1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nặng gánh tha hương…

(Dân trí) - Sài Gòn những ngày cận Tết, nhiều người mất đi cái vẻ hối hả ngày thường, lâu lâu cũng chậm rãi ngoái nhìn những hàng mai, chậu kiểng đượm mùi xuân ven phố. Nhưng thảng hoặc vẫn có những con người đang hối hả và lầm lũi bước.

Nặng gánh tha hương…  - 1

Bà Hơn không có ý định gác gánh hàng rong trong những ngày tết.
 
Đã là ngày 26 tháng chạp âm lịch, tôi vẫn bắt gặp bà Hơn ở góc đường Phạm Ngọc Thạch - Lê Duẩn với gánh hàng bánh trái của mình. Dù đã hơn 60, hàng ngày bà vẫn gánh quang gánh trên vai, đi ruổi từ nhà trọ ở quận 4 qua cầu Ông Lãnh, dọc theo phố Nguyễn Thái Học để vào trung tâm TP bán.

 

Vốn quê ở Bình Định, vào Sài Gòn bán hàng rong đã gần 10 năm nay nuôi cháu ăn học. Nay đứa cháu đã ra trường nhưng bà vẫn chưa bỏ gánh hàng rong này được; bởi lương công nhân của cháu không đủ lo cho bà, mà ở quê thì bà cũng chẳng làm được gì khác, thôi thì ráng bám trụ Sài Gòn.

 

Mấy tháng trước có gặp thì bà bảo hai tháng bà về quê một lần để lấy hàng, sắp xếp về trước Tết để đón Tết cùng gia đình luôn, nhưng nay sao vẫn chưa về? Bà buồn bã cho hay: “Thằng cháu mất việc tháng trước nên nó không muốn về, nó đang chờ kiếm việc khác. Lúc này nó đang xin làm giữ xe cho quán ăn dịp tết nên bà cũng ở lại với nó luôn. Dù gì tết nhất cũng có hai bà cháu”.
 

Nặng gánh tha hương…  - 2

Lạc lõng giữa Sài Gòn.

 

Và để không phải tiêu lạm vào cái khoản tiền còm cõi của cháu, bà vẫn phải tiếp tục quảy gánh hàng rong dù đã là những ngày cận tết. Nếu ở quê, những ngày này bà đã phải chuẩn bị bánh trái, sửa sang nhà cửa, tảo mộ ông bà… Nhưng ở Sài Gòn, bà chỉ biết quảy gánh hàng rong cho qua ngày, mà cũng là kiếm tiền độ nhật.

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, quê Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán ve chai thì càng buồn hơn. Vì chị còn chồng và 2 đứa con nhỏ ở quê nhưng không được về đoàn tụ trong những ngày cuối năm này. Chị cho biết: “Về làm gì, nào là tiền ăn uống, xe pháo, quà cáp… Về chỉ có mấy ngày tết mà bay đứt mấy triệu bạc. Đã 3 năm rồi chị không về quê, chắc là sang năm cũng sắp xếp về một chuyến, nhưng không về dịp tết đâu, tốn kém lắm”.

 

Trong nhóm ve chai dưới chân cầu Ông Lãnh của chị còn có 3 chị đồng hương cũng cùng chung cảnh tết xa nhà triền miên như chị, và một chị ở Quảng Nam, hai chị Nghệ An… Tất cả họ luôn thùm thùm trong chiếc áo công nhân xây dựng rộng thùng thình, mặt mũi quấn chặt bởi những tấm khăn, lầm lũi tháo, giũ từng sợi đồng, từng túi nilon... Họ cúi gầm mặt như giấu đi nỗi buồn tha hương, vất vả mưu sinh của mình.

 

Chị Hồng chép miệng than: “Ở quê đi làm gạch cực gấp mấy lần ở đây mà có đủ ăn đâu, ngày làm giỏi lắm cũng chỉ kiếm được ba, bốn chục nghìn. Thôi thì, ngày nào người ta nghỉ mình làm được nhiều tiền hơn chứ tết nhất gì”.
 
Nặng gánh tha hương…  - 3

Chị Hồng: "Sẽ về nhà, nhưng không về vào dịp tết".

 

Khi được hỏi về cái tết quê, ông Hồ Tứ chạy xe xích lô trên đường Phạm Ngũ Lão nhìn xa vắng: “Tôi bôn ba rời khỏi quê hương đã 40 năm rồi chú ơi, chiến tranh loạn lạc mà mình phải rời khỏi quê cha đất tổ. 40 năm lênh đênh không biết qua bao nhiêu tỉnh thành rồi mà có được sự nghiệp gì đâu; nhà thuê, chạy xe mướn thì làm sao dám về nhận mặt họ hàng…”.

 

Sài Gòn náo nhiệt và giàu sang, ngày Tết càng được trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ đèn hoa… Nhưng đâu đó ở những góc tối vẫn có những con người tha hương lầm lùi đi, lầm lũi nhặt nhạnh từng đồng. Ngày cuối năm, trên vai họ càng nặng gánh mưu sinh...

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm