt người dân sẽ đóng góp để hình thành con đường trước, sau đó sẽ tiếp có ý kiến với huyện để xin hỗ trợ ngân sách”

Ông Đăng cũng khẳng định, việc chưa hình thành con đường không phải vướng mắc ở đâu mà do cần có thời gian để vận động nhân dân bởi khi làm đường thì chắc chắn sẽ đi qua phần đất của các hộ gia đình.

Theo đánh giá bước đầu của xã Sơn Hải thì hầu hết các hộ gia đình của thôn Đồng Mận đều rất ủng hộ bởi suốt ngày đi thuyền thì không đảm bảo, con em đi học rất vất vả.

“Do con đường mới chỉ là lối mòn nên việc xin hỗ trợ nguồn vốn rất là khó. Ban đầu chúng tôi vận động người dân mở được con đường đi đã, về lâu về dài thì bắt buộc phải nhờ sự hỗ trợ của cấp trên” – Bí thư xã Sơn Hải chốt lại vấn đề.

Trọng Trinh – Nguyễn Hùng