1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Năm Thân kể chuyện khỉ trên đảo “Sơn hầu vương”

(Dân trí) - Loài khỉ từ lâu được biết đến là loài vật thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo và có nhiều nét khá tương đồng với con người. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, khỉ luôn có một vị trí nhất định và là con giáp đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong “Thập nhị địa chi”.

Màn “chào hỏi” của đám khỉ “bụi đời”!

Có thể nói trên suốt dải đất ven biển miền Trung nói riêng và nước ta nói chung, ít có nơi nào lại nuôi khỉ tập trung và đông đúc như đảo Hòn Lao nằm trên Đầm Nha Phu của tỉnh Khánh Hòa. Đàn khỉ hơn 1.200 con trên hòn đảo rộng 35 ha được gọi với cái tên “Sơn hầu vương” có lẽ là nơi hiếm hoi để ta “mục sở thị” cuộc sống đám hậu duệ “Tề Thiên Đại Thánh”.

Đảo Khỉ, một cách gọi khác của người dân bản địa cho đảo Hòn Lao, cách TP Nha Trang khoảng 15km về phía Bắc. Từ bến tàu ở đất liền thuộc xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang), lữ khách mất khoảng 20 phút đi ca nô là có thể đến “thế giới của loài khỉ” trên hòn đảo xanh tốt này.

Năm Thân kể chuyện khỉ trên đảo “Sơn hầu vương” - 1

Đặt chân lên đảo và đi bộ chưa hết rặng dừa xanh thì bất ngờ vài chú khỉ thân hình nhỏ thó bổ nhào ra “chào” chúng tôi với màn chuyền cành thoăn thoắt từ cây này sang cây khác. Có lẽ như đã thành lệ, với màn “chào hỏi” này, chúng không phải cho không ai cái gì mà là đổi lấy vài túi đồ ăn sau đó. Thậm chí, cũng có một số con giả vờ đáng thương, ngoan hiền, đứng yên “tạo dáng” trên cây cho khách thoải mái chụp ảnh để sau đó lẽo đẽo “xin” đồ ăn.

Những “khúc dạo đầu” này cho thấy khỉ ở đây đã thành quen mỗi khi có khách đến đảo và điều đó đồng nghĩa chúng sẽ có thêm đồ ăn. Du khách đến càng đông thì coi như chúng càng no nê, say khướt!

Kiếm được vài hạt đậu từ tay du khách quăng cho, ăn chưa kịp chùi mép thì một con từ trên cây bất ngờ sà xuống giật đồ ăn của một người bán hàng. Anh Ngô Đức Tám, một người canh khỉ trên đảo đứng ở gần đó phải giương ná “bắn chỉ thiên” vài lượt đạn, chúng mới bỏ đi.

“Ồ! Đó là những con khỉ bụi đời và chuyên đi giật đồ ăn của khách! Chúng sống lang thang và không thuộc “biên chế” nhóm nào trên đảo này”, anh Tám giải thích sau khi một con vừa cướp được đồ ăn. Với những con khỉ “bụi đời”, mỗi khi thấy những cái ná giương lên là chúng bỏ chạy tán loạn và đây được xem là công cụ chế ngự hành vi “vô kỷ cương” của chúng.

Theo người dân trên đảo, khỉ “bụi đời” hay còn gọi là khỉ “giang hồ” thường lập thành một nhóm khoảng vài chục con. Đây là đám khỉ đực bất mãn, không phục tùng khỉ chúa, chuyên đi phá phách, cướp giật. Một số con gia nhập khỉ “bụi đời” cũng có thể là do chọc ghẹo, sàm sỡ “phu nhân” của khỉ chúa, một điều được coi là phạm thượng, bất kính với bề trên! Với những hành vi này, khỉ chúa sẽ trừng phạt rất hà khắc, bị đánh đập, cào xé và tống cổ ra khỏi đàn. Đám khỉ “bụi đời” thường sống vất vưởng ở bên ngoài cổng chào “Sơn hầu vương”, nơi mà những nhóm khỉ “danh chính ngôn thuận” chia nhau cai quản và chia chác phần “hoa lợi” từ du khách.

Năm Thân kể chuyện khỉ trên đảo “Sơn hầu vương” - 2

“Chúa khỉ” và những đặc quyền như “bậc đế vương”!

Theo người dân trên đảo, vào tháng 10 hàng năm, khi mùa mưa đến, cây cối bắt đầu xanh tươi, đâm hoa kết trái thì đàn khỉ trên đảo tổ chức “đại hội anh hùng” để đánh nhau, tranh giành ngôi vị khỉ chúa. Khỉ chúa là con có nhiều đặc quyền, đặc lợi và tự đặt ra những luật lệ riêng sau khi thu phục những con khỉ “tai to mặt lớn” khác để lên nắm quyền thống lĩnh.

Sau “đại hội anh hùng” nếu những con khỉ “máu mặt” thất trận dưới tay khỉ chúa đương nhiệm thì chúng sẽ bị “đày” thành khỉ “giang hồ” hoặc điều tương tự đối với khỉ chúa đương nhiệm nếu chúng bị một con khỉ khác hạ bệ trong trận đánh giành ngôi trị vì một năm.

“Có những trận 2 con đánh nhau tơi tả, bươm máu để giành vị trí cai quản”, chị Võ Thị Kim Liên, một người dân có 17 năm sống ở trên đảo, kể. Khỉ chúa có đặc điểm là ngoại hình vạm vỡ, chân tay to, mắt đỏ ngầu, mày xếch rất hung dữ, khi đi đuôi luôn cong vút lên trời.

Vì là con nắm quyền lực cai quản nên khỉ chúa có rất đông “mỹ nữ” ở bên cạnh. Khỉ chúa có thể “qua lại” với bất kỳ khỉ cái nào nếu muốn và những con khỉ đực khác trong đàn không được đả động đến. Khi có thức ăn, khỉ chúa ăn trước, đến mức “no xôi chán chè” bỏ đi thì những con khác mới đến lượt. Như một luật định, những con “sức dài vai rộng” ăn trước, nhỏ yếu ăn sau.


Du khách nước ngoài thích thú khi đến với đảo Sơn hầu vương.

Du khách nước ngoài thích thú khi đến với đảo "Sơn hầu vương".

Mặc dù hưởng lợi hơn những con khác nhưng khỉ chúa cũng là con “đứng mũi chịu sào” nếu cả đàn gặp nguy hiểm. Khỉ chúa có thể chiến đấu bỏ mạng để cho cả đàn an toàn nếu gặp mối đe dọa.

Theo anh Ngô Đức Tám, ngoài trận đánh để giành quyền làm khỉ chúa lớn nhất, cũng có những trận đánh giữa các nhóm với nhau để tranh giành phạm vi ảnh hưởng, tranh giành vùng đất màu mỡ. “Khi đánh nhau, chúng chia làm 2 phe và kéo thành từng đàn cả trăm con xông vào cắn giáp lá cà và chạy từ vùng này sang vùng khác, làm náo động cả đảo”, anh Tám - kể.

Khỉ cũng “tình cảm” như con người!

Theo người dân trên đảo, đám khỉ sống với nhau từng bầy đàn và tính cộng đồng, tập thể của chúng rất cao. Chuyện kể rằng, có lần một người dân bắt nhốt một con khỉ con thì lập tức bầy đàn của chúng bủa vây nhà dân và “quậy” tưng bừng cho đến khi đồng loại được thả ra. Hoặc khi một con trong đàn đánh nhau thua thì chúng phát tín hiệu để bầy đàn tới giải cứu.

Khỉ mẹ rất thương yêu con và mang con ở dưới bụng đủ 18 tháng mới thả ra. Trước khi có thể tự kiếm sống, khỉ mẹ sẽ dạy cho khỉ con cách leo trèo, bắt mồi và cả những kỷ năng tự vệ. Khỉ cái đến một độ tuổi nhất định, khoảng 7 đến 10 tuổi thì bắt đầu mang thai. Theo người dân ở đảo Hòn Lao, mặc dù nhiều con khỉ cái giao phối ở độ tuổi sớm hơn nhưng không có thai.

Khỉ mẹ mang thai 6 tháng 10 ngày thì sinh nở và một con khỉ cái trong đời mang thai ngoài 5 lần. Khi khỉ cái không muốn sinh thêm con thì chúng luôn luôn mang con dưới bụng để tránh mặt khỉ chúa. Cũng như con người, khỉ mẹ vẫn có thể sinh đôi và chuyện này khá hiếm. Hiện nay ở Đảo Khỉ đang có một cặp khỉ sinh đôi khoảng 6 tháng và 2 con khá giống nhau.

Sau khi ăn uống no say thì khỉ thể hiện tình cảm như con người! Buổi trưa hoặc buổi chiều, thường xuất hiện những “gia đình khỉ” cùng nhau nô đùa, vui chơi, quấn quýt lấy nhau dưới đám cỏ. Những khi ấy, khỉ đực hoặc khỉ cái thường “bắt chấy”, xoa bóp cho nhau rất tình cảm!

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm